Chính ở đây, trong cuộc chiến đấu này đã thể hiện tập trung nhất lòng yêu nước và bản lĩnh dân tộc, tài cầm quân của các tướng lĩnh, sự hy sinh vô bờ bến của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân... Và đó là nguồn cảm hứng lớn cho văn nghệ sĩ. Phim, ảnh, bài hát, tượng đài, tác phẩm văn học... lần lượt trình làng những sáng tác mới về chiến công vĩ đại "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu" này. Sức hấp dẫn của đề tài có cái lý của nó.

Đây là cuộc đọ sức lớn và khốc liệt nhất giữa đội quân viễn chinh giàu kinh nghiệm chiến trường với một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mới có mười tuổi quân, trang bị vũ khí hạn chế... Và những nhà cầm quân của chúng ta thuở ấy chưa đánh trận nào lớn như thế, nhưng chiến thắng cuối cùng lại thuộc về họ.

Các văn nghệ sĩ viết về Điện Biên Phủ không phải vì cuộc chiến lớn và khốc liệt nhất, tốn kém nhất mà vì ở cuộc chiến đấu ấy họ nhìn thấy một tinh thần Việt Nam mới, một khí thế mới, một tâm thức mới của những người dân chiến đấu vì sự tồn vong của Tổ quốc mình. Tinh thần ấy có cả ở người lính lẫn các vị tướng lĩnh, chỉ huy, ở nhân dân và các lực lượng phục vụ chiến dịch.

Âm vang Điện Biên Phủ trở thành một biểu tượng của tinh thần chiến đấu vì quyền tự quyết của một dân tộc, vì quyền làm người và Chiến thắng Điện Biên Phủ mở ra một thời kỳ mới trong cuộc chiến đấu của các dân tộc bị áp bức, chấm dứt chế độ thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

leftcenterrightdel

Tác phẩm văn học viết về Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn  Hiếu

Không phải sau khi cuộc chiến kết thúc, Điện Biên Phủ mới thu hút tâm sức của người cầm bút. Nhiều người, từ các góc nhìn khác nhau đã tìm hiểu, cắt nghĩa cuộc chiến ấy, cả trực tiếp và sau này nhìn lại. Cả các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Cả chúng ta và những người thuộc về phía bại trận.

Tùy góc nhìn và mục đích khác nhau nhưng tựu trung, việc lý giải vì sao đội quân non trẻ của một đất nước gần như thua kém đội quân viễn chinh chuyên nghiệp của Pháp lại giành chiến thắng lẫy lừng như thế? Điều gì là yếu tố quyết định? Câu trả lời của các nhà chính trị, tướng lĩnh, nghiên cứu lịch sử, xã hội đều có chung một kết luận: Yếu tố con người, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước đã quyết định chiến trận. Đây là chiến thắng của một dân tộc, một quốc gia, của tinh thần đoàn kết với ý chí “độc lập hay là chết”.

Riêng với văn học, hình tượng người chiến sĩ ở nhiều góc nhìn đã trở thành hình tượng nổi bật, xuyên suốt trong nhiều sáng tác suốt bảy thập niên qua. Đầu tiên phải nói đến là những người trực tiếp tham gia chiến dịch này. Bác Hồ là người có thơ sớm mang tính tổng kết về Chiến dịch Điện Biên Phủ với bài "Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ".

Bác nói đến nguyên nhân chiến thắng vì bộ đội, dân công “quyết một lòng”, vì tất cả “rất cố gắng” để giành chiến thắng. Giản dị nhưng thiết thực mà lại rất bao quát. Mấy cuốn hồi ký của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp "Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử" và "Đường tới Điện Biên Phủ" ghi lại những trăn trở, suy ngẫm và quyết định ở tầm chiến lược, chiến dịch, ở những bước đi chiến tranh và kết thúc nó. Đó là sự tất yếu lịch sử.

