Không gian thấm đẫm tình người

Trong nhận thức của rất nhiều người ở nước ta hiện nay, nhà ở xã hội được hiểu một cách chung chung là loại nhà chất lượng hạn chế, dành cho đối tượng thu nhập thấp. Định kiến về nhà ở xã hội thường gắn với những hình ảnh đông đúc, chật chội, kém tiện nghi, kém mỹ quan... Đó là nơi ở của những nhóm người yếu thế trong xã hội, công việc bấp bênh, thu nhập thấp và không ổn định cho nên cần sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Cách hiểu nêu trên không sai nhưng chưa đầy đủ, chưa đúng về bản chất của nhà ở xã hội. Nhận thức như vậy bắt nguồn từ thực tế nhưng cũng có một phần nguyên nhân từ sự chưa rõ ràng về định nghĩa đối với nhà ở xã hội trong các văn bản pháp lý. Theo giải thích trong Luật nhà ở 2014, nhà ở xã hội là "nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của luật này”. Trên phạm vi toàn cầu, vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm nhu cầu chỗ ở cho những nhóm xã hội yếu thế thông qua chính sách nhà ở xã hội là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì chưa thể hình dung đúng về bản chất của nhà ở xã hội.

Có chỗ để ở là nhu cầu của mọi người, không phân biệt màu da, sắc tộc, xuất thân, hay địa vị xã hội. Khác với nhà ở thương mại được phân phối theo quy luật thị trường và dựa trên khả năng thanh toán, việc cung cấp nhà ở xã hội được thực hiện trước hết dựa trên những giá trị đạo đức, nhân văn. Trong cùng một cộng đồng xã hội và đã là con người thì ai cũng cần phải có nơi ở để có thể thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu nhất, tái sản xuất sức lao động, thụ hưởng cuộc sống.

Như vậy, nhà ở xã hội không đơn giản chỉ là những không gian cư trú vật chất, mà là không gian thấm đẫm tình người. Mỗi căn nhà là một biểu tượng của giá trị nhân văn, bởi đó là sản phẩm từ sự chia sẻ nguồn lực của các thành viên trong cộng đồng, thông qua đại diện là Nhà nước, để giúp đồng loại thoát khỏi cảnh bơ vơ, tạm bợ, hay đối diện với những rủi ro và thiếu thốn. Sự gia tăng quỹ nhà ở xã hội cũng sẽ giúp giảm bớt tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” về chỗ ở, qua đó tạo sự công bằng trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau, hướng đến một xã hội nhân văn, vì con người và phát triển bền vững.

Trên tinh thần đó, tính chất “xã hội” của nhà ở trước hết phụ thuộc vào chức năng và đối tượng phục vụ của ngôi nhà. Đó là những không gian cư trú bảo đảm điều kiện tối thiểu để có thể đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất cho những người thuộc nhóm yếu thế, như: Ăn, ngủ, nghỉ ngơi, giải trí, học tập... Để tránh lãng phí, phát huy giá trị sử dụng trong thời gian dài thì nhà ở xã hội không thể đồng nghĩa với chất lượng kém. Để bảo đảm chất lượng cuộc sống cơ bản và tối thiểu thì kiến trúc nhà ở xã hội có thể tối giản nhưng không được đồng nghĩa với nhếch nhác, tạm bợ.

Vướng mắc chính sách

Chính sách về nhà ở xã hội ở nước ta hiện nay thể hiện rõ nhất thông qua Luật Nhà ở ban hành năm 2014. Luật pháp khẳng định trách nhiệm và vai trò của Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội nhưng cơ chế và biện pháp thực hiện còn nhiều bất cập cho nên gây ra những vướng mắc trên thực tế.

Bất cập đầu tiên là việc quy định 10 nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội dựa vào các đặc điểm về nghề nghiệp, thu nhập, địa bàn cư trú... Việc quy định như vậy thu hẹp đối tượng thụ hưởng, đồng thời tạo ra những giới hạn khi thực thi chính sách bởi chưa làm nổi bật điều kiện then chốt nhất để thụ hưởng nhà ở xã hội: Đó là phải chứng minh được rằng điều kiện hiện tại về tài chính và tài sản không thể giúp cá nhân tự giải quyết nhu cầu chỗ ở. Có nghĩa là, một chính sách hoàn chỉnh không nên chỉ giới hạn trong 10 nhóm đối tượng, mà bất cứ cá nhân nào khi rơi vào tình trạng không thể tự đáp ứng được nhu cầu chỗ ở thì đều có thể tìm đến với nhà ở xã hội.

leftcenterrightdel

Khu nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Ảnh: HOÀNG VIỆT 

Vướng mắc thứ hai là chỉ những cá nhân chưa từng sở hữu nhà ở, chưa từng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội hay bất kỳ hình thức hỗ trợ nào của Nhà nước về chỗ ở, đất ở, mới được tiếp cận nhà ở xã hội. Quy định này có thể bảo đảm sự bình đẳng và công bằng xã hội nhưng nếu thực hiện máy móc thì lại cản trở những người thực sự có nhu cầu. Điểm then chốt nhất khi thiết kế chính sách nhà ở xã hội là cần bảo đảm rằng mỗi cá nhân không được cùng lúc thụ hưởng nhiều hình thức hỗ trợ. Những người từng được hỗ trợ trong quá khứ nhưng hiện tại vẫn cần hỗ trợ thì có thể phải xếp sau theo trật tự ưu tiên, chứ không nên loại bỏ họ ra khỏi danh sách những người có thể tiếp cận sự hỗ trợ nhà ở.

