Tôi là người đồng hương quen biết ông sau rất nhiều năm được đọc các tác phẩm của ông, sau rất nhiều năm được nhìn thấy ông trên màn ảnh và sân khấu. Thời đánh Mỹ, vở kịch "Nổi gió" được Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị trình diễn nhiều nơi, Phạm Ngọc Cảnh đóng vai chính-vai Trung úy Phương của quân đội Sài Gòn. Diễn xuất của ông trong vai Trung úy Phương đã làm vở kịch nói sống cùng chiến sĩ, cùng nhân dân cả nước trên mọi chặng đường và trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Rồi đọc những tập thơ của ông và đặc biệt những bài thơ như: “Sư đoàn”; “Lý ngựa ô ở hai vùng đất”; “Vầng trăng Ba Đình”... thì tôi mê ông đến độ ngưỡng mộ...

Một buổi sáng mùa đông cuối thế kỷ trước, Phạm Ngọc Cảnh cùng nhà văn Nam Hà ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội về công tác tại Hà Tĩnh và ghé thăm Hội Văn nghệ tỉnh Hà Tĩnh (nay là Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh). Tôi lúc đó là Chánh văn phòng Hội nên được đón tiếp các ông. Với Tạp chí Hồng Lĩnh của Hội, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là một trong những người sáng lập. Từ buổi đầu gặp gỡ ấy, ông coi tôi như em, như cháu, thường xuyên hỏi thăm qua thư từ và bài vở ông gửi về cho Tạp chí để in.

Những năm đó, ông thường xuyên về quê để chăm sóc mẹ già đang ốm nặng. Ngôi nhà của mẹ ông nằm cách Văn phòng Hội không xa, nên ông thường qua lại, hướng dẫn chúng tôi làm báo và sáng tác văn thơ. Mấy anh em trẻ chúng tôi, như: Hải Hà, Nguyễn Ngọc Vượng, Lê Duy Văn, Nguyễn Văn Hùng, Phan Tùng Lưu, Phạm Việt Thư... được ông tận tình hướng dẫn, chỉnh sửa đôi khi từng câu, từng chữ. Nhiều đêm thấy ông ngồi trực canh bà cụ ngủ, chúng tôi kéo nhau sang cùng đọc thơ, tán chuyện, vô tư cười nói và giật mình khi vô ý làm bà mẹ đang ốm choàng thức...

 Một buổi sáng, tôi nhận được lá thư nhỏ của ông gửi từ Bưu điện Hà Tĩnh. Ông viết: “Mẹ mất rồi, lo tang lễ cho mẹ xong, anh thấy trống trải và không biết phải làm gì nữa. Dặn dò cô em gái những điều cần thiết, 2 giờ sáng anh dậy đi bộ ra bến xe Hà Tĩnh để ra Hà Nội. Anh giở bài thơ viết dở của em ra đọc...”. Đó là lá thư ông góp ý về bài thơ “Lời hương khói” đang ở dạng bản thảo viết tay của tôi. Bài này tôi viết bằng một thứ ngôn ngữ xuất phát tự đáy lòng, tuôn trào mãnh liệt và không dám... xuống dòng vì sợ lạc nhịp. Tôi viết về tôi, một anh lính Giải phóng quân bị thương, bị sốt rét hành hạ đang thoi thóp chờ chết giữa rừng sau mấy ngày lần mò tìm về bệnh viện dã chiến và cái chết cầm chắc trong tay.

"Lời hương khói" là nỗi lòng của đứa con chết ngoài tiền phương nhắn về cho người mẹ cô đơn nơi quê nhà sau ngày chiến thắng. Bài thơ đang ở dạng “bản nháp”, nhân ông Phạm Ngọc Cảnh về mà đưa để hỏi ý kiến. Bận bịu vì chăm mẹ, ông bỏ túi và đến lúc ngồi tựa cột đèn điện ở bến đợi xe mới lôi ra đọc và góp ý, động viên tôi viết tiếp. Trong Cuộc thi “Viết về Giao thừa thiên kỷ”, bài "Lời hương khói" được nhận giải thưởng của Tổng cục Chính trị và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi vô cùng biết ơn ông động viên, khích lệ để tôi tự tin chỉnh sửa và dự thi...  

 Tôi còn một mối quan hệ gia đình với ông Phạm Ngọc Cảnh nữa. Đó là khi thằng út của tôi đưa cô dâu tương lai về giới thiệu, hóa ra lại là cháu ruột của ông Cảnh. Mẹ của cháu là em út của ông Phạm Ngọc Cảnh, cũng là người đã thay mặt các anh chị trong gia đình lãnh nhận sứ mạng chăm nom mẹ già khi cụ còn sống và hương khói cho ông bà khi họ mất. Lần ăn hỏi và đám cưới hai cháu, mặc dù đã rất yếu vì bệnh tật bao năm hành hạ nhưng ông vẫn cố về cả tuần để tham dự.

leftcenterrightdel

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh.  

