Giữa bốn bề trường giang, chúng tôi rưng rức theo tiếng đờn rớt cung xề. Chiếc thuyền trôi mênh mang theo dòng sông Tiền như cứ bất tận cùng đêm. Trăng mười sáu tròn trịa soi bóng xuống lòng sông điểm xuyến cho không gian một vẻ u hoài cô tịch.
Ngẫu hứng mà nhóm chúng tôi lên con thuyền này, có đứa từ phương Bắc xa xôi, có đứa tận Tây Nguyên bạt ngàn gió và cũng có đứa gốc tích miền Tây mà trong giấc ngủ đầu nôi đã thuộc lòng câu vọng cổ. Chỉ là bước đường ruổi rong của cuộc mưu sinh đưa chân mình rời Cửu Long tìm về những đô thành xa hoa để lập thân. Chừng bất giác tụ về Cần Thơ trong một hội thảo mới thấy lòng tha thiết mỗi nỗi thèm châu thổ chín nhánh sông. Mà thèm thứ gì ở miệt này thì đó là câu vọng cổ. Vọng cổ như máu chảy tràn trong huyết quản của những đứa con miền Tây như tôi. Vọng cổ như thứ quà quê quyến dụ tao khách ghé chân đến xứ này. Nghe một lần là nhớ. Nhớ rồi thì cứ tha thiết chờ có dịp để hạnh ngộ cùng thứ làn điệu buồn thê lương. Cái buồn nó thấm thía vào lòng hệt như gieo neo dâu bể phận mình tìm thấy trong câu hát chắt chiu từ ruộng đồng sông nước của biết bao đời trước để lại. Từ vỡ đất khai hoang, kỳ hồ lang bạt cho đến dựng nhà quần tụ, người xứ này hát vọng cổ bất cứ nơi đâu.
Đêm đó lang thang bến Ninh Kiều, nhóm nhỏ chúng tôi ngỡ ngàng với sự sầm uất của một thành phố vốn trứ danh thủ phủ miền Tây từ thời đất này khai hoang lục tỉnh. Mấy người bạn ở xa rủ nhau lên con thuyền có đờn ca tài tử, thử một vòng sóng nước để nghe tiếng ngọt ngào cùng hòa điệu cung thương. Vọng cổ buồn nhưng ngồi giữa mênh mông sóng nước nghe mới đúng điệu. Cứ vậy mà leo lên thuyền để linh đinh cùng câu vọng cổ, rồi thắt thẻo lòng mình với hò, xự, xang, xê, cống...
Ký ức theo câu ca chảy tràn trong tâm khảm tôi lúc nào chẳng hay. Hồi đó, lúc còn chân trần chạy mưa khắp ruộng đồng, tôi đã thuộc lòng mấy câu vọng cổ mà ngoại hay hát. Sau chái bếp là mé sàn lãng, cứ mỗi chiều cậu Út hay rẽ sóng nước Lai Vung, từ đầu cầu Long Hậu mà về lại cái vàm sông lúc lỉu cà na. Cậu đi ghe bẹo, chọn ghe làm nhà, chọn sóng nước làm nơi nương náu, chọn câu vọng cổ làm bạn tri giao sau một lần gãy gánh cuộc tình duyên. Cậu thường hát vọng cổ trong những chuyến ghe dọc ngang khúc sông này. Ngoại nói có lần người ta mời cậu đi theo gánh nhưng cậu lắc đầu, mấy anh chị em theo con chữ bỏ châu thổ tìm phố xá thị thành, mỗi mình cậu ở nhà với ngoại, cậu đi rồi ai giăng mùng ngoại ngủ, ai bắt la-dô ngoại nghe. Cậu không học hát ngày nào, cậu ca theo những bài vọng cổ phát ra từ chiếc la-dô cũ mòn cũ rít của ngoại. Cứ vậy mà hát, hát cho vui lòng. Vui hay không tôi cũng chẳng biết. Chỉ biết ghe bẹo cập bến, chiều vàng võ loang dần sông nước, cậu bắt chân chữ ngũ, kéo ngao thuốc gò rồi rót vào không gian mấy bài vọng cổ. Chừng đã cái nư mình mới lót tót lên chái bếp tìm cơm của ngoại.
|
|
Rực sắc xuân chợ thương hồ Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: TÔ HOÀNG VŨ |
Cậu hay nói, dân Lai Vung hát vọng cổ có cái lai láng trong cách ngân, rung. Năm đó tôi chỉ đâu chừng tám tuổi, cứ mỗi dịp hè là được ba má gửi về quê cho ngoại giữ. Đôi lần theo cậu đi bẹo mới thấy cái sóng nước bạt ngàn phương Nam vỗ thắt lòng thắt dạ người ta. Ghe len lỏi vào các con kinh rồi bóp cái kèn nhựa tò te là hai bên người ta túa ra các bờ mà í ới hỏi mua. Hàng cậu lên chợ huyện bổ về đầy ghe, rồi cứ vậy mà xuôi con nước hết kinh này đến rạch kia. Chiều lại quay đầu ghe về lại nhà. Chuyến về lòng ghe đựng toàn câu vọng cổ. Đó là lúc cậu thảnh thơi với đất trời nhất. Mấy câu ca như nối gần khoảng cách về nhà. Tôi hết ngồi rồi nằm trên mũi ghe mà nghe cậu hát. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy, đó là những lần nghe hát vọng cổ cảm xúc nhất của đời mình.
Vậy nên, khi đêm cuối cùng sau cuộc hội thảo kinh tế xanh bền vững cho Cửu Long, chúng tôi rủ nhau đi tìm vọng cổ. Giữa đêm mênh mông, câu hát cứ vậy mà trôi bềnh bồng. Gió cuộn câu hát. Sóng vỗ lời ca. Khoảng không bao la như tiếp thêm độ âm vang để người hát cứ vậy mà nỉ non cùng sáu câu vọng cổ. Người hát vì tình mà hát. Người nghe vì tình mà nghe. Cái tình nắm níu người ta thương câu vọng cổ bấy nhiêu đời nay. Trăm năm rồi câu vọng cổ vẫn cứ vọng vang khắp sóng nước Cửu Long. Câu vọng cổ theo người Việt bay đến khắp nơi trên thế giới này. Như có lần dì tôi trở về từ một đất nước cách quê nhà tận nửa vòng trái đất. Dì nói hát mà như khóc: “Tiếng đàn Việt, đàn lên cung nhạc Việt. Hỡi những người còn biền biệt xa quê. Nước nhà mà chưa kịp về thăm. Nghe câu vọng cổ là đêm nằm nhớ quê”. Dì khóc, ngoại cũng khóc, đám trẻ bên mâm cơm bữa sum vầy mặt cũng đỏ hoe.
Đêm với vọng cổ bồng bềnh trên sóng nước sông Tiền. Ký ức như một dòng trôi thao thiết nhắc nhớ trong tôi một miền cố thổ. Vọng cổ có cái hay dù miết lên tới líu, nhưng chỉ cần người hát xuống xề là tức khắc lòng mình miên miết niềm thương tưởng. Mấy người bạn đi chung bảo chừng nào Cửu Long hết nước thì người xứ này mới hết hát vọng cổ. Nhưng đêm nay, ngồi giữa dòng sông Tiền, tôi tin, đời nào Cửu Long hết nước...
TỐNG PHƯỚC BẢO