QĐND - Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách "Vài ngón nghề ngoại giao". Cuốn sách là kết tinh trí tuệ và tâm huyết trong cuộc đời có hơn 60 năm làm công tác đối ngoại của tác giả. Mới đây, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức buổi giới thiệu sách và giao lưu, trao đổi giữa tác giả với đông đảo bạn đọc. Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi thú vị này. Do đối tượng người tham gia giao lưu rất đa dạng, chúng tôi xin phép được giữ nguyên cách xưng hô của người dẫn chương trình (MC) và nhân vật trong buổi giao lưu.

Viết sách vì "thấy oan ức"...

MC: Thưa ông, tại sao ông lại đặt tiêu đề cuốn sách là "Vài ngón nghề ngoại giao"?

Đồng chí Vũ Khoan: Tôi muốn bày tỏ đôi điều. Cá nhân tôi rất cảm ơn NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật và Học viện Ngoại giao đã giúp chúng tôi ra cuốn sách này. Tôi dùng từ chúng tôi là vì (cười rất tươi) cuốn này "đạo" ý tưởng, "đạo" văn của rất nhiều đồng chí ngồi ở dưới hội trường này. Tôi tích lũy chất xám của các đồng chí rồi "mông má" lên thành cuốn sách như vậy. Cho nên nội dung cuốn sách không phải của riêng tác giả Vũ Khoan đâu, đằng sau đó là kiến thức, kinh nghiệm của hàng nghìn nhà ngoại giao.

Động cơ ra sách của tôi rất đơn giản. Những năm gần đây, tôi rất bức xúc khi nghe người ta cứ nói mảnh đất này là mảnh đất "ngoại giao" với nhã ý như ưu ái cho một người nào đó, hay nói căn hộ này là căn hộ "ngoại giao". Tôi thấy oan ức quá, vì hóa ra mình làm nghề ngoại giao, là nghề không sạch thế à? Không phải đâu, ngoại giao không phải đút lót, ngoại giao là làm lợi cho đất nước, giữ gìn đất nước, làm cho đất nước vẻ vang. Trước đây, tôi cũng có một cuốn nữa là "Chuyện nghề ngoại giao". Để cho mọi người biết ngoại giao không phải là cái gì đó không lành mạnh đâu mà là nghề rất vinh quang, đóng góp rất nhiều cho đất nước. Hơn nữa, chúng ta đang hội nhập, người người, nhà nhà làm ngoại giao nhưng lại không biết cái ngón nghề làm ngoại giao, thành thử xảy ra những chuyện không hay lắm. Cuốn sách không phải để giúp các cháu học trường ngoại giao đâu vì các cháu đó có điều kiện tiếp cận những kiến thức chuẩn rồi. Mà để những người làm ngoại giao không chuyên tham khảo. Ví như đi du lịch cũng là ngoại giao, nhưng lại không biết ngón nghề, thành ra nó gây hại cho đất nước, làm xấu hình ảnh của những người Việt Nam trong con mắt người nước ngoài.

Đồng chí Vũ Khoan trao đổi với bạn đọc về cuốn sách "Vài ngón nghề ngoại giao". Ảnh: HẢI VIỆT

Một mục đích nữa là, rất nhiều người nghĩ việc ngoại giao là một cái gì đó quá cao siêu, nhưng thực ra đây là một nghề. Có thể nói ở nước ta hiện nay rất nhiều người làm việc thiếu chuyên nghiệp, tức là không có tay nghề. Ngoại giao cần có tri thức. Để biến những tri thức thành hành động cần có tay nghề. Ông cha nói "nhất nghệ tinh nhất thân vinh", có tay nghề cao thì sản phẩm tốt, thu nhập cao, danh tiếng để lại. Tôi rất chú ý khía cạnh nghiệp vụ, nôm na là tay nghề. Ngoại giao có những ngón nghề như thế. Lúc đầu tôi định đặt là "kỹ năng" thôi, nhưng nghĩ thì nó cũng chỉ là ngón nghề. Chỉ là vài ngón nghề bởi cái nghề này cũng lắm thứ lắm, thành ra kể hết thì không kể được.

