Thông điệp về lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần đoàn kết
Có thể mượn câu thơ của nhà thơ Dương Hương Ly trong bài thơ “Đất quê ta mênh mông” năm 1967 để nói về cảm hứng cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bắt tay thực hiện bộ phim này. Ông cũng chính là người viết kịch bản cho phim. "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" lấy bối cảnh năm 1967 tại địa đạo Củ Chi, xoay quanh đội du kích 21 người do Bảy Theo (diễn viên Thái Hòa thủ vai) chỉ huy, với nhiệm vụ bảo vệ một nhóm thông tin tình báo chiến lược truyền tin cho cấp trên khỏi sự truy lùng, đánh phá gắt gao của địch.
Phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" mang đến sự hấp dẫn và kịch tính thông qua việc tái hiện chân thực cuộc sống gian khổ cùng tinh thần hy sinh của các chiến sĩ du kích. Những tình tiết như quá trình chế tạo, sửa chữa vũ khí của nhân vật Tư Đạp (Quang Tuấn thủ vai), những tình huống căng thẳng trong lòng đất hay sự đối đầu với địch được xây dựng logic và sinh động, tạo nên bức tranh rõ nét về chiến tranh du kích. Sự căng thẳng trong từng phút giây của nhiệm vụ bảo vệ nhóm tình báo chiến lược cũng góp phần giữ chân người xem từ đầu đến cuối phim. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, năm 2014, ông đến Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) và xúc động vì đã “bắt gặp một mỏ vàng những câu chuyện không giống ở bất cứ đâu trên thế giới. Củ Chi là một trong hai biểu tượng của chiến tranh nhân dân Việt Nam, điển hình cho chiến tranh phi đối xứng. Các chất liệu đời sống vô cùng đặc biệt cũng như tính điện ảnh của những câu chuyện về địa đạo Củ Chi là tuyệt vời”. Chính vì thế, ngay khi có điều kiện, ông đã thực hiện bộ phim với tất cả cảm xúc và nhiệt huyết.
Không chỉ tập trung vào những cuộc chiến căng thẳng, giằng co giữa hai bên, bộ phim còn lồng ghép những góc nhìn nhân văn trong cuộc chiến. Đó là tình yêu giữa Tư Đạp (Quang Tuấn đóng) và Ba Hương (Hồ Thu Anh đóng) như một điểm sáng lung linh nơi địa đạo tối tăm. Đó là sự tự vấn bản thân của nhân vật Út Khờ (Diễm Hằng Lamoon đóng) về sự tồn tại của mình trong cuộc chiến. Đặc biệt, nhân vật Bảy Theo là một hình tượng đặc trưng của những chiến sĩ du kích Củ Chi “chân trần chí thép”, đánh giặc gan lì, ẩn đằng sau vẻ ngoài cộc cằn, thô lỗ là một trái tim nhân hậu và tràn đầy tinh thần yêu thương, bao dung đồng đội.
Bộ phim truyền tải mạnh mẽ thông điệp về lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh. Những câu chuyện về tình đồng đội, tình yêu và lòng khát khao được sống, được hạnh phúc, nhưng khi đất nước cần vẫn không tiếc hy sinh đời mình, được lồng ghép khéo léo trong từng cảnh phim, làm nổi bật ý nghĩa của sự cống hiến quên mình vì Tổ quốc.
Bộ phim gây ấn tượng trên nhiều phương diện
Đây là phim về đề tài chiến tranh cách mạng do tư nhân bỏ vốn sản xuất. Do vậy, vốn đầu tư của bộ phim khá dồi dào. Phim huy động nhiều loại vũ khí, khí tài hạng nặng của Mỹ thời chiến tranh như: Xe tăng M48 Patton, xe bọc thép tấn công M113 ACAV, máy bay trực thăng UH-1 Iroquois, giang thuyền Patrol Craft Fast (PCF), tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM-8 cùng nhiều loại vũ khí, khí tài quân sự khác. Ngoài ra, bộ phim còn huy động hàng nghìn diễn viên quần chúng trong nước và quốc tế, nhằm tái hiện chân thực cuộc chiến đấu khốc liệt tại Củ Chi.
Diễn viên Thái Hòa đảm nhận vai chính Bảy Theo, nhân vật trung tâm trong phim. Anh chia sẻ rằng kịch bản gây xúc động và có sự kết nối cá nhân, khi ông ngoại vợ từng tham gia chiến đấu tại Củ Chi. Các diễn viên phải trải qua hai tháng luyện tập trên thao trường, được huấn luyện tại Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, sinh hoạt cùng các cựu du kích để hiểu rõ hơn về cuộc sống và tâm lý nhân vật. Phim được quay tại nhiều bối cảnh khác nhau, bao gồm phim trường Hòa Phú của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) cho các cảnh chiến đấu trên mặt đất, bên bờ sông và trên sông. Địa đạo được tái hiện tại hai phim trường lớn của HK Film, cho phép quay các cảnh sinh hoạt đời thường và những pha chiến đấu gay cấn dưới lòng đất.
