Với người Việt, dù sống và làm việc ở bất cứ nơi đâu thì văn hóa sẻ chia cũng luôn được phát huy. Nó giống như một loại gen sinh học tồn tại trong cơ thể mỗi con người và được di truyền từ đời này sang đời khác.
Căn cốt của văn hóa sẻ chia chính là tình người, tình dân tộc, một trong những phẩm chất đặc sắc và là gốc để làm nên văn hóa Việt Nam. Bởi người Việt đều có chung nguồn gốc, là dòng giống con rồng, cháu tiên và có chung tổ phụ, tổ mẫu là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đây cũng chính là nguồn gốc lý giải cho tinh thần "tương thân tương ái"; cố kết cộng đồng, đoàn kết, thủy chung của người Việt.
Sinh sống tại vùng đất có điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa khắc nghiệt và luôn phải đối chọi với thiên tai, giặc giã, ngay từ thuở hồng hoang và thời kỳ dựng nước, người Việt đã hình thành cho mình những phẩm chất riêng, đó là lòng yêu nước, tự tôn, tự hào dân tộc; đó là ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước bão tố và kẻ thù xâm lược; đó là tinh thần đoàn kết, sẻ chia, "tương thân tương ái".
|
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trao tiền ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi bão số 3 tới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, là một trong những biểu hiện sâu sắc của văn hóa sẻ chia. Ảnh: ĐỨC THẮNG
|
Trước hết, sức mạnh của văn hóa sẻ chia được tụ trong truyền thuyết, truyện cổ tích; trong tục ngữ, ca dao, một loại hình văn học truyền miệng gắn với lao động nông nghiệp lúa nước của người Việt hàng nghìn năm. Sức mạnh của văn hóa sẻ chia gắn với các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát bội, hát xoan, dân ca quan họ, ví, giặm...
Theo đó, người Việt truyền dạy cho nhau những điều hay lẽ phải. Trước hết, người Việt quan niệm, cùng chung sống trong một quốc gia phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Thế nên, ông bà luôn dạy bảo con cháu phải biết yêu nước, yêu thương đồng bào để tạo nên một quốc gia đoàn kết, hùng mạnh: “Bắc Nam là con một nhà/ Là gà một mẹ, là hoa một cành/ Nguyện cùng biển thẳm non xanh/ Thương nhau nuôi chí đấu tranh cho bền”; “Anh em cốt nhục đồng bào/ Kẻ sau người trước phải hào cho vui”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”...
Nói về tinh thần "tương thân tương ái" của người Việt có thể kể đến các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ mà hầu như ai cũng thuộc từ lúc còn bé thơ: “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Chị em như chuối nhiều tàu/ Tấm lành che tấm rách đừng nói nhau nặng lời”, “Em ơi chua ngọt đã từng/ Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau”.
Ngày nay, văn hóa sẻ chia của người Việt được phát huy và trở thành nét đẹp rất đáng trân trọng. Một trong những ví dụ điển hình của văn hóa sẻ chia đó là tinh thần xả thân của bộ đội, công an, dân quân tự vệ và nhiều lực lượng khác để giúp đỡ đồng bào trong thiên tai, bão, lũ. Trong công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm ấy, đã có những người mãi mãi không trở về. Họ đã cống hiến sức lực và tính mạng của mình để nhân dân có cuộc sống bình yên. Họ đã bồi đắp vào nét văn hóa sẻ chia của dân tộc bằng đức hy sinh và tấm gương quả cảm, truyền cảm hứng cho muôn đời sau.
Khi nói đến văn hóa sẻ chia, ta thường nghĩ đến hành động người này, tập thể này giúp đỡ người khác, tập thể khác khi gặp vấn đề nào đó. Đó có thể là những lời động viên, thăm hỏi chí nghĩa, chí tình. Bên cạnh đó, sự sẻ chia còn thể hiện ở hành động ủng hộ, hỗ trợ tiền, hiện vật theo tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Là đất nước phải chịu nhiều thiên tai, đặc biệt trong những năm gần đây, khi mà tình hình khí hậu, thời tiết biến đổi khó lường, xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan thì văn hóa sẻ chia càng trở nên sâu đậm.