Bác Hồ là người thầy của ngoại giao Việt Nam

MC: Cuốn sách đúng là kết tinh trí tuệ của một nhà ngoại giao lão luyện, ông có thể cho biết, ai có ảnh hưởng lớn nhất đến con đường ngoại giao của ông?

Đồng chí Vũ Khoan: Bác Hồ là người thầy của ngoại giao Việt Nam. Tất cả những gì trong lịch sử ngoại giao hơn 70 năm qua của Việt Nam, chính là những ý tưởng, thậm chí là những kỹ năng siêu đẳng của Bác Hồ. Chính vì thế tôi gọi ngoại giao Việt Nam là trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Tất cả chúng ta đều là học trò của trường phái đó. Càng sống lâu, làm nhiều trong ngành ngoại giao lại càng thấy mình quá kém cỏi. Để vươn tới những tầm cao đó thật là khó khăn. Chúng tôi đều hiểu thấu ở đâu đó, mình mới chỉ hiểu biết đôi chút những triết lý, nghệ thuật của ngoại giao của Bác Hồ mà thôi. Tôi xin kể một câu chuyện:

Năm 1957, có một đoàn đại biểu Quốc hội của một nước Đông Âu thăm Việt Nam, tôi được phân công làm phiên dịch. Chúng tôi dẫn đoàn đi thăm Hải Phòng thì xảy ra một chuyện rất buồn, liên quan đến quan niệm về ứng xử văn hóa giữa Việt Nam và bạn còn nhiều khác biệt. Thành ra chuyến đi thất bại. Đoàn trở về ở 12 Ngô Quyền. Sáng sớm hôm sau, mới 6 giờ sáng thì Bác đến. Bác bảo tôi: "Cháu báo là bác đến thăm trưởng đoàn". Tôi gãi đầu, gãi tai nói với Bác là bây giờ còn sớm quá đối với người châu Âu. Nhưng Bác bảo: "Cứ nói với ông ấy là Bác đến thăm". Tôi gõ cửa và báo cho ông trưởng đoàn biết. Ông ấy vội vã gọi vợ dậy để đi ra tiếp Bác. Trong lúc đợi, Bác Hồ bảo tôi lấy mấy cái ghế mây mang lên tiếp ông bà trưởng đoàn trên sân thượng. Đó có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao thế giới, một nguyên thủ quốc gia tiếp một nhà lãnh đạo nước ngoài mà ông ấy còn cởi trần, bà mặc áo ngủ ngồi ở sân thượng. Ông trưởng đoàn rất bối rối nói: "Tôi vừa đến Việt Nam, tôi chưa kịp đến chào đồng chí mà đồng chí đã đến thăm tôi thế này?". Bác Hồ nói: "Ở Việt Nam có câu: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Đồng chí là thầy, thầy đến thăm nước trò thì trò phải ra thăm thầy trước".

Ông trưởng đoàn ngạc nhiên nói: "Sao đồng chí lại nói như thế. Đồng chí thậm chí còn là thầy của Quốc tế cộng sản, tôi chỉ là một cán bộ của Quốc tế cộng sản". Bác nói: "Tôi biết đồng chí chứ đồng chí không biết tôi. Ngày trước, khi đồng chí giảng dạy ở Trường Đại học Phương Đông thì tôi là học viên ngồi ở dưới. Hơn nữa khi em gái đến thăm nhà mà tôi không ra thăm em gái trước thì không được, phương Đông là như thế bởi vợ của đồng chí là em gái tôi".

Lúc này, mọi người mới sững ra. Tại sao lại là em gái? Hóa ra, phu nhân trưởng đoàn là em gái của một nhà lãnh đạo Quốc tế cộng sản và là bạn của Bác. Bác đã nhận bà làm em nuôi trong thời gian hoạt động trong cơ quan của Quốc tế cộng sản. Thế là không khí gia đình làm tan biến hết khúc mắc của ông trưởng đoàn.

