Nếu như Vũ Bằng ngừng viết trước năm 1945 như Vũ Trọng Phụng hoặc nếu như không có cuộc vào Nam và định cư trong suốt 30 năm, từ năm 1954 đến 1984... thì chắc chắn, với 3 tiểu thuyết "Một mình trong đêm tối" (năm 1937), "Truyện hai người" (năm 1940), và "Bèo nước" (năm 1944) cùng tập truyện ngắn "Để cho chàng khỏi khổ" (năm 1941) và cuốn hồi ký "Cai" (năm 1942), Vũ Bằng sẽ có tên trong lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945, không chỉ trong tư cách một cây bút hiện thực nổi tiếng mà còn là người hoạt động, người tổ chức nên đời sống văn học và báo chí cho mùa gặt ngoạn mục của văn chương Việt Nam hiện đại thế kỷ 20.

Và như vậy, Vũ Bằng sẽ ở trong cùng hàng ngũ với những tên tuổi lớn như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài... trước khi kể đến Nguyễn Đình Lạp, Mạnh Phú Tư, Tam Lang, Bùi Hiển, Kim Lân...

Có nghĩa là, với Vũ Bằng, tuy sự nghiệp viết là liên tục trong cả 3 thời kỳ: Trước năm 1945; giai đoạn 1945-1954 ở Hà Nội bị tạm chiếm; và sau năm 1954 ở miền Nam, nhưng do những sự kiện diễn ra gắn với ông sau năm 1945 như đã kể trên, nên tất cả đóng góp của ông trong tư cách một nhà văn tiêu biểu thuộc dòng “tả chân” như cách sắp xếp của Vũ Ngọc Phan trong "Nhà văn hiện đại" bỗng bị quên, hoặc bị coi nhẹ, không được nói đến suốt một thời gian dài trong giới nghiên cứu, giảng dạy miền Bắc cho đến năm 1990.

leftcenterrightdel

 Nhà văn Vũ Bằng. Ảnh tư liệu 

Nói đến Vũ Bằng, ít nhất có hai kỷ niệm, hoặc hai câu chuyện gắn với Nam Cao. Trong tư cách là Thư ký tòa soạn của tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy và nhiều tờ báo quan trọng khác trước năm 1945, như: Trung Bắc tân văn, Trung Bắc chủ nhật... Vũ Bằng đã là người phát hiện hoặc là bà đỡ cho nhiều sáng tác đầu tay của những người viết đang tập vào nghề, như Tô Hoài, Nam Cao... Trong đó, câu chuyện thú vị và đáng nhớ nhất là câu chuyện Vũ Bằng “nhặt” được trong số bản thảo bị loại bỏ một truyện của Nam Cao có tên là "Cái lò gạch cũ". Đây là truyện đầu tay của Nam Cao, viết năm 1941, nhờ vào mắt xanh của Vũ Bằng nên không chỉ được đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, mà còn được Vũ Bằng nhờ một bậc đàn anh viết lời tựa, đổi tên là "Đôi lứa xứng đôi" và lập tức nổi tiếng, rồi trở thành đỉnh cao không chỉ trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao mà còn là cả trào lưu hiện thực những năm 1941-1945; không chỉ là riêng trào lưu hiện thực mà còn là cả nền văn xuôi hiện đại thế kỷ 20.

Chắc chắn là Nam Cao đã chịu ơn Vũ Bằng rất nhiều. Và từ mối quan hệ này mà có tiếp câu chuyện về truyện ngắn "Đôi mắt" Nam Cao viết ở Vàng Kheo vào Tết năm 1948, lẽ ra sẽ mang tên là "Tiên sư anh Tào Tháo" nhưng rồi lại được đổi thành "Đôi mắt" cho nó hiền, và lành đi một chút; hoặc cho nó giản dị và đứng đắn, theo cách tác giả viết trong nhật ký "Ở rừng", ngày 2-3-1948; để nói trúng một vấn đề đặt ra cho sinh hoạt văn nghệ nước ta vào một thời chuyển đổi có tên là cách mạng và kháng chiến.

Đọc "Đôi mắt", tôi thấy cả hai nhân vật Hoàng và Độ đều dễ thương. Cả hai đều trung thực với mình. Đều muốn gạt bỏ mọi cách bức để đến với nhau một cách thành tâm, như tình bạn đòi hỏi thế, trong khi Độ đã là... con người mới, còn Hoàng vẫn nguyên vẹn nếp sống... cũ. Tiếp cận ánh sáng mới của cách mạng, Độ chân thành nói lên những suy nghĩ mới của mình, nhưng không chút lên gân hoặc lên giọng. Còn Hoàng vẫn trung thành trong những suy nghĩ về người nông dân, về cách mạng, và cả về Ông Cụ (tức Hồ Chí Minh), gần như là cái phao cuối cùng để cho Hoàng tin tưởng...

