Ngay những ngày đầu năm mới, Học viện Quân y đã tổ chức hai chuyến công tác đến các địa phương để tuyên truyền, hướng nghiệp tuyển sinh quân sự vào Học viện năm 2024. Những ngày tháng 1, đoàn công tác do Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên, Giám đốc HVQY dẫn đầu đã phối hợp với Bộ CHQS, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định tổ chức tuyên truyền, hướng nghiệp cho hơn 1.200 em học sinh khối 11 và 12 của 4 trường THPT: Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Bính và Lương Thế Vinh tại huyện Vụ Bản.

Tiếp đó, đoàn công tác do Thiếu tướng, PGS, TS Trần Ngọc Tuấn, Phó giám đốc HVQY làm trưởng đoàn hành quân lên tỉnh Lào Cai phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình hướng nghiệp cho các em học sinh của một số trường THPT trên địa bàn TP Lào Cai. Các buổi tuyên truyền, hướng nghiệp diễn ra trong không khí cởi mở, sôi nổi, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Nhiều câu chuyện về truyền thống vẻ vang của HVQY đã được chuyển tải đến các em học sinh.

Rồi những thông tin về điều kiện học tập, các tiêu chuẩn để xét tuyển và những câu hỏi về thủ tục đăng ký tuyển sinh, chế độ đãi ngộ khi theo học, điều kiện bố trí công tác sau khi tốt nghiệp... được lãnh đạo Học viện và các em học sinh sôi nổi trao đổi. Tại chương trình nhiều học sinh bày tỏ sự ngưỡng mộ về truyền thống vẻ vang của nhà trường và thể hiện quyết tâm thi đỗ vào HVQY. Có mặt và được chứng kiến những khoảnh khắc hân hoan đó, chúng tôi cảm nhận được sự hiện hữu về giá trị tinh thần, ngọn lửa yêu ngành y, lẽ sống cống hiến đã được những thầy giáo, bác sĩ của HVQY lan tỏa tới những bạn trẻ.

Trò chuyện về vấn đề này, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên chia sẻ, với đặc thù của y học quân sự, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện luôn quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục để xây dựng nhà trường trở thành một trong những trường đại học hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực y dược chất lượng cao cho Quân đội và cả nước; nghiên cứu y dược học quân sự, chuyển giao kỹ thuật y dược; là trung tâm điều trị chất lượng cao; phát triển hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu y dược học, góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, ngay từ khâu tuyển sinh, Học viện rất quan tâm, đầu tư tuyên truyền, hướng nghiệp với mong mỏi tuyển chọn được những nhân tài.

Bên cạnh đó, Học viện đề ra tiêu chuẩn, yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhất là giảng viên y dược học quân sự. Theo đó, người giảng viên phải là người sĩ quan quân y thực sự mô phạm trên mọi lĩnh vực, có kiến thức y học toàn diện, chuyên sâu, phương pháp giảng dạy, tư duy khoa học tốt, tâm huyết với nghề nghiệp. Học viện tuyển chọn đầu vào giảng viên theo quy trình rất khắt khe, chặt chẽ. Để trở thành giảng viên, ứng viên phải vượt qua các kỳ thi, kiểm tra đánh giá về kỹ năng thực hành lâm sàng, ngoại ngữ, tin học và giảng thử trước Hội đồng giảng viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ trợ giảng tối thiểu hai năm mới được công nhận là giảng viên chính thức.

leftcenterrightdel

Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Dũng, Chủ nhiệm Bộ môn - Khoa Giải phẫu bệnh lý, pháp y cùng các bác sĩ chẩn đoán kết quả xét nghiệm sinh thiết. Ảnh: VIỆT TRUNG. 

Thực hiện mô hình “Viện-trường” nên đối với giảng viên HVQY đồng thời phải là bác sĩ điều trị. Điều này đòi hỏi người giảng viên phải có kiến thức y học rộng, trình độ chuyên môn, tay nghề giỏi, sáng về y đức, không để xảy ra sai sót trong quá trình điều trị, dù là nhỏ nhất.

Nhiều năm đồng hành với Học viện, chúng tôi nhận thấy rằng, thông qua thực hành điều trị, giảng viên-thầy thuốc của Học viện đã phát triển được nhiều kỹ thuật mới, đúc rút nhiều kinh nghiệm phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, điều trị, tạo nên đột phá là cơ sở y tế đầu tiên trong nước thực hiện thành công các ca ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép đồng thời tụy-thận và ghép phổi trên người, góp phần tạo nên bước phát triển vượt bậc của nền y học nước nhà.