Những ngày ấy, gặp lại anh em văn nghệ sĩ Hà Tĩnh, ông vui lắm. Dù miệng nói chậm và không còn rõ ràng, mạch lạc nữa nhưng trí nhớ của ông rất tốt, đặc biệt tình cảm của ông vẫn vô cùng thân thiết. Hôm Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Hà Tĩnh, khi đó là nhà văn Đức Ban cùng tôi đến thăm, ông đang ngồi một mình trên chiếc ghế dựa đặt ở cửa nhà nhìn lơ đễnh ra đường. Chiếc xe đi qua cửa nhà để tìm chỗ đậu, chúng tôi quay lại ngõ nhà ông thì bất ngờ thấy ông chệnh choạng từ trong nhà ra đón, suýt ngã. May có mấy đứa cháu trông thấy chạy tới đỡ kịp. Hóa ra ông nhìn thấy chúng tôi qua cửa kính ô tô và mừng quá chạy ra. Đó cũng là lần cuối cùng ông về quê thắp hương cho mẹ cha và tiên tổ, sống cùng người thân, chia tay bạn bè, anh em và một số cây viết mà ông từng dìu dắt, gắn bó...

Dù đi xa quê từ năm 13 tuổi, bị cuốn vào phận sự của người lính cũng như sự đam mê và trách nhiệm của người nghệ sĩ trên nhiều lĩnh vực nhưng với quê hương Hà Tĩnh, ông Phạm Ngọc Cảnh vẫn hết lòng quan tâm. Họ Phạm của ông ở quê nhà rất tự hào về nhà thơ nổi tiếng của dòng họ mình. Các ông bà kể rằng, mỗi lần về thăm là ông Cảnh hỏi xem con cháu học hành ra sao. Ông treo giải thưởng cho đứa nào đỗ đại học ra Hà Nội, ông sẽ lo một phần học phí hoặc nhà trọ. Nhà thơ áo lính cũng rất nghèo, lại phải chăm vợ hàng chục năm nằm liệt giường... nhưng sự quan tâm và những lời động viên của ông có tác dụng rất lớn đến sự phấn đấu của các cháu.

 Khi Khu kinh tế Vũng Áng ở vùng biển Kỳ Anh hình thành, có lần chúng tôi đưa Phạm Ngọc Cảnh vào thăm cảng. Tôi chở ông bằng xe máy, dọc đường ông bảo tôi ghé thăm khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót và kể cho tôi nghe chuyện ông gặp anh Giót ở Điện Biên Phủ khi tiểu đội anh ấy đang đào chiến hào vây lấn căn cứ Him Lam, còn ông là văn công đi hát phục vụ chiến đấu. Khi chia tay nhau, Phan Đình Giót đã đọc để Phạm Ngọc Cảnh viết hộ lá thư cho vợ mình ở quê và nhờ ông có dịp nào đó mang về... Mải bận công việc nên hơn 5 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông mới thực hiện được lời hứa...

 Sau chuyến đi Vũng Áng ấy, Phạm Ngọc Cảnh viết bài ký “Chân đèo nắng nhuộm” nói về vùng Đèo Ngang, về miền Kỳ Anh xưa cũ và triển vọng tương lai. Trong bài ký ấy, ông cảnh báo cho ban lãnh đạo tỉnh nhà, cho bạn đọc rằng cảng Vũng Áng là tương lai cho thông thương quốc tế, rằng những con đường xuyên Đông, xuyên Tây, xuyên Việt sẽ qua đây và khu công nghiệp này sẽ được những nhà đầu tư nhiều nơi ngó tới. Nhưng nếu Hà Tĩnh không chú trọng đào tạo con người có kỹ năng, học vấn, văn hóa, có lòng tự trọng để hòa nhập và làm chủ thì dù sự phát triển có nhanh đến đâu, lớn đến mấy... chúng ta cũng chỉ có những quán hàng cơm phở lèo tèo, những công nhân làm phu bốc vác... mà thôi.

Phạm Ngọc Cảnh chào đời ở Hà Tĩnh mùa thu năm Giáp Tuất 1934. Tròn 80 năm sau, mùa thu năm Giáp Ngọ 2014, quê hương lại đón ông về gửi xương thịt vào đất mẹ. Vòng đời một phận người kể vậy cũng là dài, nhưng ham muốn dương gian thì chẳng bao giờ thấy đủ. Chừng ấy thời gian, người lính-nhà thơ-nghệ sĩ-nhà văn-nhà báo Phạm Ngọc Cảnh đã làm được rất nhiều việc phải làm, rất nhiều việc mà không phải ai cũng làm được.

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh còn có bút danh là Vũ Ngàn Chi. Ông tình nguyện tham gia Vệ quốc đoàn từ khi 12 tuổi, trở thành diễn viên văn công chiến trường, sau đó là diễn viên của Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị. Do có năng khiếu làm thơ, ông được điều động về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong 20 năm cuối đời quân ngũ. Ngoài làm thơ, ông còn viết kịch bản phim, lời bình phim, tham gia giảng dạy nghiệp vụ và dẫn chương trình các sự kiện văn học. Ông đã xuất bản 12 tập thơ, 3 tập bút ký, khoảng 600 kịch bản phim và lời bình cho các sự kiện văn hóa... Đại tá, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2007.

Bài và ảnh: BÙI QUANG THANH