Thông thường, người ta kỳ vọng vào tính chuẩn mực về kiến thức trong một ngành học. Song, trên thực tế, người viết sách giáo khoa (có thể là một nhóm người cùng viết một cuốn sách giáo khoa) không phải là người uyên bác nhất hoặc một chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực khoa học cụ thể. Vì thế, nếu dạy học sinh với thái độ tin tuyệt đối vào nội dung sách giáo khoa (SGK) thì có thể ta đã gieo vào đầu óc các em một thứ tư duy giáo điều.

Với các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Ngoại ngữ... đừng nghĩ những kiến thức trong sách giáo khoa của những môn này là hoàn toàn chuẩn xác. Ta phải chấp nhận tính tương đối về độ chính xác của các kiến thức trong SGK. Vì thế, ngày nay dạy học kiến tạo là vô cùng cần thiết. Sau mỗi bài học, nhà giáo cần phải hướng dẫn học sinh trải nghiệm thực tế hoặc tìm đến nguồn tài liệu tham khảo, từ đó giúp các em tự xây dựng tri thức khoa học cho chính mình.

Qua tham khảo cách làm của một số nước về biên soạn, sử dụng sách giáo khoa, liên hệ với việc dùng SGK ở nước ta cho thấy, một số bất cập khiến cho lâu nay nhiều phụ huynh học sinh không hài lòng. Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép cơ chế lựa chọn SGK thay đổi theo từng năm, dẫn đến tình trạng người dân năm nào cũng phải mua SGK mới cho con. Bên cạnh SGK lại còn có sách tham khảo đi kèm. Việc thay đổi SGK hằng năm khiến các gia đình phải bỏ ra một khoản chi lớn không chỉ để mua SGK mà còn phải mua kèm sách tham khảo, sách bài tập cho học sinh có thể viết vào. Sự việc này ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của những gia đình có con đi học mà thu nhập của họ còn thấp.

leftcenterrightdel

Học sinh tham quan sách giáo khoa mới tại một buổi trưng bày sách giáo khoa Việt Nam và các nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ảnh: MINH THƯ 

Giá sách giáo khoa cũng được nâng lên liên tục. Không những thế, dựa vào ưu thế về công nghệ in và dùng giấy tốt để in SGK, nhà xuất bản có lý do nâng giá sách. Đông đảo phụ huynh bày tỏ ý kiến chỉ cần có sách để học, không cần sách in quá đẹp nhiều màu, trên giấy quá tốt. Nhưng trên thị trường đâu có sách khác để phụ huynh lựa chọn. Một lần nữa, giá sách giáo khoa lại đánh vào túi tiền của phụ huynh học sinh.

Sách giáo khoa đã được Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước thông qua, nhưng khi sử dụng lại phát hiện nội dung của sách có nhiều “sạn”, buộc phải sửa. Đương nhiên sửa xong phải in lại. Đây cũng là lý do phải thay sách. Hệ lụy của nó là gì, ai cũng biết.

Từ thực tế nói trên, tôi xin có mấy lời bàn về vấn đề SGK như sau:

Sách giáo khoa phổ thông nên ổn định trong vài năm học. Theo tôi, chỉ khi nào các nhà khoa học đầu ngành khuyến cáo phải viết lại sách thì Bộ GD-ĐT mới nên cho lựa chọn, thay sách. Hơn nữa, thay sách môn Toán học có thể không đồng thời với thay sách môn Ngữ văn, Lịch sử... Do vậy, không thể cứ mỗi năm có nhà trường lại chọn lại toàn bộ SGK một lần.

Một vấn đề khá quan trọng khác là việc giao trách nhiệm cho người chọn SGK. Mặc dù đã được luật hóa, song giao UBND tỉnh ký phê duyệt chọn SGK như hiện nay có phần chưa hợp lý. Người hiểu hơn ai hết về SGK là giáo viên, là các cơ sở giáo dục, bởi họ hằng ngày phải chuyển kiến thức từ sách tới học sinh, họ hiểu việc học sinh tiếp nhận những kiến thức trong sách ra sao, những kiến thức ấy có hình thành các kỹ năng thiết thực với học trò của mình trong điều kiện cụ thể của địa phương không, từng nhà trường không?... Vì thế nên chăng, người được quyết định chọn SGK là giáo viên, là hội đồng sư phạm của các cơ sở giáo dục. Điều đó có vẻ hợp lý hơn cả.

Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm chính về đào tạo con người với những năng lực cốt lõi để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, Bộ GD-ĐT nếu không đủ năng lực, nguồn lực chủ trì soạn thảo một bộ SGK có tính chất chính thống thì nên chọn một bộ SGK trong những bộ đang được phép sử dụng trong hệ thống giáo dục và mua lại bản quyền của bộ sách giáo khoa đó, rồi thành lập những hội đồng khoa học cho từng loại sách mà chỉnh lý, bổ sung thành bộ SGK chuẩn.