Không kể các sáng tác thơ ca, hò vè ra đời từ trong cuộc chiến này của những người trực tiếp cầm súng thì phần lớn các tác phẩm viết về cuộc chiến ở Điện Biên Phủ và chủ nghĩa anh hùng của những người lính lại do chính những người lính viết. Nguyễn Chu Phác, Hồ Phương, Hữu Mai, Dũng Hà, Chính Hữu... là những người đầu tiên chứng kiến, trải nghiệm cuộc chiến khốc liệt và đầy chất anh hùng ấy dựng lại vẻ bi tráng, dũng cảm của những người lính trận, những vị chỉ huy tài ba trong những tác phẩm truyện ký, truyện ngắn, tiểu thuyết của mình.

Hầu hết tác phẩm được thai nghén từ chiến hào theo đúng nghĩa đen, nhiều tác phẩm ra đời ngay sau chiến tranh. Cảm hứng chung của các tác phẩm là tái hiện, dựng lại cuộc chiến mà họ đã chứng kiến. Nhiều nhân vật có thật như Hà Ngọc Giá hy sinh khi kéo pháo, Bùi Hữu Hữu (người tự nguyện kích nổ 10kg bộc phá và sẵn sàng hy sinh để kích nổ gần 1.000kg thuốc nổ chôn dưới hầm đồi A1). Các nhân vật như: Quách Cương, Khỏe, Thọ, Hồng Quân, Lê Trang dù là nhân vật tiểu thuyết nhưng nhà văn Hữu Mai cho biết, họ đều có nguyên mẫu từ cuộc đời thực.

leftcenterrightdel

Tác phẩm văn học viết về Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn  Hiếu

 Ở "Cánh đồng phía Tây" (Hồ Phương), các nhân vật: Nguyệt Lệ, Hồng Đăng, Dũng Linh cũng có nguyên mẫu ngoài đời. Nhà văn Chu Phác kể, trong "Những anh hùng trên đồi A1" là những người thật, việc thật dù cuốn này viết ra 60 năm sau ngày chiến trường im tiếng súng.

Suốt mấy chục năm ấy, những đồng đội đã ngã xuống luôn nhắc ông nhớ về cuộc chiến và ông thấy mình có nghĩa vụ phải kể lại: “Tôi không thể quên được biết bao đồng đội, chiến sĩ-những người con ưu tú của Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm lại trên đồi núi, rừng sâu và cánh đồng Điện Biên. Tôi ghi lại những câu chuyện đó để gửi lại thế hệ tương lai những tư liệu trung thực, với mong muốn lớp hậu sinh có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về lịch sử anh hùng của dân tộc”. Trước đó, Chu Phác đã có: "Đồng chí tân binh Điện Biên Phủ", "Đồng đội", "Trong chiến hào Điện Biên", "Noong Nhai-Hồng Cúm", "Tiếng gọi"...

Cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước, một loạt tác phẩm về Điện Biên ra đời do đã có độ lùi và gắn với cái nhìn từ nhiều phía về cuộc chiến đấu trước đây và cuộc sống mới đang đâm chồi nảy lộc trên mảnh đất đầy khói đạn năm xưa như: Tiểu thuyết "Bốn năm sau" (Nguyễn Huy Tưởng), truyện của Nguyễn Khải ("Mùa lạc", "Chuyện người tổ trưởng máy kéo", "Đứa con nuôi"...); "Cao điểm cuối cùng" (Hữu Mai)...

Có thể nói, từ "bài ca chiến đấu" là cảm hứng chính, xuyên suốt, bao trùm trong những tác phẩm đầu tiên, các nhà văn đã chuyển dần sang cảm hứng lịch sử-hiện tại và tương lai. Cuộc sống mới, con người mới và những trang lịch sử đẫm máu, oai hùng của quá khứ đan xen nhau, tạo nên một cuộc sống đa diện hơn. Quá khứ không bị lãng quên, sự hy sinh vô bờ bến của cha anh vẫn còn hiện diện trong ngày hôm nay, là điểm tựa tinh thần, niềm tự hào và bệ đỡ cho họ trên con đường đi tới nhưng cảm hứng chủ yếu vẫn là bài ca xây dựng.