Đến nay, chắc hẳn nhiều người còn nhớ, ngày 4-6-1992 ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam đã thực hiện thành công trong điều kiện vô vàn khó khăn tại Bệnh viện Quân y 103, HVQY. Bệnh nhân là Thiếu tá Vũ Mạnh Đoan, 40 tuổi, được ghép thận từ người tặng là em trai ruột 28 tuổi. Thành công của ca ghép tạng đầu tiên này đã viết nên trang sử mới cho nền y học nước nhà, khởi đầu cho một chuyên ngành mới ở nước ta-chuyên ngành ghép tạng. Đến năm 2004, Bệnh viện Quân y 103 tiến hành ghép gan thành công cho cháu Nguyễn Thị Diệp (10 tuổi), quê ở Nam Định, bị bệnh teo đường mật bẩm sinh đã biến chứng. Người cho là bố đẻ (31 tuổi) đã hiến một phần lá gan.

Nối tiếp những thành công, năm 2010, Bệnh viện Quân y 103 tiến hành ca ghép tim đầu tiên trên người tại Việt Nam thành công. Năm 2017, đánh dấu mốc quan trọng, ca ghép phổi đầu tiên trên người đã được tiến hành tại Bệnh viện Quân y 103, bệnh nhân Ly Chương Bình, quê ở xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Sau ca ghép, các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế đã đến thăm và đánh giá cao thành công của ca ghép. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư biểu dương, khen ngợi cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế HVQY.

32 năm tuổi quân, cũng là khoảng thời gian Đại tá, PGS, TS Tạ Bá Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103 gắn bó với HVQY. Ông không khỏi xúc động khi nhắc lại những mốc son quan trọng mà Học viện đã đạt được từ khi ra đời. Thực hiện Sắc lệnh số 234/SL ngày 20-8-1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập các trường đào tạo cán bộ, nhân viên y tế, Trường Quân y sĩ Việt Nam (tiền thân của HVQY ngày nay) được thành lập vào ngày 10-3-1949 và tổ chức lễ khai giảng đào tạo quân y sĩ khóa 1 tại thôn Tuần Lũng, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Những ngày đầu mới thành lập, nhà trường chỉ có 20 cán bộ, nhân viên và 4 giảng viên; cơ ngơi chỉ có một hội trường, hai căn nhà vừa làm phòng ở vừa làm phòng học và một nhà bếp, tất cả chỉ làm bằng tre, nứa, lợp lá đơn sơ; một tủ sách chuyên môn đều là sách Pháp ngữ được góp từ những tài liệu của các giảng viên mang theo khi đi kháng chiến. Mô hình, học cụ buổi ban đầu của nhà trường chỉ có 2 chiếc kính hiển vi cũ và một bộ xương chuyển giao từ Bệnh viện Việt Trì được dùng làm học cụ môn giải phẫu...

Ngày nay, HVQY là một trong những trung tâm y học hàng đầu của Quân đội, một trong những trung tâm khoa học lớn của cả nước. Học viện chủ trương lấy việc học thông qua nghiên cứu, lấy nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề trong giảng dạy, điều trị, nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng Học viện trở thành học viện nghiên cứu. Để công tác nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả cao, Học viện có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các công trình khoa học; tạo điều kiện cho giảng viên thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, làm tiền đề cho việc đề xuất và triển khai nghiên cứu đề tài cấp bộ, cấp quốc gia.

Học viện chú trọng đầu tư đồng bộ trang thiết bị, nhiều phòng thí nghiệm hiện đại (ngang tầm khu vực và thế giới), trung tâm nghiên cứu, giúp giảng viên có thể triển khai ý tưởng khoa học. Từ năm 1986 đến nay, Học viện đã hoàn thành gần 3.300 đề tài khoa học các cấp, trong đó có hàng trăm đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ và hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Học viện có 2 công trình khoa học được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 2 đề tài khoa học được tặng Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC; 3 đề tài khoa học được tặng giải thưởng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Năm 2018, Học viện có 1 công trình khoa học được cấp bằng độc quyền sáng chế của Hoa Kỳ.

Với việc chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ đa năng “3 trong 1” đó là thực hiện tốt nhiệm vụ của người giảng viên, nhà khoa học, bác sĩ nên công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều trị của Học viện đã thu được những thành tựu, tiến bộ vượt bậc. Đến nay, Học viện có trên 93% cán bộ, giảng viên đạt trình độ sau đại học, trong đó có 53 giáo sư, 234 phó giáo sư; hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II và bác sĩ chuyên khoa cấp I; 15 nhà giáo nhân dân, 42 nhà giáo ưu tú; 19 thầy thuốc nhân dân, 179 thầy thuốc ưu tú và nhiều chuyên viên đầu ngành và chuyên viên kỹ thuật của ngành quân y... Đây là nguồn nhân lực quan trọng để đưa HVQY tiếp tục phát triển, lớn mạnh trong những năm tới, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.

HOÀNG VIỆT