Kỹ thuật quay phim của "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" là một điểm nhấn ấn tượng với đạo diễn hình ảnh là Nguyễn K’Linh, một tay máy tên tuổi trong giới điện ảnh. Đặc biệt, các cảnh quay trong địa đạo được thực hiện xuất sắc, tái hiện không gian chật hẹp, tối tăm và ngột ngạt một cách chân thực. Các góc máy được sử dụng tinh tế kết hợp với ánh sáng mờ ảo tạo nên cảm giác căng thẳng và nguy hiểm, giúp khán giả cảm nhận rõ ràng sự khắc nghiệt mà các chiến sĩ du kích phải đối mặt. Đây là một thành công của bộ phim trong việc mang đến trải nghiệm thị giác sống động cho khán giả.
Dàn diễn viên thực lực là một trong những yếu tố giúp bộ phim tỏa sáng. Diễn viên Thái Hòa đã mang đến một màn trình diễn xuất sắc, thể hiện trọn vẹn sự kiên cường, quyết tâm và cả những khoảnh khắc yếu đuối đầy nhân tính của nhân vật. Ánh mắt sắc bén cùng cử chỉ tự nhiên của anh giúp khán giả đồng cảm sâu sắc với trọng trách của người chỉ huy đội du kích. Bên cạnh đó, Quang Tuấn và Hồ Thu Anh cũng có những màn trình diễn đáng khen ngợi, góp phần làm nổi bật tinh thần đồng đội cùng sự hy sinh trong phim. Những diễn viên phụ khác đều thể hiện tròn vai. Họ không ngại hóa trang xấu đi, chịu bẩn, chịu nguy hiểm trong nhiều cảnh quay dưới địa đạo hay trên sông Sài Gòn theo yêu cầu của đạo diễn.
Cùng với đó, âm nhạc trong phim được sáng tác phù hợp với bối cảnh chiến tranh, như việc kết hợp những giai điệu dân tộc và âm thanh chiến trận hiện đại để tăng cường cảm xúc cho từng cảnh quay. Nhạc nền duy trì không khí căng thẳng và cảm động, đặc biệt trong những khoảnh khắc hy sinh hoặc gặp gỡ, đoàn tụ. Hay cảnh hát vọng cổ cũng gây ấn tượng cho khán giả.
Vẫn còn nuối tiếc
Dù là một bộ phim đáng xem, song kịch bản vẫn tồn tại một số chỗ đáng tiếc. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không phải là người Nam Bộ, do vậy, trong kịch bản ông viết vẫn có những từ ngữ, câu thoại chưa mang được ngôn ngữ chân thực của đời sống phương Nam.
Một số chi tiết trong phim chưa logic. Ngoài ra, vai trò và tầm quan trọng của nhóm tình báo chiến lược chưa được khai thác sâu, khiến khán giả có thể cảm thấy thiếu kết nối với sự hy sinh quả cảm của đội du kích. Dù các diễn viên chính đã hoàn thành tốt vai trò của mình nhưng một số nhân vật phụ lại chưa có đất diễn đầy đủ. Việc tập trung quá nhiều vào tuyến nhân vật chính cũng làm giảm chiều sâu tổng thể của câu chuyện. Phim có thể chưa khai thác hết các khía cạnh đa chiều của chiến tranh. Tâm lý nhân vật, những nỗi sợ hãi, hy vọng hay xung đột nội tâm trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thiếu thốn, hy sinh chưa được đào sâu.
Một số cảnh quay ngoài trời lại chưa đạt được hiệu quả tương xứng khi lạm dụng khói lửa và tiếng nổ. Những trận chiến trên mặt đất, dù được đầu tư công phu nhưng đôi khi thiếu đi sự hoành tráng và khốc liệt cần thiết để tạo sự tương phản với không gian địa đạo. Một số đoạn nhạc nền thiếu sự nổi bật hoặc chưa đủ sức lay động cảm xúc khán giả.
Tuy vậy, "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" vẫn là một bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng đáng chú ý. Phim thành công trong việc tái hiện chân thực cuộc sống và chiến đấu của các chiến sĩ du kích tại địa đạo Củ Chi, khắc họa rõ nét tinh thần yêu nước và sự hy sinh của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến. Đây là tác phẩm điện ảnh đáng xem và đáng được khen ngợi, không chỉ vì giá trị nghệ thuật mà còn vì ý nghĩa giáo dục lịch sử mà nó mang lại.
TS HÀ THANH VÂN