Điển hình là sau cơn bão số 3 vừa qua, mặc dù cũng bị thiệt hại rất nặng nhưng các tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng lại từ chối nhận kinh phí hỗ trợ của Trung ương và nhường số tiền ấy hỗ trợ các địa phương khó khăn hơn. Sau bão số 3 vài ngày, dù rất bận với công tác khắc phục hậu quả, song Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh và nhiều ban, bộ, ngành, địa phương đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào bão, lũ. Ngày 13-9, tỉnh Bắc Ninh đã gửi tới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam số tiền ủng hộ đồng bào vùng bão, lũ 10 tỷ đồng.
Cũng sau bão số 3, với tinh thần “máu chảy ruột mềm”, nhiều mạnh thường quân, tập thể doanh nghiệp, doanh nhân đã tặng quà hỗ trợ đồng bào vùng bão, lũ với kinh phí trị giá hàng tỷ đồng. Thật cảm động khi nghe tin người dân ở nhiều địa phương các tỉnh miền Trung, miền Nam cùng nhau gói bánh chưng chuyển tới bà con vùng lũ. Hay như khi biết việc cứu trợ ở Thái Nguyên, Yên Bái gặp khó khăn vì thiếu xuồng, ca nô, nhiều người dân ở Mỹ Đức (Hà Nội) và các địa phương khác đã vận chuyển phương tiện thủy lên hỗ trợ... Thật khó có thể kể hết những tấm lòng thơm thảo mang nghĩa tình đồng bào và văn hóa sẻ chia đang từng ngày, từng giờ hướng về nhân dân vùng bão, lũ.
Tuy nhiên, bên cạnh các điều tốt đẹp, nhân văn ấy, chúng ta cũng cần lên án những kẻ có dã tâm xấu xa khi đưa ra nhiều luận điệu đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc biệt, chúng xuyên tạc rồi kêu gọi tẩy chay vai trò vận động cứu trợ của MTTQ các cấp, khiến cho niềm tin xã hội bị chia rẽ. Đã có một số cá nhân kêu gọi từ thiện và trực tiếp đi từ thiện ở vùng lũ để rồi bỏ lại sau đó những rắc rối và nghi ngờ. Cá biệt, gần đây trong xã hội xuất hiện một số đối tượng cố tình lợi dụng văn hóa sẻ chia, lợi dụng từ thiện để "làm màu", "đánh bóng" tên tuổi. Họ nói một đằng làm một nẻo. Một mặt công bố với dư luận về số tiền ủng hộ lớn, nhưng mặt khác, họ lại chuyển tới tài khoản nhận ủng hộ của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với số tiền nhỏ bé. Điều này đã gây ra sự phản ứng gay gắt trong dư luận.
Sinh ra từ một dân tộc có nền văn hóa phong phú, giàu ý nghĩa nhân văn và sáng tạo, trong đó nổi bật là văn hóa sẻ chia, văn hóa làm người. Thiết nghĩ, được thừa hưởng những giá trị văn hóa tinh túy ấy của dân tộc, trong thời hiện đại, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm phát huy. Không chỉ sẻ chia trước khó khăn, nỗi đau, mất mát của đồng bào mà chúng ta còn phải nghĩ tới sẻ chia cả cơ hội, thời cơ cho người khác để cùng phát triển, cùng có cuộc sống hạnh phúc, no ấm và bình yên. Tôi nghĩ rằng, đó chính là hành động thiết thực để giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa Việt trong thời kỳ mới.
Cùng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, kỳ thú và nền văn hóa giàu bản sắc thì những hành vi đẹp của người Việt hiện đại sẽ tạo ra sức hấp dẫn vô hình, giữ chân bạn bè quốc tế đến với Việt Nam lâu hơn, dài hơn.
Đại tá, TS PHẠM DUY VỤ