Trong con mắt Độ và trong quan hệ với Độ, Hoàng vẫn là một người bạn nghề có khác nhau về quan niệm, về cách nhìn, về... “đôi mắt”, nhưng không phải là người gây nên ác cảm, lại càng không phải là... kẻ thù, dẫu chỉ là về tư tưởng! Họ vẫn có thể chuyện trò cùng nhau suốt cả buổi; ngủ chung với nhau; cùng nghe đọc "Tam quốc". Nếu có một lấn cấn nhỏ thì đó là nỗi lo một chú rận hứng chí lang thang từ bộ sơ mi dã chiến của Độ sang bộ ngủ thoảng nước hoa của Hoàng...

leftcenterrightdel

Một trong những tác phẩm tiêu biểu về Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng. Ảnh: PHÚC ANH 

Thế nhưng trong suốt mấy chục năm, giới phê bình, giảng dạy văn học và người đọc, trong đó có tôi, đã rất “căng cứng” trong phân tích, bình giảng để tạo nên sự đối lập giữa hai cách sống, ứng với hai hoàn cảnh, hai thái độ: Đi theo kháng chiến và về thành; ở lại miền Bắc và vào Nam; khiến cho Hoàng trở thành một nhân vật phản diện về tư tưởng và lối sống.

Sau này, mãi cho đến đầu thập niên 2000, khi Vũ Bằng được cơ quan chức năng xác nhận là chiến sĩ quân báo, là nhân vật nằm trong một đường dây hoạt động tình báo của... ta, tôi lại nghĩ: Hóa ra đó là một câu chuyện hay; có nghĩa là chính Nam Cao đã rất có công trong việc tạo dựng cho Vũ Bằng một gương mặt, một bộ khoác thích hợp cho việc... ngụy trang, để tránh nguy hiểm cho hoạt động tình báo trong lòng địch. Dù là vô tình hoặc cố ý, với tiền sử hoặc tiểu sử là nhân vật Hoàng trong "Đôi mắt", hẳn chắc Vũ Bằng sẽ có phần an toàn hơn trong những năm sau năm 1954 ở miền Nam, nếu như hoạt động tình báo của tác giả được xác nhận.

Những người viết mặc áo lính, theo binh nghiệp, rồi có hàm tướng hoặc đại tá trong giới nhà văn chúng ta có rất nhiều; trong đó có không ít người xứng đáng được phong anh hùng. Nhưng về hoạt động tình báo thì giới văn chương còn rất ít, nếu không nói là chưa có, trừ trường hợp Vũ Bằng. Đây là một sự nghiệp lớn, phải chịu rất nhiều hy sinh. Và riêng trong trường hợp Vũ Bằng thì sự hy sinh là quá dài. Bởi, đáng lẽ lịch sử hoạt động tình báo của ông phải được sáng tỏ ngay từ sau năm 1975, khi cuộc chiến kết thúc. Hoặc chậm lắm là trước hoặc sau năm 1984-năm ông qua đời. Thế mà phải chờ đến đầu thập niên 2000, khi chiến tranh đã kết thúc 25 năm và khi ông đã qua đời mười mấy năm.

Do đâu có sự kéo dài như thế tưởng cũng nên làm cho sáng tỏ nhờ vào các hồ sơ mật của cơ quan an ninh. Bởi, nếu sự thực Vũ Bằng có một đóng góp lớn như thế, một hy sinh thầm lặng như thế thì rất cần một sự tôn vinh, một tưởng thưởng xứng đáng của Nhà nước; càng rất cần truyền thông rộng rãi cho giới công chúng, trong đó có Hội Nhà văn Việt Nam.

leftcenterrightdel

Một trong những tác phẩm tiêu biểu về Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng. Ảnh: PHÚC ANH

Ba mươi năm ở miền Nam, Vũ Bằng vẫn liên tục viết và viết được khá nhiều, nhưng trong đó đặc sắc nhất lại là mảng viết về nỗi hoài nhớ đất Bắc và Thủ đô Hà Nội như trong "Miếng ngon Hà Nội" (bắt đầu viết tại Hà Nội mùa thu năm 1952, sửa chữa và viết thêm tại Sài Gòn năm 1956, 1958, 1959), "Thương nhớ mười hai" (bắt đầu viết tháng Giêng 1960. Tiếp tục năm 1965. Viết hết năm 1970-1971) và "Bốn mươi năm nói láo" (năm 1969). Đây là sự tiếp nối rất tuyệt vời cho những trang về Hà Nội được tạo dựng bởi Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài trước năm 1945. Bốn tên tuổi này xứng đáng là một bộ tứ bình quý hiếm về nghìn năm văn vật Hà Nội. Sau năm 1945, ở nửa sau thế kỷ 20, 3 tác giả trong bộ tứ này (trừ Thạch Lam mất năm 1942) vẫn tiếp tục viết về Hà Nội nhưng không liền mạch và có độ tập trung cao, với những xúc động riêng tư sâu sắc và cảm động như Vũ Bằng. Bởi, với Vũ Bằng, những khoảng cách thời gian và không gian chính là ưu thế làm nên độ lắng đọng cho mọi kỷ niệm. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Như vậy, vẫn cần ghi nhận thêm công lớn cho Vũ Bằng trong tư cách nhà văn của Hà Nội, thuộc trong số người hiếm hoi đã để lại một sự nghiệp gắn với cốt cách thanh lịch, văn minh của người Tràng An - kết tinh vẻ đẹp của hồn Việt.

Tóm lại, một chân dung đầy đặn và đa diện, với một ít góc khuất cần có thêm thời gian làm sáng tỏ khi đã qua 40 năm ngày ông mất ở thời điểm hôm nay, đó là Vũ Bằng. 

GS PHONG LÊ