Mạch nguồn thôi thúc
Hội thảo khoa học toàn quốc “VHNT với đề tài LLVT và CTCM” do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương phối hợp với Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 5-2024 thêm một lần nữa khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của đề tài LLVT và CTCM trong sự phát triển của nền văn học nước nhà cũng như bức tranh đa sắc màu, đầy sức sống, đổi mới của VHNT tại TP Hồ Chí Minh.
Trong gần 80 năm qua, nền VHNT cách mạng Việt Nam luôn đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau qua các cuộc kháng chiến, kiến quốc đã để lại cho nền VHNT Việt Nam những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, với những tên tuổi lớn như: Tố Hữu, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Huy Du, Lưu Hữu Phước, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh...
Sau ngày đất nước thống nhất, đội quân VHNT tiếp tục có những tác phẩm viết về cuộc chiến đấu kiên cường, bền bỉ, bảo vệ chủ quyền dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. PGS, TS Trần Luân Kim cho rằng, suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là qua các cuộc kháng chiến giữ nước trường kỳ, văn nghệ sĩ nước ta như những chiến sĩ thực thụ trên tiền tuyến, luôn bám sát tình hình và kịp thời phản ánh, tường thuật những chiến công trên khắp các mặt trận. Nhờ đó, đã có rất nhiều tác phẩm VHNT xuất sắc trên các lĩnh vực như văn học, điện ảnh, âm nhạc, nhiếp ảnh...
Về bức tranh văn học đề tài LLVT và CTCM hiện nay, Đại tá Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhìn nhận, có hai lực lượng viết văn chính đó là các nhà văn trải qua chiến tranh, lực lượng này vẫn đang tiếp tục mang tâm huyết của mình đóng góp và làm sáng dòng chảy văn học hôm nay. Một lực lượng nữa là các nhà văn trưởng thành sau năm 1975, những người sáng tác trẻ, mới trưởng thành do tình yêu với đề tài người lính hoặc do đặc thù công việc, các nhà văn tiếp tục gắn bó với đề tài CTCM. Đây là lực lượng viết nhiều về người chiến sĩ hôm nay. Dòng văn học ấy xuất hiện ở cả trong văn xuôi, thơ và phê bình. Hai lực lượng viết trên có sự tiếp nối hết sức uyển chuyển giữa các thế hệ, những người sáng tác về đề tài này hôm nay cũng đã tạo ra phong cách, điểm nhìn mới mẻ cho văn học viết về đề tài chiến tranh và người lính.
Hiện nay, đề tài LLVT và CTCM vẫn là một dòng chảy quan trọng của VHNT. Điều này được thể hiện rõ trong việc ghi chép, khắc họa, lưu giữ lịch sử qua cái nhìn, trải nghiệm, cảm xúc của người sáng tạo và người tiếp nhận; giúp thế hệ sau này có thể hiểu rõ về quá khứ, về những gì mà cha ông ta đã phải trải qua để đất nước có được độc lập, tự do. PGS, TS Phạm Thành Hưng cho rằng, văn học về CTCM không phải là dễ viết trong bối cảnh hiện nay. Trên tinh thần ấy, đây cũng là đề tài Nhà nước nên tìm hiểu và đặt hàng, nhằm cho ra đời những tác phẩm đặc sắc.
Với những người làm công tác sáng tạo VHNT trẻ tuổi hôm nay, theo PGS, TS Phạm Thành Hưng, không chỉ trong văn học mà trong mọi lĩnh vực nghệ thuật khác, người viết trẻ thường viết về thời đại mình như một lẽ đương nhiên, nhưng có một điều không thể phủ nhận là di sản ký ức chiến tranh không thể không có trong quá trình họ sống và cảm nhận. Bởi đơn giản, đó là hiện thực đất nước, là lịch sử dân tộc, là câu chuyện văn hóa giúp mỗi người trẻ lớn lên, trưởng thành. Bên cạnh đó, cần có bàn tay của các tổ chức, hội nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho những người làm công tác sáng tạo VHNT có niềm hứng thú về lịch sử của đất nước xưa và nay, để họ tạo ra tác phẩm.
