QĐND - Từ xa xưa, người Bình Dương đã có câu: “Đất Lái Thiêu gặp cây thì thành quả, gặp đất thì thành gốm”. Ấy là bởi, địa danh Lái Thiêu luôn gắn liền với những vườn cây trĩu quả và những làng gốm truyền thống.
|
Những sản phẩm gốm Lái Thiêu ngày nay.
|
Không đâu thuận lợi như Lái Thiêu trong phát triển nghề gốm. Có thể nói, cả Lái Thiêu là một vùng nguyên liệu cho sản xuất gốm. Đất vườn nhà cũng có thể đào lên để làm gốm. Đất ở đây cơ bản là đất sét, tỷ lệ cao lanh lớn, rất thích hợp để làm gốm. Địa hình Lái Thiêu lại cao nên không lo nước ngập lò, nước không lợ nên không sợ sản phẩm bị nổ khi nung, đất nguyên liệu dồi dào, củi đun bạt ngàn. Nặng nề, dễ vỡ nhất là đồ gốm mà Lái Thiêu lại có sẵn hệ thống giao thông thủy của hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai. Vì thế, đầu thế kỷ 20, khi gốm Sài Gòn bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn, địa bàn sản xuất bị thu hẹp, do đó một số lò gốm đã chuyển ra khu vực ngoại vi lân cận, gốm Lái Thiêu bắt đầu phát triển mạnh, dần trở thành một trong hai thủ phủ gốm lớn nhất cả nước. Sản phẩm của Lái Thiêu không chỉ xuất hiện ở các buôn làng Tây Nguyên mà còn xuất khẩu sang cả Nam Dương (In-đô-nê-xi-a), Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia…
Người làm gốm Lái Thiêu đi sau nên không phát triển giống các làng gốm khác mà đi sâu, tập trung sản xuất gốm gia dụng. Vì hướng đi này, sự khác biệt cơ bản của gốm Lái Thiêu với các làng gốm trong cả nước là sự kết hợp nhuần nhuyễn nhu cầu tiện ích lẫn hiệu quả mỹ thuật. So với gốm Biên Hòa hay gốm Bát Tràng, gốm Lái Thiêu trầm hơn. Trong khi gốm Biên Hòa có những đường nét, hoa văn khắc tinh xảo, men đồng trổ, hay gốm Bát Tràng có xương gốm mỏng manh, thì gốm Lái Thiêu lại thiên về sự chắc chắn. Về màu men, cùng màu trắng, gốm Lái Thiêu ngả màu ngà, gốm Bát Tràng màu trắng ngả xanh. Hoa văn trên sản phẩm gốm Lái Thiêu đều dân dã, đời thường, phóng khoáng, gần gũi với thiên nhiên và con người Việt Nam. Còn so với gốm Sài Gòn, những sản phẩm vốn có thế mạnh về các dòng đồ thờ cúng, đồ dùng cao cấp, với những kỹ thuật tinh xảo, cầu kỳ, chi tiết, đặc sắc, các lò gốm Lái Thiêu tập trung vào sản xuất dòng đồ gia dụng, từ đồ thờ tự đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày của giới bình dân như tô, chén, dĩa, hũ, hộp, ống nhổ, thố, ấm… đến sản phẩm sân vườn như đôn, chậu, bình bông, chóe, khạp, lu, đồ thờ cúng, tượng, bát nhang, đèn… Mặc dù sản xuất những đồ bình dân, thực dụng như vậy nhưng mỗi sản phẩm của gốm Lái Thiêu đều rất đặc trưng với nước men bóng và màu sắc mang chất hội họa rất đẹp mắt.
Đối với các nhà sưu tầm đồ cổ, các sản phẩm gốm Lái Thiêu có một sức hút mạnh mẽ. Gốm Lái Thiêu được làm bằng những lò rất đơn giản nên hay xảy ra những sự cố trong lò. Nhưng cũng chính vì thế mà có thể cho ra những sản phẩm rất đặc biệt. Người Lái Thiêu gọi đó là cảm hứng của hỏa-“hỏa biến”. Đó là niềm say mê của các nhà sưu tập để sưu tầm những tác phẩm có một không hai.
Thời hiện đại, quá trình đô thị hóa đã đẩy người làng gốm Lái Thiêu phải đi làm thuê trong các nhà máy gốm sứ mọc lên ở đây. Vì thế, nghề gốm truyền thống của Lái Thiêu đã mai một nhiều. Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn những con người sống chết với nghề, vẫn tiếp tục duy trì sản xuất với sản phẩm chủ yếu chính là heo đất và chậu, bình lớn bởi sản phẩm bát, đĩa, ấm chén không thể cạnh tranh giá cả với những sản phẩm sản xuất hàng loạt. Cùng đó, làng gốm Lái Thiêu cũng là một địa điểm thú vị mà du khách nên ghé thăm. Ở đây, du khách có thể đến tham quan xưởng gốm để tận mắt tìm hiểu quá trình sản xuất các sản phẩm gốm trứ danh của miền Nam, đồng thời hiểu thêm về một nghề truyền thống của Việt Nam.
Bài và ảnh: VĂN CUNG