Việc ứng xử như thế rất phương Đông, rất lịch sự. Đó là ngón nghề ngoại giao.

Người thầy thứ hai là tất cả những người đồng nghiệp của tôi. Trong đó, tôi trưởng thành được về công tác nghiên cứu ngoại giao là nhờ đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. Đồng chí vốn là Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao những năm 80 của thế kỷ trước. Và tôi lớn lên về nghiên cứu chính là nhờ sự lãnh đạo, chỉ bảo của đồng chí ấy.

Muốn trưởng thành phải qua thử thách

MC: Nghiên cứu được ví như cái gốc của hoạt động ngoại giao, như ông nói thì năng lực nghiên cứu của ông tăng lên qua thực tiễn, vậy cụ thể điều đó diễn ra như thế nào?

Đồng chí Vũ Khoan: Tôi trưởng thành qua thử thách công tác. Như sau Hiệp định Pa-ri, câu hỏi đặt ra nếu chúng ta giải phóng miền Nam thì phản ứng của những "ông lớn" sẽ thế nào? Đây là một câu hỏi rất lớn. Chúng tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu chuyện đó. Tôi được tham gia dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. Chính nhóm nghiên cứu đó giúp tôi nâng tầm lên, hiểu thế nào là nghiên cứu chiến lược. Cái này, trong sách tôi có nói.

Muốn trưởng thành phải chấp nhận khó khăn, thách thức. Như lần cấp trên quyết định đưa tôi về bộ phận nghiên cứu kinh tế. Tôi gặp đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, trình bày: "Tôi có biết gì về kinh tế đâu mà tổ chức bắt tôi đi "làm" kinh tế? Trong lớp bồi dưỡng cán bộ của Bộ Ngoại giao thì môn kinh tế tôi bị điểm thấp nhất". Ông bảo: "Vì cậu điểm thấp thì tớ mới bắt cậu đi làm kinh tế". Tôi hỏi: "Sao anh lại làm ngược thế?". Ông bảo: "Vì cậu "dám" nói sai với ý thầy thì tớ mới lấy, chứ cậu nói theo thầy thì tớ lấy làm gì".

Sau này tôi nghĩ, như vậy là cấp trên khuyến khích mình phải dám nghĩ khác, làm khác. Đó chính là tư duy đổi mới. Thế là tôi chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế. Nhờ "mang tiếng" là biết kinh tế nên đến năm 2000, tôi được điều về làm Bộ trưởng Bộ Thương mại. Vợ tôi rất lo, bảo tôi: "Tiền lương tiêu ông còn không biết tiêu, giờ ông phụ trách hàng nghìn tỷ của đất nước, nhỡ mà tôi lại phải đi thăm nuôi ông thì làm thế nào? Đấy, tôi trải qua thử thách như thế, muốn trưởng thành thì phải qua thử thách các bạn ạ, phải qua thực tế rèn luyện".

Cái quyết định là văn hóa

MC: Trong các ngón nghề ngoại giao thì nghiên cứu văn hóa của đối tác có vai trò như thế nào, thưa ông?

Đồng chí Vũ Khoan: Chúng ta làm ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, nhưng ở chiều sâu thì cái quyết định nhất lại là văn hóa. Hình ảnh Bác Hồ làm ngoại giao chính là hình ảnh một nhà văn hóa lớn, cách ứng xử của Bác mà tôi vừa kể trên là một cách ứng xử của văn hóa phương Đông, rất mềm mỏng, chân thành, rất nhân văn. Ngoại giao trước hết là giao tiếp, đã giao tiếp với con người thì phải có hồn. Một trong những ngón nghề ngoại giao là nhắc tới đôi ba sự tích lịch sử hay văn hóa, vài danh nhân đất nước, lẩy ba câu châm ngôn hay câu thơ nổi tiếng của quê hương đối tác. Chắc mọi người còn nhớ bài diễn văn của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) trong thời gian thăm chính thức Việt Nam hạ tuần tháng 5-2016. Đó là mẫu mực về ngón nghề này. Trong bài diễn văn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình ngày 24-5-2016, ông đã khéo léo nhắc tới nhiều địa danh, nhiều danh nhân nổi tiếng của Việt Nam, lẩy ra những lời ca của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, những câu thơ trong Truyện Kiều rất hợp tình, hợp cảnh như: "Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi...". Thủ thuật ấy đã tranh thủ được biết bao trái tim người nghe.

