Sau khi trình làng khoảng 20 tiểu thuyết và gần 200 truyện ngắn, năm 2017 ông cho ra "Chim én liệng trời cao", bảo là “tiểu thuyết cuối cùng”. Song nợ văn chương vẫn chưa dứt được, hai năm sau ông còn có ký sự tiểu thuyết "Mãi mãi một thời thiếu sinh quân". Và hằng ngày ông vẫn chăm chỉ đọc sách báo, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp qua email...
Nhìn vào số lượng tác phẩm đồ sộ, sức ảnh hưởng trực tiếp và lâu bền của tác phẩm đến công chúng, đã minh chứng cho một điều nổi bật ở nhà văn Ma Văn Kháng, đó là tài năng gắn liền với lao động cần mẫn. Ông đã nhận nhiều giải thưởng, đặc biệt có cả Giải thưởng Nhà nước (năm 2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2012). Có thể nói ông là nhà văn lớn của nước ta hiện nay.
Nhà văn Quân đội Chu Lai có lần bảo tôi: “Chất văn Ma Văn Kháng dẻo quánh như đất thó, đọc rất cuốn hút”. Quả là ông viết theo khuynh hướng hiện thực, dường như ông chỉ tưởng tượng, hư cấu trên cơ sở một hiện thực đã thấy, đã biết, đã cảm nhận được. Cái chất “dẻo quánh” trong văn ông là ở những lời bình luôn xuất hiện bên cạnh lời kể, lời thoại của mỗi nhân vật, sự kiện, cảnh huống... Tất cả đều đích đáng, súc tích, biến hóa chứng tỏ một nội lực thâm hậu, kiến văn sâu rộng.
Trước hết ta thấy ông đã sống một cuộc đời phong phú, “chân đất” bước vào lâu đài văn chương. Thuở nhỏ đi thiếu sinh quân, lớn lên theo nghề giáo, rồi hiệu trưởng trường cấp 3 ở một tỉnh miền núi phía Bắc, có thời kỳ làm thư ký riêng Bí thư tỉnh ủy. Lúc đứng tuổi, đã thành danh, ông mới về lại chính nơi sinh ra mình là làng Kim Liên, Hà Nội. Do am hiểu tính cách, phong tục tập quán của đồng bào thiểu số, nên mảng viết về con người vùng cao của ông chiếm đa số và hầu hết đạt đến độ chín tài hoa. "Đồng bạc trắng hoa xòe" được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tay về miền núi thời kháng Pháp. Cuốn sách xoay quanh câu chuyện một số cán bộ sau Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 ở tỉnh Lào Cai làm cuộc viễn hành quả cảm và lãng mạn, đem tiếng nói cách mạng đến với bà con các dân tộc đang trong vòng tù ngục của chế độ thổ ty cha truyền con nối. Tác giả đã dựng lên hàng loạt nhân vật theo lối đa tuyến không ai là chính cả, hay nói cách khác, nhân vật nào cũng có đường dây riêng, phát triển tâm lý và tính cách như là một nhân vật chính. Trong cơn bão lốc lay trời chuyển đất đó, có người lột xác hoặc thoái hóa; có sự đổ vỡ của những giá trị cố hữu; những ngã ba đường; sự đụng độ giữa chân thiện mỹ với những thế lực hắc ám đã tàn tạ... Lối dựng ấy sinh động, biến hóa cũng ít thấy trong tiểu thuyết sử thi nước ta từ trước tới nay.
Năm 1985, ra đời tiểu thuyết "Mùa lá rụng trong vườn", cột mốc cho một giai đoạn viết thăng hoa nhất của nhà văn Ma Văn Kháng. Mổ xẻ thân phận con người trong mâu thuẫn và phát triển, đề cao giá trị nhân bản. Nhà văn dùng hình tượng ẩn dụ “mùa lá rụng” để nói về sự xáo trộn, đổi thay trong mỗi gia đình Việt ở thời bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường. Ông Bằng, một nhân viên bưu điện hưu trí, người cha nghiêm khắc, dạy con theo đạo đức Nho giáo. Nhưng cha mẹ sinh con, giời sinh tính. Có người con chiến đấu dũng cảm đã sớm hy sinh nơi trận tiền; người tốt bụng năng nổ với việc xã hội; người nhạy cảm, đa tình; người chăm chút cho cá nhân, gia đình nhưng thờ ơ việc đời; người lười nhác, vô trách nhiệm đến mức trốn ra nước ngoài, bỏ cả vợ con... Và người con hư hỏng đó là nguyên nhân dẫn tới mọi bi kịch. Khi đã bị bầm giập nơi đất khách quê người, đến một ngày anh ta bỗng hối hận thì đã quá muộn và chính bức thư tuyệt mệnh anh ta gửi về làm ông Bằng bị sốc nặng, tai biến não qua đời. Ngày đó còn ít người “dám” viết về mặt trái, mặt tiêu cực, có những tình huống bạo liệt như thế, song nhà văn Ma Văn Kháng đã không ngại phanh phui, lên án cái xấu, cái ác, đồng thời gióng hồi chuông báo động về sự biến chất, tha hóa trước sự cám dỗ điên đảo của đồng tiền.
"Người thợ mộc và tấm ván thiên" cũng là một tiểu thuyết đáng chú ý của ông. Toàn bộ câu chuyện là về cuộc đời thầy giáo Quang Tình, người phải gánh chịu biết bao thăng trầm, có lúc tưởng chừng rơi xuống đáy vực. Nhưng dẫu có xoay vần, thử thách thế nào thì người thầy giáo, người thợ mộc ấy vẫn giữ cho mình sự thiện lương bởi luôn tâm niệm “Em ơi, tất cả sẽ qua đi. Tất cả sẽ chẳng còn lại dấu vết gì trên thế gian này. Cả những cái gọi là âm mưu đớn hèn, cả tội ác, cả lừa lọc và ngu xuẩn. Chỉ còn lại một thứ duy nhất là tình yêu thương con người với con người em à”.
