Ngay đỉnh dốc dẫn từ bờ sông lên làng có một cây đa lớn. Dưới gốc đa là khu chợ với những mái lều thấp lẹt xẹt, ẩm ướt. Buổi chiều nên chợ không còn họp nữa, chỉ còn vài hàng bày biện những món địa phương để bán. Bánh đa mặn, bánh đa ngọt, bánh sắn, rau củ quả... Thổ Hà không có ruộng. Người Thổ Hà chưa bao giờ làm ruộng, trồng lúa, bao đời nay họ chỉ sống bằng các nghề truyền thống.

leftcenterrightdel

Cổng làng Thổ Hà. Ảnh: ĐỖ THẢO 

Ngay đầu làng là ngôi đình. Cả đình và chùa làng Thổ Hà đều được xây dựng từ rất lâu, vài trăm năm trước. Nhưng chiến tranh, giặc giã, thiên tai... khiến cho các di tích gốc bị tàn phá khá nhiều. Điều đó chẳng có gì lạ. Cái mà tôi thực sự thấy đáng ghi nhận là ở đây, cái gì giữ được có vẻ như người ta cố gắng giữ hết. Những cái đầu đao chạm trổ cầu kỳ bị sứt mẻ, những cây cột bị mục ruỗng, người ta tìm cách “vá” chúng lại cùng với những khối gỗ mới. Và còn thú vị hơn nữa, người thợ cũng chẳng hề giấu đi những chỗ “vá” rất cẩn thận ấy. Đó chính là lý do khiến tôi cảm thấy hơi thở hay bóng dáng người xưa vẫn đâu đó trong cái không gian tôi tối, yên ắng, thư thả của buổi chiều mùa xuân mù sương khi tôi đến.

Thổ Hà có khoảng 1.000 hộ dân. Trước đây, lâu lắm rồi, Thổ Hà là một trong những cái nôi của nghề gốm, cùng với Bát Tràng, Chu Đậu, Hương Canh. Nhưng bây giờ, cả làng chỉ còn lại một người thợ gốm. Một người vẫn đang cố giữ lấy nghề, mà người truyền lại cho anh tình yêu với gốm lại không phải là cha đẻ mà là cha vợ-một nghệ nhân gốm nổi tiếng ở Thổ Hà.

Tôi tới thăm người thợ ấy.

Tôi phải đi qua rất nhiều con ngõ dài, thẳng, hun hút, bé tí ti. Thực sự là tôi chưa đi một ngôi làng nông thôn nào mà những cái ngõ lại cứ bé tí ti như vậy. Nó bé đến nỗi mà hễ có một chiếc xe máy đi tới, dù là cùng chiều hay ngược chiều, chúng tôi đều phải tìm chỗ để nép vào. Những chỗ nép ấy là cổng vào các gia đình. Mọi ngôi nhà đều có cánh cổng thụt vào chừng non nửa mét, tức là vừa đủ để 1-2 người đứng nép vào cho xe đi qua rồi mới đi tiếp. Không hiểu do xửa xưa đất vốn hẹp nên người ta phải tiết kiệm đất làm nhà hay vì lý do gì mà nhà cửa cứ phải sát sạt, thậm chí hẹp hơn cả những khu phố cổ ở Hà Nội.

Bọn trẻ có trường tiểu học và trung học cơ sở ở làng, nhưng trung học phổ thông thì phải qua sông. Suốt 3 năm trung học phổ thông, Thảo học trường chuyên của tỉnh. Vì thế, ngày nào Thảo cũng hai lần đi đò qua sông để đến lớp và trở về nhà. Bây giờ học đại học thì đầu tuần xuống trường, cuối tuần lại về nhà. Có lẽ những người trẻ tuổi học xong cũng sẽ đi xa gần hết, vì quay về làng thì tấm bằng đại học cũng chẳng biết dùng vào việc gì. Khoảng 80% số gia đình ở đây sống bằng nghề làm bánh đa, bánh đa nem. Chẳng nhẽ học xong đại học lại về làng ngồi tráng bánh đa?

Nhưng cha mẹ họ thì vẫn ở làng. Tôi hình dung tất cả họ, giống như một cây cổ thụ rất lớn với thân cây vững chãi, những chiếc rễ cắm sâu vào lòng đất và tán cây xanh um tươi tốt thì vươn mãi lên.

Người thợ gốm duy nhất hiện nay ở Thổ Hà sinh năm 1983, anh Tập. Trong sân nhà đang để một ít bình gốm, mấy chồng tiểu sành. Tập có dáng người gầy, nhỏ. Nói đến gốm đôi mắt anh sáng lên lấp lánh. Tập làm rể của một nghệ nhân gốm đời thứ 10 trong dòng họ. Ông cụ đã mất, Tập mê gốm quá nên vẫn cố giữ lấy nghề của bố vợ. Giữ một cách khó khăn, chật vật.