Chính sự trích những nét văn hóa, lịch sử, con người ấy là cái hồn của dân tộc đó. Người ta đến với mình, chủ động nói đến những cái đó là chạm đến trái tim của mình. Ví dụ, nếu ông nào đó đến nói rằng: "Chúng tôi hết sức coi trọng tăng cường, đẩy mạnh, đưa quan hệ với nước Việt Nam lên tầm cao mới" thì mình chẳng có xúc động gì. Nhưng nếu ông ấy nhắc đến Nguyễn Du thì mình thấy tâm hồn mình như mềm lại và mình cảm thấy hãnh diện là quê hương mình có một đại thi hào như thế. Văn hóa của các dân tộc rất khác nhau, mình muốn nói với ai thì mình phải hiểu văn hóa của người đó.

Khi tôi là Bộ trưởng Thương mại, sang Mỹ ký, trao đổi văn bản gọi là Phê chuẩn Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ, người ta mời tôi phát biểu. Tôi nghĩ suốt đêm. Tôi không biết viết đâu, chỉ biết nói thôi. Tôi mới phát biểu theo kiểu Mỹ, không có thưa gửi gì nhiều cả. Tôi nói: "Thưa các ông, các bà, đêm qua tôi có một giấc mơ". Tôi mới nói có thế, cả hội trường bừng lên vì chữ ấy, vì chữ ấy là cách nói của lãnh tụ da đen nổi tiếng người Mỹ Lu-thơ Kin (Luther King). Đấy, vì mở đầu theo văn hóa Mỹ, nên bài nói của tôi thu hút sự chú ý.

Tôi nói thêm ý nữa, ví dụ mình làm ăn với người Nhật mà không biết văn hóa của người Nhật thì làm sao có thể làm ăn lớn được. Ví dụ: Một nét văn hóa của người Nhật là làm hết việc mới về và thủ trưởng về mình mới về. Văn hóa công sở của ta thì sao, làm chưa hết giờ đã về, về trước cả thủ trưởng. Nếu làm đối ngoại mà không biết cái đó thì không chơi được với ai đâu. Khách nước ngoài nghiên cứu văn hóa Việt Nam rất nhiều, còn mình thì ít nghiên cứu văn hóa, ít để ý văn hóa của bạn.

MC: Như ông nói thì nghề ngoại giao đòi hỏi phải là người linh hoạt, mềm dẻo, vậy một người có tính cách "cứng nhắc" làm ngoại giao liệu có cơ hội thành công?

Đồng chí Vũ Khoan: Nếu nói người cứng không được làm ngoại giao thì đội ngũ những người ngoại giao sẽ mất gần hết tài năng. Vì những người cứng nhiều hơn những người hài hước, mềm dẻo. Ngoại giao lúc nào là hài hước, lúc nào là nghiêm chỉnh cũng là cách chọn thời điểm và đối tượng. Ở thời điểm cần nghiêm chỉnh, thậm chí là nghiêm khắc mà lại hài hước thì không được, cho nên phải tùy tình huống. Người ngoại giao giỏi cần có cả hai phẩm chất, vừa nghiêm chỉnh nhưng đồng thời cũng phải rất hài hước. Tôi cũng phải nói thật là Bác Hồ quả là một con người rất nghiêm khắc, rất giữ gìn nguyên tắc, nhưng Bác cũng rất hài hước, dí dỏm khi cần thiết.

Nghề ngoại giao cần có cả "dĩ bất biến" và "ứng vạn biến", cần nghiêm chỉnh nhưng cũng cần "chịu chơi". Nếu không biết dí dỏm thì cần học dí dỏm.

MC: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất thú vị hôm nay!

VIỆT HẢI (lược thuật)