QĐND - Tính đến tháng 8-2014, đã có 9 tổ hợp khí tài tên lửa cải tiến C125-2TM của Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) được bắn nghiệm thu thành công. Để những con “rồng lửa” Petrora sau khi được “lên đời” mang tính năng kỹ chiến thuật vượt trội so với trước đây, các kỹ sư tên lửa đã phải trải qua một hành trình dài, đầy gian nan, thử thách...
“Đồng cảm” - chất kết dính
Còn nhớ, tháng 7-2013, ba tổ hợp khí tài tên lửa cải tiến C125-2TM (các bộ số 4, 5, 6) được đưa lên Trường Bắn Quốc gia TB1, hòa cùng “lưới lửa” của pháo phòng không, tên lửa C-75, tên lửa C-125 và một số tên lửa tầm thấp, tiêu diệt mục tiêu trên không. Với ba tổ hợp khí tài tên lửa C125-2TM, đây là lần bắn nghiệm thu đầu tiên thuộc giai đoạn 2 (các tổ hợp 1, 2, 3 thuộc giai đoạn 1), đánh dấu bước trưởng thành của các kỹ sư tên lửa Việt Nam trong tham gia Dự án cải tiến tên lửa.
Hôm ấy, những con “rồng lửa” C125-2TM lần lượt vút lên bầu trời xanh thẳm và đều tiêu diệt gọn mục tiêu. Mỗi lần như thế, các kỹ sư tên lửa Việt Nam và các kỹ sư của nước bạn lại nhảy lên hò reo, rồi ôm chầm lấy nhau, vỡ òa sung sướng. Dự và chỉ đạo Bộ đội PK-KQ thực hiện nhiệm vụ tại trường bắn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đích thân xuống trận địa động viên các kíp chiến đấu. Sau khi tặng hoa các kỹ sư của bạn, nghe báo cáo sơ bộ quá trình thực hiện Dự án cải tiến tên lửa, Chủ tịch nước trân trọng nói lời cảm ơn các kỹ sư của nước bạn và khẳng định, họ là những người thầy luôn gần gũi, kịp thời giúp đỡ và truyền thụ nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu cho các kỹ sư Việt Nam. Một chuyên gia của nước bạn phát biểu đáp từ khiến nhiều người không khỏi bất ngờ vì câu nói: “Các kỹ sư Việt Nam cũng là những người thầy của chúng tôi”.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang động viên cán bộ, chiến sĩ tên lửa Sư đoàn Phòng không 363 trong lần bắn nghiệm thu tổ hợp tên lửa cải tiến C125-2TM năm 2013.
|
Đại tá Đinh Cao Thành, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ, người có nhiều tâm huyết và theo sát Dự án cải tiến tên lửa từ những ngày đầu, nói với chúng tôi: “Hãy khoan nói chuyện vì sao chúng ta coi bạn là thầy, ngược lại bạn cũng coi chúng ta là thầy, mà tôi muốn nói đến sự “đồng cảm” giữa các kỹ sư tên lửa Việt Nam và nước bạn. Chính sự “đồng cảm” ấy đã tạo nên chất kết dính và sự thấu hiểu giữa các nhà khoa học, góp phần làm nên thành công như ngày hôm nay của dự án. Sự đồng cảm ấy không chỉ bắt nguồn từ chỗ ta và bạn là hai nước có quan hệ truyền thống lâu đời, mà còn bởi mục đích mà cả hai cùng hướng đến: Ta theo đuổi dự án nhằm cải tiến để tên lửa đáp ứng tốt hơn nghệ thuật tác chiến của Việt Nam; trong khi bạn cùng ta triển khai dự án nhằm tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình, nhất là giải pháp kỹ thuật công nghệ, bởi Việt Nam có kinh nghiệm ứng dụng chiến đấu và kinh nghiệm bảo đảm kỹ thuật…
Được biết, khi “chào hàng” Dự án cải tạo tên lửa này, các “ứng cử viên” có những mẫu công nghệ rất hiện đại, nhưng ứng dụng trong điều kiện tác chiến của Việt Nam lại không phù hợp. Đơn cử như độ tin cậy của linh kiện, khí tài giảm vì điều kiện nóng ẩm ở nước ta. Thực tế khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật của Bộ đội PK-KQ cho thấy, độ ẩm là một trong những nguyên nhân chính khiến khí tài phát sinh hỏng hóc. Ngoài ra, đặc điểm địa hình tác chiến ở Việt Nam cũng đặt ra một “bài toán” khó đối với các “ứng cử viên”. Địa hình tác chiến ở nước ta đa dạng, có thể trên đồi núi, ở nơi đường sá nhỏ hẹp, dân cư đông đúc, hoặc ở khu vực sông ngòi dày đặc... nên đòi hỏi khí tài phải gọn nhẹ, có khả năng thu hồi nhanh, triển khai nhanh, cơ động nhanh… Mặt khác, không chỉ cùng bạn cải tiến tên lửa mà một mục tiêu rất lớn của ta là phấn đấu làm chủ hoàn toàn quá trình cải tiến và khai thác tên lửa. Vì thế, yếu tố cởi mở của đối tác trong quá trình chuyển giao công nghệ là điều rất cần. Và bạn có yếu tố đó!