Gốm Thổ Hà có đặc điểm là không tráng men, để ra được sản phẩm có màu đặc trưng và độ bền có thể nói là “vĩnh cửu”, vài trăm năm không hỏng, thì phải nung ở nhiệt độ rất cao, khoảng 1.300 độ C. Tập vẫn nung gốm trong cái lò thủ công. Mỗi mẻ gốm chỉ xếp được 20 chiếc tiểu sành và phải nung liên tục trong ba ngày hai đêm.

leftcenterrightdel
Người thợ gốm cuối cùng ở Thổ Hà. Ảnh: ĐỖ THẢO 

Tôi đã luôn có một câu hỏi lớn trong đầu, rằng tại sao rất nhiều làng nghề truyền thống của chúng ta lại mất đi? Có những làng mất vĩnh viễn, không còn dấu vết. Có những làng chỉ còn lại loáng thoáng, người làm nghề sống chật vật. Không ít người cố giữ vì yêu nghề, thương nghề quá. Tại sao vậy?

Câu trả lời thường thấy nhất luôn là: Kinh tế thị trường. Quy luật cạnh tranh khiến sự đào thải trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Thổ Hà cũng vậy.

Tập nói, xưa kia nhà nào cũng cần vài chiếc chum vại, kiệu để đựng lạc, đỗ, hứng nước mưa. Sau này có quá nhiều thứ thay thế tiện dụng hơn, giá rẻ hơn, nên đồ gốm mất dần vị trí. Thổ Hà hầu như không làm gốm trang trí, có một số cụ khéo tay thì làm lư hương. Chủ yếu là làm chum, vại, tiểu sành.

Bây giờ những người thợ giỏi nhất đã lần lượt đi theo tổ tiên, người trẻ như Tập cũng không ai muốn làm gốm nữa.

leftcenterrightdel
Một bức tường ở Thổ Hà được làm từ những chiếc tiểu sành bị hỏng. Ảnh: ĐỖ THẢO 

Chúng tôi có gợi ý cho Tập về việc một số nơi khác, như Bát Tràng, Hương Canh... người ta hướng cho con cái thi vào các trường mỹ thuật, học hành bài bản, rồi dần dần có một thế hệ kế tiếp có tư duy sáng tạo mới mẻ, kịp thích nghi với đòi hỏi của đời sống, nhờ thế mà có chỗ đứng. Vừa giữ được nghề, vừa sống được bằng nghề.

Tập nói: “Thế thì còn gì bằng nữa. Em cũng muốn hướng cho con em sau này thi trường mỹ thuật đấy, mà chẳng biết nó có nghe không”.

Trong sân nhà Tập có một dãy những túi bánh đa đã nướng vàng, bọc kín trong túi ni lông. Bánh đa Thổ Hà là một thương hiệu rất có tiếng, rất thơm ngon, được tiêu thụ khắp nơi. Tập vừa cùng mẹ xếp những túi bánh đa chuẩn bị cho người ta đến mang đi vừa nói: “Bây giờ em tạm thời phải lấy cái này nuôi cái kia”. Ý Tập là lấy nghề tráng bánh đa để nuôi nghề gốm. Thỉnh thoảng nhóm lò lên làm một mẻ. Có lẽ cũng phần nào đỡ... thèm.

Tôi chui vào ngắm cái lò gốm của Tập, có vẻ đã khá lâu nó chưa được nhóm lên.

Có lẽ khi nào bán hết mấy chục cái tiểu sành kia thì Tập mới làm mẻ mới.

leftcenterrightdel

Những cây cột trong chùa cổ Thổ Hà được giữ lại bằng cách "vá" rất khéo léo. Ảnh: ĐỖ THẢO 

Tập cũng lấy từ trong nhà ra mấy chiếc bình gốm và một cặp nghê cho bọn tôi... ngắm, chứ nhất định không bán. Tất cả đều là sản phẩm vuốt tay, tỉ mẩn, sinh động, đặc biệt là màu men nâu sẫm rất đẹp, rất khác biệt.

Dù sao, tôi nghĩ chuyến đi này của mình cũng được an ủi là biết được Thổ Hà vẫn còn một người thợ gốm vì trước đó tôi nghe nói nghề gốm ở Thổ Hà đã biết mất rồi. Biết đâu đấy, ít năm nữa, lại có thêm vài người trẻ tuổi muốn tìm lại quá khứ của làng.

Tôi còn tới thăm một gia đình có ngôi nhà cổ nhất ở Thổ Hà. Ngôi nhà có 300 năm tuổi. Tất nhiên, nó đã được dựng lại, trên nền cũ và tận dụng những vật liệu cũ. Những chiếc sập gụ hàng trăm năm tuổi, tấm bằng “Tiết hạnh khả phong” được vua Bảo Đại trao tặng một người phụ nữ trong dòng họ đã một mình nuôi con trưởng thành sau khi chồng qua đời vẫn được treo trên tường... Ngoài sân, hai chiếc kiệu mà theo ông chủ nhà thì nó có thể chứa 800 lít nước mưa. Giờ thì để chơi, để lưu giữ lại một sản phẩm của một làng nghề từng nổi tiếng thôi.

Còn rất nhiều điều tôi muốn cảm nhận về Thổ Hà. Có thể là một hôm nào đó tôi sẽ tự đến, một mình, và cũng không cần Thảo dẫn đường nữa cho dù tôi có thể sẽ bị lạc trong những con ngõ bé tí xíu rất ít ánh sáng. Nhưng phải là khi Thổ Hà vẫn chưa có cầu. Chỉ một cây cầu bắc qua sông thôi, có lẽ, Thổ Hà sẽ không còn lao xao khe khẽ như thế này nữa. 

Ghi chép của ĐỖ BÍCH THÚY