Xếp sau tiểu thuyết "Mùa lá rụng trong vườn" là "Đám cưới không có giấy giá thú"; "Côi cút giữa cảnh đời"; "Chó Bi, đời lưu lạc"; "Ngược dòng nước lũ"; "Gặp gỡ ở La Pan Tẩn"; "Một mình một ngựa"... Đó là những sáng tác “đặt Ma Văn Kháng vào đội ngũ những cây bút đang có đóng góp to lớn trong đổi mới nền văn xuôi nghệ thuật của dân tộc” (theo đánh giá của nhà phê bình Lã Nguyên trong bài "Khi nhà văn đào bới bản thể ở chiều sâu tâm hồn", Tạp chí Văn học, 1999).
Ông là nhà văn đa tài. Bên cạnh tiểu thuyết thường là bức tranh xã hội trên bình diện rộng, ông còn là một bậc thầy truyện ngắn. Ở thể loại này, bạn đọc nhiều lứa tuổi ưa thích văn Ma Văn Kháng vừa cổ điển vừa hiện đại.
Tập truyện “Xa xôi thôn Ngựa Già” là một minh chứng cho nhận định đó. Tác giả có cái nhìn đa chiều về những mặt tích cực cũng như tiêu cực của đời sống với cách dẫn chuyện nhẹ nhàng, hấp dẫn, đôi khi hóm hỉnh. “Seo Ly, kẻ khuấy động tình trường” là một truyện ngắn như thế. “Một chiều dông gió” lại viết về một khía cạnh khác, cũng rất đời. Tua, đội trưởng ở một cung đường miền núi. Anh và những chàng trai đồng quê khoác áo công nhân đường sắt, đời sống, nơi làm việc của các anh tách biệt với xung quanh: "Karaoke là gì không biết. Đĩa CD là cái chi không hay. Bãi biển ngày hè quán nhậu là thế giới ngoài ta. Ngày lễ tết không. Cả năm không một tấm ảnh chụp, báo chí không. Liên hệ với cộng đồng chỉ một cái đài bán dẫn chạy pin”. Cuộc sống lao động vất vả, sinh hoạt giản đơn không cần ý tứ rất bừa bộn, tùy tiện. Thế rồi một cô gái như bông hoa rừng xuất hiện làm cho mọi sinh hoạt của các anh thay đổi từ việc ăn mặc đến tóc tai quần áo. Được một thời gian, cô gái xinh đẹp biến mất làm xáo trộn đời sống ngay trong ý nghĩ, sinh hoạt thường ngày của các anh, “Tua mới nhận ra nỗi thống khổ đối với sự mất mát một hy vọng, sự thiếu vắng niềm vui giao tiếp với cái đẹp còn muôn lần dai dẳng đớn đau hơn nếu so với cơn đói khát của dạ dày cơn mệt nhọc của cơ bắp”. Đọc truyện ngắn Ma Văn Kháng giúp chúng ta thêm tin yêu cuộc sống với bao điều tốt đẹp đang và sẽ hiện hữu có thể ta chưa nhận ra, hoặc chưa kịp đoán định được chân giá trị.
|
|
Nhà văn Ma Văn Kháng trong một lần nhận giải thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Tôi có mối quen biết từ lâu với nhà văn lão thành Ma Văn Kháng, nhưng phải đến những năm gần đây mới hiểu được ông cả về tính cách con người cũng như tác phẩm. Ông hơn tuổi tôi đúng một giáp (Bính Tý-1936 và Mậu Tý-1948). Ông là nhà văn hiếm hoi ở nước ta (có lẽ cả thế giới nữa) khi tuổi cao mà vẫn viết khỏe, viết hay. Có bận ông nói với tôi cái lý do thật đơn giản vì sao đến già vẫn còn đeo đẳng viết: "Mình không viết không biết làm gì để giết thời gian". Nhà văn vốn sắc sảo, hiểu đời, hiểu nghề lại giản dị, tốt bụng mặc nhiên có “sức hút”, nhiều người viết ít tuổi hơn, trong đó có tôi hay đến ông để nhờ cậy góp ý bản thảo hoặc để nghe lời tâm sự, khuyên nhủ chuyện bếp núc văn chương.
Nhà văn Ma Văn Kháng vẫn thường xuyên có những trao đổi về chuyện đời, chuyện nghề với anh em, đồng nghiệp. Email gửi tôi gần đây (ngày 9-3-2023), ông viết: “... Bây giờ già rồi, ngẫm lại, nghề văn mình theo đuổi mấy chục năm qua, thoạt đầu nó như ngẫu nhiên, vô thức, sau thì mỗi lúc một rõ ràng hơn về ý thức nghề nghiệp, nhưng mỗi quyển sách thì vẫn là kết quả của ngẫu nhiên, không định trước được. Đúng như Phạm Quang Đẩu nói đấy. Có yếu tố may mắn, phùng thời quá đi chứ. Có cả hạn chế của thời đại nữa. Nhưng mà thôi, việc của nhà văn ta lúc này là viết, viết và viết. Viết bằng tất cả những gì mình đã trải nghiệm sâu sắc. Viết bằng sự trong sáng từ trong tâm hồn. Bằng tình yêu đất nước và con người. Viết bằng xúc động sâu xa chân thực nhất. Tác phẩm phải ngày hội của cảm xúc.”
Cuộc đời và tác phẩm của ông đã là một minh chứng rõ ràng cho những lời tâm sự chân thành, tâm huyết ấy!
PHẠM QUANG ĐẨU