QĐND - Nhiều người cho rằng, ánh sáng xanh không tốt cho sức khỏe bởi nó có thể khiến bạn mất ngủ. Ánh sáng màu xanh dương thường được phát ra từ những chiếc điện thoại di động hay một số thiết bị điện tử khác. Trước khi ngủ, tiếp xúc với loại ánh sáng này, sẽ mang lại cảm giác bồn chồn, khó ngủ trong suốt cả đêm vì chúng kích thích cơ thể tạo ra Melatonin – một chất hóa học kiểm soát đồng hồ sinh học trong cơ thể.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học Thụy Điển đã chỉ ra một số mặt tích cực. Đó là, loại ánh sáng xanh này nếu được sử dụng đúng thời điểm sẽ giúp não bộ tỉnh táo hơn cả caffeine.
 |
Ánh sáng xanh có nhiều tác dụng trong y học. Ảnh: Corbis
|
Các nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học Mít Xít-đen (Thụy Điển) đã so sánh tác động của caffeine và ánh sáng màu xanh tới não bộ và đều tìm thấy những tác động tích cực. Điều thú vị là người tiếp xúc với ánh sáng màu xanh còn thực hiện các bài kiểm tra về chức năng não tốt hơn người sử dụng caffeine trước đó, trong đó bao gồm cả những bài kiểm tra về chứng đãng trí. Tác giả nghiên cứu cho biết: "Ánh sáng xanh và caffeine đã chứng minh tác dụng riêng biệt đến chức năng tâm thần của não bộ. Vì thế, ánh sáng xanh có tác động tích cực đến khả năng nhận thức và sự tỉnh táo".
Các nghiên cứu cho thấy, ánh sáng màu xanh có thể cải thiện khả năng nhận thức như trí nhớ, sự tỉnh táo và thời gian phản ứng. Mặc dù vô hại với các mô, ánh sáng màu xanh cũng đủ mạnh để kích hoạt hiệu ứng sinh học trong cơ thể và nó đang được sử dụng ngày càng rộng rãi trong các phương pháp điều trị y tế. Các bác sĩ tại bệnh viện của Trường Đại học Hây-đen-buốc, Đức, đã sử dụng ánh sáng xanh để điều trị các bệnh đau nhức. Ánh sáng xanh còn có tác dụng chống hôi miệng. Theo một nghiên cứu, chỉ cần hai phút tiếp xúc với ánh sáng màu xanh cũng giúp làm trắng răng và đủ để tiêu diệt vi khuẩn trong nước bọt-một trong những nhân tố gây ra hơi thở hôi. Ngay cả những người mù cũng có thể nhận được những lợi ích về nhận thức khi tiếp xúc với ánh sáng xanh. Nghiên cứu từ Đại học Môn-trê-an, Ca-na-đa cho thấy, ngay cả khi tầm nhìn bị suy yếu và không còn khả năng nhìn thấy, bộ não vẫn xác định được những thay đổi trong ánh sáng và người khiếm thị có thể biết được ánh sáng khi bật hoặc tắt. Nghiên cứu này có thể có tác động sâu rộng trong việc điều trị những người khiếm thị, cũng như bệnh nhân mắc các chứng rối loạn nhận thức khác, bởi các bác sĩ có thể sử dụng ánh sáng để kích hoạt các phần cụ thể của não.
Trong khi nghiên cứu caffeine cần một giờ để phát huy tác dụng thì những thay đổi chức năng của bộ não có thể xảy ra chỉ cần 50 giây tiếp xúc với ánh sáng xanh.
MAI PHƯƠNG
Theo Dailymail