Nếu làm như vậy, Bộ GD-ĐT có thể có cả sách giáo khoa cho học sinh mượn ở cả trường công lẫn trường tư. Cách làm này vừa thỏa mãn được nguyện vọng của cha mẹ học sinh, vừa bảo đảm công bằng về sử dụng SGK cho tất cả học sinh trong nước. Những bộ SGK khác còn lại sẽ được các trường sử dụng như sách tham khảo.

Một vấn đề cũng khiến dư luận nhiều lần lên tiếng là thị trường sách tham khảo thời gian qua in ấn quá nhiều, bán tràn lan. Do đó, khi có bộ SGK chuẩn thì Quốc hội nên bác bỏ việc in sách tham khảo dùng cho các bậc học như hiện nay. Bởi trong hệ tài nguyên giáo dục mở cũng như trên internet hiện nay, ta thấy có vô vàn tài liệu hay để giáo viên, học sinh tham khảo khi soạn bài, nên không cần thiết phải in sách tham khảo.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ hiện nay và trong tương lai, Chính phủ nên thúc đẩy mạnh việc chuyển đổi số ở ngành giáo dục nói chung và trong lĩnh vực in ấn SGK phổ thông nói riêng. Theo tôi, nên tham khảo cách mà người dân Indonesia đã làm: SGK sẽ đăng tải dưới định dạng PDF trên website của các sở GD-ĐT. Các sở sẽ giúp phụ huynh tải SGK xuống cho con em dùng. 

Cuối cùng, sách giáo khoa nên được sử dụng ổn định, vừa đỡ tốn kém vừa đỡ mất thời gian chọn lựa. Và phải sớm đẩy mạnh xây dựng, phát hành SGK điện tử. Lúc đó, trẻ em đi học chỉ mang theo một cái máy tính nhỏ hoặc iPad mà không phải “cõng” cả nửa yến sách lên lớp hằng ngày.

Nhìn ra nước ngoài

Việc in ấn và sử dụng sách giáo khoa ở mỗi quốc gia được thực hiện theo những cách riêng, khá đa dạng.

Ở Singapore có nhiều bộ SGK cho những địa phương khác nhau. Mỗi trường có trách nhiệm chọn bộ SGK cho trường mình. Việc biên soạn SGK ở Singapore được tiến hành rất công phu và phù hợp với những phương pháp hiện đại như dạy học hợp tác, dạy học theo dự án, dạy học sử dụng bản đồ tư duy... Khi nhà trường quyết định dùng bộ SGK nào, phụ huynh mới tìm mua bộ đó cho con em mình dùng. Do SGK ở Singapore được dùng nhiều năm nên thị trường SGK cũ khá sôi động.

Ở Đông Nam Á có hai quốc gia miễn phí dùng SGK là Thái Lan và Malaysia. Ngân sách nhà nước chi trả mọi khoản tiền cho việc xây dựng những bộ SGK phổ thông. Học sinh dùng SGK một cách cẩn thận để các lứa học sinh sau dùng tiếp, còn nếu đánh mất thì phải đền tiền.

Tại Indonesia, SGK phổ thông được đăng tải dưới định dạng tập tin văn bản PDF trên website để học sinh tải về. Trường hợp in thành sách thì nhà nước quy định giá rất rẻ.

Học sinh ở Trung Quốc được dùng SGK miễn phí. Hết năm học, các em phải trả lại sách.

Ở Nhật Bản, nhà nước cho mượn SGK đối với học sinh tiểu học và trung học của cả trường công lẫn trường tư.

Ở Triều Tiên, học sinh từ bậc mẫu giáo đến đại học đều không phải đóng học phí và được cấp SGK.

Những nước ở Nam Á như: Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka có chính sách cung cấp SGK miễn phí cho học sinh phổ thông, nhưng chỉ áp dụng với trường công lập.

Ở châu Âu, các nước như: Pháp, Đức, Hà Lan, New Zealand, Thụy Sĩ, Thụy Điển đều quy định các cơ quan quản lý giáo dục địa phương phải mua SGK để cấp cho học sinh dùng. Một số nước như Na Uy, Phần Lan còn cấp iPad cho trẻ em ngay khi các cháu vào học lớp 1.

Mỹ cung cấp SGK miễn phí từ lớp 1 đến lớp 12 học tại trường công. Ở trường tư, học sinh phải mua SGK, nhưng tiền mua SGK chỉ chiếm khoảng 1-2% tổng số tiền phải chi cho học hành. SGK ở Mỹ dùng dài hạn, khi cần thiết phải bổ sung kiến thức trong SGK thì nhà nước mới quyết định thay sách

Tại Australia, hầu như nhà trường phổ thông không dùng SGK. Sách của học sinh cũng như sách của giáo viên không phải là tài liệu bắt buộc dùng trong nhà trường. Chương trình môn học được công bố trên website của Bộ Giáo dục. Chương trình chỉ quy định những nội dung cần đưa vào giảng dạy, những tài liệu có thể dùng để giáo viên soạn bài và những phương pháp dạy học cần vận dụng. 

 GS, TS PHẠM TẤT DONG