|
|
Một tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ X khu vực I. Ảnh: XUÂN CƯỜNG
|
Sức sống sáng tạo nhìn từ Thành phố mang tên Bác
Hội thảo VHNT về đề tài LLVT và CTCM khi tổ chức ở TP Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm lớn của văn nghệ sĩ và công chúng. Nhiều văn nghệ sĩ của thành phố đã đóng góp tham luận với những đánh giá về các thành tựu cũng như những nét mới của VHNT đối với đề tài này. Đặc biệt trong đó là nhiều chương trình, hoạt động sáng tạo khắc họa lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của Đại thắng mùa xuân năm 1975 và hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025). Có thể nói, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã để lại cho TP Hồ Chí Minh và VHNT miền Nam một nguồn tư liệu, mảnh đất màu mỡ đa dạng, phong phú, sống động cho VHNT đề tài LLVT và CTCM phát triển.
Từ mạch nguồn này, văn nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh đã sáng tạo không ngừng để ra mắt những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc, những bộ phim thời sự, tài liệu chiến trường như: "Chiến thắng Tây Ninh"; "Đồng Xoài rực lửa"; "Du kích Củ Chi"; "Đội nữ pháo binh Long An"... Những tác phẩm điện ảnh được xem là kinh điển của Việt Nam như: "Chị Tư Hậu"; "Cánh đồng hoang"; "Mùa gió chướng"; "Ván bài lật ngửa"; "Hòn Đất"... Các tác phẩm văn học đoạt giải thưởng lớn như: Tiểu thuyết "Phượng hoàng" (Văn Lê); truyện ký "Ở R-chuyện kể sau 50 năm" (Lê Văn Thảo)...
Không chỉ có vậy, với nguồn lực lớn, đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, sức trẻ nhiệt huyết trong sáng tạo đã mang đến những dấu ấn mới, đầy hứa hẹn, tạo nên nhiều tác phẩm VHNT chất lượng cao cho TP Hồ Chí Minh. Mới đây, tại Thành phố mang tên Bác diễn ra Liên hoan nghệ thuật quần chúng LLVT và thanh niên, sinh viên lần thứ X khu vực I, các đơn vị của thành phố đã thể hiện nhiều tác phẩm xuất sắc về đề tài LLVT và CTCM. Các chương trình nghệ thuật tạo ấn tượng, sức hút nhờ có thông điệp, chủ đề rõ ràng, được khéo léo khai thác với nhiều góc nhìn, cách tiếp cận và diễn đạt nghệ thuật khác nhau, phản ánh sinh động truyền thống vẻ vang của Quân đội, lịch sử đấu tranh của dân tộc. Điều ấn tượng là sinh viên các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh đã mang đến bức tranh sống động về sáng tạo VHNT của giới trẻ đối với đề tài LLVT và CTCM.
Nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo khi nhìn nhận sức trẻ trong sáng tạo VHNT về LLVT và CTCM cho rằng, chiến tranh luôn là một đề tài để người sáng tạo gửi gắm vào đó những bài học cuộc đời, triết lý nhân sinh. Ký ức chiến tranh không chỉ liên quan đến đội ngũ những người làm nghệ thuật đã cầm súng ra trận-lớp người ngày càng thưa vắng dần khi chiến tranh đã lùi xa-mà ký ức chiến tranh luôn có trong thế hệ trẻ, dù họ sinh ra trong thời bình. Những tác phẩm VHNT mà họ sáng tạo và hưởng thụ vẫn luôn còn đâu đó bóng dáng của những cuộc chiến tranh vệ quốc.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, song song với phát triển kinh tế-xã hội, TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm đầu tư cho văn hóa-văn nghệ, với các chương trình, kế hoạch phát triển dài hạn; công tác đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ và hoạt động VHNT chuyên nghiệp. Thành phố đang phát động bình chọn các tác phẩm VHNT từ sau ngày 30-4-1975 đến nay để tuyên dương, khích lệ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy sức sáng tạo, cống hiến cho văn học thành phố và nước nhà. Thành phố quyết tâm xây dựng môi trường, điều kiện tốt nhất để phát triển VHNT, tạo nguồn động lực để văn nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, phản ánh sức sống đổi mới và cả lịch sử đấu tranh hào hùng của thành phố.
Bài và ảnh: MINH DUY - BẢO MINH