V.Lenin từng nói: “Không có sách thì không có tri thức”. Đọc sách là một hiện tượng chứa đựng nhiều yếu tố tích cực với con người, xã hội nên tự thân nó trở thành nét đẹp văn hóa.
Từ ý nghĩa của đọc sách với phát triển dân trí, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Tiếp đó, tại khoản 1, Điều 30 của Luật Thư viện, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 quy định lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
    |
 |
Thư viện Quân đội hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Ảnh: HOÀNG HOÀNG
|
Những cơ sở pháp lý này ra đời góp phần khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao dân trí, phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách. Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam còn giúp tôn vinh giá trị của sách, tôn vinh người đọc, người sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách... Từ đó nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc.
Mỗi người đến với sách có một mục đích khác nhau. Thói quen đọc sách của mỗi người được hình thành trong quá trình học tập, làm việc, tiếp thu kiến thức và trong cuộc sống hằng ngày. Thói quen ấy bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế, gia đình, tâm lý, trình độ nhận thức, công việc, nghề nghiệp, giao tiếp xã hội... Dù chưa có số liệu chính xác để đánh giá khách quan nhưng một số nhà nghiên cứu về sách và văn hóa đọc nhận định, nhiều người Việt Nam ít đọc sách. Nhận định đó dựa trên những căn cứ như: Đầu sách xuất bản, phát hành èo uột; tình trạng tồn dư sách trong năm lớn. Nhận định ấy còn căn cứ vào các số liệu về tỷ lệ người Việt đến thư viện, thói quen đọc sách nơi công cộng quá ít...
Thực tế cho thấy, do tính chất công việc và nhiều nguyên nhân khác nhau, ngoài những người làm nghề liên quan đến nghiên cứu, viết... thì tỷ lệ người Việt thích đọc sách, bỏ tiền mua sách không nhiều. Tôi từng làm một điều tra xã hội về mua sách với đối tượng giáo viên ở một số trường phổ thông khu vực Đồng bằng Bắc Bộ thì nhận thấy, ngoài mua sách phục vụ chuyên môn, cũng ít thấy giáo viên mua sách về các lĩnh vực khác để đọc.
Trong công việc, tôi được tiếp xúc với nhiều người ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Những trí thức sinh trước năm 1980 thường có gu xây dựng giá sách trong nhà. Nhiều người đọc sách, sưu tầm, trao đổi sách, tìm bạn qua sách.
Trong giai đoạn đất nước thoát khỏi chiến tranh, việc phát hành và thông thương sách bị ảnh hưởng bởi hạ tầng, phương tiện giao thông khó khăn nhưng nhiều người vẫn chắt bóp, nhịn ăn để có tiền mua sách và hiện nay, họ có những bộ sách cũ rất quý giá. Tuy nhiên, cũng do đặc thù nghề nghiệp, nhiều người được tặng sách lại xây dựng giá sách thành vật trang trí trong gia đình. Và đáng buồn là trên giá ấy có rất nhiều cuốn sách không bao giờ được đọc. Tình trạng để sách “ngủ dài trên giá” không chỉ có ở các gia đình mà xuất hiện ngay cả ở các thư viện trong nhà trường, phòng đọc ở các cơ quan, địa phương. Nhiều thủ thư tâm sự với tôi, bạn đọc chỉ tìm đến thư viện đọc sách khi cần cho công việc nào đó.
Mới đây, anh bạn tôi than phiền, dù bỏ công sức hơn năm trời để viết, biên tập và tự bỏ tiền túi in cuốn sách kỷ niệm thời trai trẻ của mình và các đồng nghiệp từng học ở nước ngoài nhưng nó chẳng được chào đón như mong đợi. Hôm ra mắt sách, anh cẩn trọng ghi từng từ và ký tặng mọi người đến chung vui. Sau bữa cơm chúc mừng, khi các bạn ra về, anh thấy “đứa con tinh thần” bị bỏ lại trên các ghế ngồi. Anh lặng lẽ thu dọn chúng rồi mang về và bằng lòng với suy nghĩ rất AQ: Gặp nhau, uống rượu vui quá nên bạn anh quên! Anh nói, thế là còn may bởi biết đâu có nhiều người mang sách về nhưng không đọc mà quẳng luôn cho bà bán ve chai.
Ở thời đại công nghệ số, việc đọc sách của mỗi người tiện hơn rất nhiều. Bởi ngoài sách in, có thể đọc sách điện tử, nghe “sách nói” ở mọi lúc, mọi nơi và giá thành không cao cho dù có nhược điểm sức khỏe, thị lực giảm sút, dễ khiến mất tập trung. Hơn nữa, do sự bùng nổ của mạng xã hội với thông tin muôn hình vạn trạng tác động vào tâm lý hiếu kỳ nên dường như con người bị thu hút và vô tình lãng quên đọc sách. Lợi dụng internet và công nghệ số, các đối tượng viết sách cố tình truyền bá tư tưởng thù địch, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, phá hoại nền tảng tư tưởng, thể chế chính trị bằng ngôn ngữ rẻ tiền, thiếu tính khoa học. Có nhiều cuốn sách dung tục, phản cảm, ủy mị, ướt át được phổ biến trong các nhóm kín hoặc cố tình tán phát công khai làm cho ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa giáo dục của sách bị mất đi.