Những tác phẩm sau này viết về chiến trường Điện Biên năm xưa mang sắc thái khác: Cảm hứng anh hùng, ca ngợi vẫn thấm đẫm trong các trang viết nhưng các nhà văn đã không còn lấy những trận đánh với cảnh xung phong bão táp, “người người lớp lớp” xông lên, súng đạn vang trời... làm mục đích chính mà họ cắt nghĩa thực tiễn ấy từ những góc nhìn khác nhau của đời sống.

Chủ nghĩa anh hùng, hành động dũng cảm của người chiến sĩ được lý giải từ chủ nghĩa yêu nước, sự lựa chọn sinh tử mang ý thức nhận thức sâu sắc về hành vi của mình. "Cao điểm cuối cùng", "Cánh đồng phía Tây"... vẫn có những đại cảnh, vẫn có hình ảnh từ những người chiến sĩ đến các cấp chỉ huy trung đội, đại đội, đại đoàn, vẫn có hình ảnh nhân dân như là đường viền, là điểm tựa của cuộc chiến đấu, vẫn có quê hương, đất nước là động lực của cuộc chiến... nhưng hiện thực cuộc sống và đời sống tinh thần của người lính được thể hiện nhiều mặt hơn.

Ngoài ra, trong những "Ụ thằng người", "Truyện một người bị bắt", "Trong này Điện Biên", "Đằng sau phía trước", cuộc sống được phản ánh đa diện hơn, nó như bổ sung về nhiều mặt khác của hiện thực đời sống, trong đó có cả hình ảnh kẻ thù như một đối trọng phản diện, nhân dân bị kìm kẹp trong tay kẻ thù, người chiến sĩ bị bắt...

leftcenterrightdel

Tác phẩm văn học viết về Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn  Hiếu

Ở "Bài ca Điện Biên" hay "Đôi mắt" (kịch), những vấn đề trực tiếp của cuộc chiến đấu đã được “khúc xạ” qua những câu chuyện khác trong tình yêu, trong chuyên môn. Nguyễn Đình Thi không trực tiếp viết về cuộc chiến ở chiến trường này nhưng mấy câu kết trong "Đất nước" của ông như một đại cảnh đầy chất sử thi về chiến dịch: Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Chính Hữu nhìn thấy trong từng thước đất hình ảnh: Ôi những con người mỗi khi nằm xuống/ Vẫn nằm trong tư thế tiến công (viết năm 1954)...

Sau này, cách viết về chiến tranh đã không còn mô tả, mô phỏng theo lối tái hiện nữa mà chắt lọc hơn. Chế Lan Viên viết từ cảnh thực: Nhân dân phơi thóc cạnh nghĩa trang liệt sĩ đã viết: Cầm hạt thóc trên tay/ Nặng máu người đã khuất. Anh Ngọc nhìn cánh hoa đỏ, đã liên tưởng: Anh bâng khuâng nhớ đến một ngọn cờ/ Đã một lần mọc lên trên cỏ ấy/ Cái sắc đỏ bừng bừng như đám cháy/ Đốt thiêu những bốt đồn thù. Cao Văn Liên viết hẳn một bộ tiểu thuyết lịch sử về Chiến dịch Điện Biên Phủ...

Có thể nói, Điện Biên vẫn là đề tài hấp dẫn thuộc mọi thể loại, với mọi lứa tuổi. Và trong văn học, cuộc chiến ở Điện Biên, hình ảnh những người chiến sĩ sẽ mãi mãi là đề tài và niềm cảm hứng lớn của văn học. Thiết nghĩ, vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ xuất hiện thêm nhiều tác phẩm có giá trị về chiến trường nổi tiếng này.

PGS, TS PHẠM QUANG LONG