“Rồng lửa”… lột xác
Sau một thời gian thực hiện, với hình thức kỹ sư bạn trực tiếp cải tiến, kỹ sư và nhân viên kỹ thuật của ta theo dõi, tổ hợp tên lửa cải tiến C125-2TM đầu tiên hoàn thành, được đưa lên Trường Bắn Quốc gia TB1 bắn nghiệm thu, kiểm tra toàn bộ tính năng và áp dụng tất cả các bài bắn. Tổ hợp này đã tiêu diệt gọn mục tiêu và đáp ứng được yêu cầu các bài tập đặt ra. Sau đó, tổ hợp thứ 2 ta và bạn cùng làm; tổ hợp thứ 3 ta làm, bạn giám sát. Sau khi bắn nghiệm thu tổ hợp thứ 3, ta đánh giá công nghệ được áp dụng cho dự án phù hợp và ta có khả năng tiếp thu công nghệ tốt. Giai đoạn 2 của dự án bắt đầu từ tổ hợp tên lửa thứ 4, với việc các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn tự triển khai cải tiến tên lửa, còn bạn đóng vai trò tư vấn. Qua mỗi đợt bắn nghiệm thu, ta phát hiện được những vấn đề cần phải hoàn thiện để đưa ra đầu bài bổ sung. Với tư cách là nhà thiết kế, bạn tiếp tục nghiên cứu, triển khai công nghệ để giải quyết.
|
Tổ hợp tên lửa cải tiến C125-2TM trong lần bắn nghiệm thu năm 2011.
|
Song song với quá trình cải tiến tên lửa theo dự án, công tác huấn luyện các kíp chiến đấu để làm chủ tên lửa cải tiến cũng được các đơn vị phòng không tích cực thực hiện. Đại tá Trần Hải Nam, Phó sư đoàn trưởng quân sự Sư đoàn Phòng không 363, cho biết, sư đoàn đã lựa chọn các kíp chiến đấu nòng cốt, có trình độ tốt để thực hiện nhiệm vụ tiếp thu, huấn luyện trên tổ hợp tên lửa cải tiến.
Sau khi huấn luyện kỹ thuật tại các đơn vị, các kíp chiến đấu cơ động lên Nhà máy A31 huấn luyện công tác chiến đấu và huấn luyện khai thác sử dụng “rồng lửa” C125-2TM. Kết thúc quá trình huấn luyện là bước nghiệm thu khí tài tên lửa trong điều kiện nhà máy, rồi nghiệm thu khí tài tên lửa trong điều kiện trường bắn-với việc bắn nghiệm thu theo tất cả các bài bắn và theo bài bắn ngẫu nhiên. Qua lần bắn nghiệm thu tổ hợp thứ 9 vừa rồi, có thể thấy, một số tính năng của C125-2TM đã trở nên ưu việt hơn nhiều so với bộ thứ nhất, đặc biệt là độ tin cậy, khả năng cơ động và khả năng chống nhiễu tốt hơn… Nghĩa là, dự án đã làm thay đổi một cách tương đối căn bản lực lượng và hiện trạng trang bị hiện có của hệ thống tên lửa Petrora-một loại vũ khí nòng cốt trong tác chiến phòng không của ta.
Lấy một con số để so sánh, có thể thấy rõ hơn ưu thế vượt trội của tên lửa C125-2TM so với tên lửa C-125, đó là thời gian triển khai, thu hồi bệ phóng C125-2TM chỉ còn 20-25 phút, so với 1 giờ 30 phút của C-125; đồng thời giảm được công sức bộ đội nhờ nó được trang bị thêm hệ thống thủy lực…
Ở góc độ huấn luyện, khai thác sử dụng tên lửa cải tiến, Đại tá Trần Hải Nam khẳng định, Bộ đội Tên lửa Sư đoàn Phòng không 363 đã hoàn toàn làm chủ và khai thác hiệu quả tên lửa C125-2TM. Điều đó cũng đồng nghĩa khả năng sẵn sàng chiến đấu của sư đoàn đã được nâng lên một bước mới, sau sự “lên đời” của “rồng lửa” Petrora…
Bài và ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