Cũng trong thời công nghệ số, do in ấn ngày càng hiện đại, do cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu... nên tình trạng sách lậu tán phát mạnh mẽ. Bạn tôi mất mấy tháng trời lao tâm khổ tứ đến bạc tóc để dịch một cuốn sách nước ngoài ra tiếng Việt. Ngay sau khi sách xuất bản được mấy ngày thì nhận được tin sách đã bị ăn cắp bản quyền và in lậu. Cầm cuốn sách in lậu với chữ nhòe mực, còn cả những trang dính vào nhau trên tay mà anh bảo ruột đau như cắt. Chưa hết, do hám lợi, những kẻ buôn chữ dùng các công cụ dịch ra tiếng Việt sách bán chạy ở nước ngoài và in ấn, phát hành, khiến những người kinh doanh sách và cả người đọc sách cạn dần niềm tin với sách ngoại văn.
Năm 1945, sau khi lập nước, tình trạng mù chữ ở nước ta có tỷ lệ cao, hơn 90%. Văn hóa đọc lúc ấy nằm ở một bộ phận trí thức, nhà nho và nhân viên phục vụ trong chính quyền thực dân cùng số ít học sinh, sinh viên, thị dân. Khi giáo dục được đề cao, mở rộng, tỷ lệ biết chữ tăng lên, văn hóa đọc phát triển. Trải qua thời gian dài chiến tranh, tốc độ phát triển của văn hóa đọc bị kìm hãm. Sang thời kỳ đổi mới, văn hóa đọc dần được phổ quát mạnh mẽ hơn, nhưng lại bị chi phối bởi yếu tố kinh tế và sự bùng nổ công nghệ thông tin.
Các chuyên gia khẳng định, văn hóa đọc được xuất phát chủ yếu từ giáo dục. Chính giáo dục tốt sẽ định hướng con người hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ. Ngoài ra, vai trò của các bên trong khuyến khích văn hóa đọc cũng rất quan trọng để hình thành phong trào. Tuy nhiên, để có văn hóa đọc thì mỗi người cần xây dựng thói quen đọc sách rồi nâng dần thành kỹ năng đọc sách. Với những ai làm việc liên quan đến nghiên cứu, tra cứu và viết thì việc đọc sách, phát triển kỹ năng đọc sách là tất yếu. Nhưng với người dân bình thường, để hình thành thói quen đọc sách và đúc rút trở thành kỹ năng đọc là cả sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
10 năm qua kể từ khi Ngày Sách Việt Nam (21-4) hằng năm ra đời và 4 năm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đi vào đời sống, nhiều hoạt động trưng bày sách, quảng bá sách cũng như việc thúc đẩy phong trào đọc trong các tầng lớp nhân dân đã đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng rãi. Đây là tác nhân bên ngoài giúp tỷ lệ người đọc sách nâng lên. Đó là điều đáng mừng!
Tôi quen một tiến sĩ sử học làm việc ở một cơ quan nghiên cứu lịch sử quân sự. Thỉnh thoảng, anh hỏi xin sách của tôi và nhiều người khác. Nhưng lạ là anh chỉ xin sách đã đọc hoặc không mấy hữu ích cho công việc chuyên môn. Lúc đầu tôi hơi khó chịu, nghĩ anh tiết kiệm, bủn xỉn vì không bỏ tiền mua sách. Mãi sau này biết anh xin sách để đem tặng các trường học ở quê và trên địa bàn nơi anh cư trú thì tôi rất cảm phục. Anh đã góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách ở nhà trường, thúc đẩy mọi người hướng tới mục tiêu trở thành “đại sứ văn hóa đọc”. Tuy nhiên, những hành động như của anh bạn tôi trong xã hội chưa nhiều.
Kết thúc bài viết này, tôi cho rằng muốn phát triển văn hóa đọc thì vấn đề cần chú ý là ngoài quảng bá sách giấy cũng cần tăng cường quảng bá, quản lý sách điện tử, “sách nói”, hướng tới thị hiếu người đọc hiện đại. Vấn đề cần kíp nữa là các cơ quan chức năng của Nhà nước phải chú trọng kiểm soát chặt chẽ, đấu tranh loại bỏ sách lậu, vi phạm bản quyền, ngăn ngừa hiện tượng làm vấy bẩn văn hóa đọc từ sớm, từ xa. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài để văn hóa đọc phát triển, nâng cao dân trí.
PGS, TS NGUYỄN VIỆT KHÔI