Vấn đề thứ ba là những người muốn tiếp cận nhà ở xã hội phải có hộ khẩu thường trú hoặc đã đăng ký tạm trú tại địa phương từ một năm trở lên. Nhu cầu về nhà ở xã hội có thể nảy sinh bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu cho nên quy định về thường trú và tạm trú như vậy sẽ là một trở ngại cho nhu cầu chính đáng của công dân. Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, người lao động có thể thay đổi nơi làm việc bất cứ lúc nào thì những quy định cứng nhắc nêu trên sẽ không phù hợp, gây khó khăn cho những người thực sự có nhu cầu nhà ở xã hội mỗi khi chuyển đến nơi làm việc mới.

Vấn đề thứ tư, liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước, là chưa minh định giữa đáp ứng nhu cầu chỗ ở của công dân với thỏa mãn nhu cầu “sở hữu nhà ở”. Mặc dù Luật Nhà ở 2014 quy định đầy đủ những hình thức phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua, hoặc bán nhưng trên thực tế thì cách hiểu phổ biến ở nước ta hiện nay vẫn là đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội tức là giúp người dân thuộc các nhóm yếu thế được sở hữu một căn nhà. Hệ lụy dễ thấy từ nhận thức chưa rõ ràng nêu trên là tình trạng luôn thiếu nhà ở xã hội do giới hạn về nguồn lực của Nhà nước, quỹ nhà ở xã hội cho thuê bị hạn chế, trong khi lại làm nảy sinh tình trạng “tranh mua” nhà ở xã hội tại những vị trí đắc địa, có khả năng sinh lời cao.

Vấn đề thứ năm là những quy định pháp lý hiện nay chưa thực sự thu hút được nguồn lực từ các chủ thể tư nhân trong tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Thách thức chính sách phải giải quyết là mâu thuẫn giữa yêu cầu về lợi nhuận của nhà đầu tư tư nhân và khả năng sinh lợi thấp của nhà ở xã hội. Thực tế này đặt ra nhu cầu điều chỉnh chính sách không chỉ để thu hút nhà đầu tư tư nhân, mà còn tránh những phức tạp nảy sinh khi ưu đãi thông qua việc trao cho họ một số quyền thương mại hóa tỷ lệ nhất định nhà ở xã hội.

Phát triển quỹ nhà ở xã hội cho thuê 

Để từng bước giải bài toán nhà ở xã hội hiện nay, trước hết chúng ta cần nhận thức rằng chính sách nhà ở xã hội là để hỗ trợ các nhóm xã hội yếu thế có chỗ ở, chứ không phải giúp họ sở hữu nhà ở. Cũng có nghĩa, mặc dù sở hữu nhà ở là nhu cầu chính đáng của công dân nhưng đó không thể và không nên coi là trách nhiệm của Nhà nước.

Nhận thức nêu trên sẽ tạo cơ sở cho định hướng đổi mới chính sách phát triển quỹ nhà ở xã hội để cho thuê, đặt dưới sự quản lý của Nhà nước. Càng những vị trí đắc địa thì Nhà nước càng cần phải thực hiện nghiêm túc chính sách nhà ở xã hội để cho thuê nhằm loại bỏ mọi chủ thể muốn tìm kiếm lợi nhuận từ những dự án nhà ở xã hội, đưa nhà ở xã hội đến với các nhóm đối tượng thực sự có nhu cầu. Nhờ đó, bình đẳng, công bằng xã hội, nhân văn với tư cách là những giá trị nền tảng của chính sách nhà ở xã hội sẽ được thực thi.

Đi kèm với phát triển quỹ nhà ở xã hội cho thuê là nhu cầu ban hành quy trình, thủ tục, điều kiện thuê nhà dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, theo trật tự ưu tiên. Các quy định rõ ràng sẽ không chỉ tạo thuận lợi cho những người có nhu cầu mà còn giảm thiểu nguy cơ hình thành hiện tượng “xin-cho”, hay tiêu cực dựa trên quan hệ thân hữu, vốn luôn tiềm ẩn đằng sau vai trò phân bổ nguồn lực công của Nhà nước.

Phát triển quỹ nhà ở xã hội cho thuê không đồng nghĩa với chấm dứt nguồn cung nhà ở xã hội để bán. Theo đó, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, cần thiết kế các hình thức khuyến khích đủ hấp dẫn để nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng nhà ở xã hội để bán. Những người muốn sở hữu nhà ở thì phải chấp nhận một số sự đánh đổi, chẳng hạn như phải đi xa hơn, khó hoặc không thể gia tăng lợi nhuận từ việc sở hữu ngôi nhà.

Bảo đảm lợi ích thỏa đáng để huy động sự tham gia của các chủ thể ngoài Nhà nước vào việc xây dựng nhà ở xã hội là cần thiết. Để tránh phức tạp nảy sinh, thực hiện nghiêm túc chính sách nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của đúng nhóm đối tượng thụ hưởng thì Nhà nước nhất thiết cần giữ quyền quản lý và phân phối quỹ nhà ở xã hội.

TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG