Tây Âu “oằn mình” dưới nắng nóng
Biến đổi khí hậu đang biến những làn gió trở thành những luồng khí nóng gây ngột ngạt ở phần lớn các nước châu Âu. Mặc dù mùa hè mới bắt đầu nhưng nhiều quốc gia ven Địa Trung Hải, từ bán đảo Iberia qua Pháp, Italy, vùng Balkan cho đến Hy Lạp, đang phải chống chọi với thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua.
Tây Ban Nha hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do nhiệt độ tăng mạnh được ghi nhận trong những ngày gần đây. Theo Cơ quan Khí tượng Nhà nước Tây Ban Nha (Aemet), nhiệt độ cao nhất đã đạt 46°C ở thị trấn El Granado thuộc vùng Andalusia vào cuối tháng 6 vừa qua.
Tại Pháp, theo cơ quan khí tượng Meteo France, nhiệt độ ở nước này đạt đỉnh trong ngày đầu tiên của tháng 7, với một số khu vực đạt 40°C. Thủ đô Paris đã gia hạn tình trạng báo động đỏ do nắng nóng, buộc chính quyền phải đóng cửa đỉnh Tháp Eiffel, cấm các phương tiện gây ô nhiễm và áp dụng hạn chế tốc độ. Đây là lần đầu tiên Paris phát báo động đỏ về nắng nóng trong vòng 5 năm qua.
Ở Bồ Đào Nha, thủ đô Lisbon cũng bị đặt trong tình trạng báo động đỏ sau khi nhiệt độ ban ngày chạm ngưỡng 40°C. 2/3 đất nước được đặt trong tình trạng báo động cam, một số địa phương đang chuẩn bị đối mặt với nhiệt độ lên tới 43°C.
Theo hệ thống cảnh báo thời tiết-sức khỏe của Anh, với cảnh báo màu hổ phách, thời tiết có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ dịch vụ y tế và phần lớn người dân có thể cảm nhận được một số ảnh hưởng bất lợi nhất định từ nắng nóng đối với sức khỏe, nhất là những người trên 65 tuổi hoặc những người có tình trạng bệnh lý nền, bao gồm những người mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch...
Giới chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến các đợt nắng nóng trở nên gay gắt và kéo dài hơn, đặc biệt ở các thành phố nơi mật độ xây dựng dày đặc làm gia tăng sức nóng. Cơ quan biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, hàng triệu người dân châu Âu đang phải đối mặt với mức độ căng thẳng nhiệt cao và nhiệt độ sẽ vẫn “cao hơn nhiều so với mức trung bình” tại phần lớn châu lục trong những ngày tới.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) mới đây, bà Clare Nullis, Người phát ngôn của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) lưu ý, tháng 7 vốn là tháng nóng nhất trong năm tại Bắc bán cầu, nhưng nắng nóng cực đoan xảy ra sớm như mùa hè năm nay là điều đặc biệt dù không phải là chưa từng có. Tây Âu đang “oằn mình” dưới nắng nóng do ảnh hưởng của hệ thống áp suất cao, khiến hơi nóng từ Bắc Phi bị giữ lại ở khu vực này. Một yếu tố quan trọng khác dẫn đến đợt nắng nóng lần này là nhiệt độ mặt nước biển đặc biệt cao ở Địa Trung Hải, tương đương với nắng nóng trên đất liền. Bà Emanuela Piervitali, nhà nghiên cứu tại Viện Bảo vệ và nghiên cứu môi trường Italy (ISPRA) cho biết: “Những đợt nắng nóng ở khu vực Địa Trung Hải đã trở nên thường xuyên hơn và dữ dội hơn trong những năm gần đây”. Bà cảnh báo nhiệt độ khắc nghiệt dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Bên cạnh đó, hiện tượng đảo nhiệt đô thị đang làm trầm trọng thêm tình hình tại các thành phố, do thiếu cây xanh để hấp thụ nhiệt và các bề mặt bê tông phản xạ nhiệt.
Bí quyết làm mát cơ thể
Khi nhiệt kế tăng vọt và ngôi nhà trở thành lò nướng, một kỹ thuật thực địa được quân đội sử dụng cho phép bạn làm mát cơ thể mà không cần bất kỳ thiết bị nào. Biện pháp đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả.
Cơ thể con người có thể quá nóng trong vòng chưa đầy 20 phút. Từ 33 đến 35°C, cơ thể con người bắt đầu tiêu hao năng lượng để duy trì nhiệt độ bên trong khoảng 37°C. Tuy nhiên, theo Cơ quan Y tế công cộng Pháp, nhiệt độ cơ thể trên 39°C đã được coi là tăng thân nhiệt, một tình trạng có thể nhanh chóng dẫn đến nguy cơ đe dọa tính mạng, đặc biệt là ở người già và trẻ em. Một báo cáo từ Viện Giám sát y tế công cộng quốc gia Pháp (INVS) cho biết, trong đợt nắng nóng năm 2003, hơn 15.000 ca tử vong đã được ghi nhận ở Pháp, phần lớn trong số đó là do điều hòa thân nhiệt kém.
Tuy nhiên, có một phương pháp mà quân nhân hoạt động ở các vùng nóng như Sahel, Vùng Vịnh hoặc Guyana thuộc Pháp biết đến: Đó là làm mát điểm xung, còn được gọi là “phương pháp làm mát có mục tiêu”. Bí quyết là nhắm vào các vùng mà máu lưu thông gần với da. Kỹ thuật này bao gồm việc chườm lạnh vào các vùng chiến lược của cơ thể, nơi máu lưu thông rất gần với bề mặt da. Kết quả: Máu được làm mát ở những vùng này sau đó được phân phối lại khắp cơ thể, làm giảm nhiệt độ bên trong hiệu quả hơn so với quạt thông thường.
6 vùng cần tập trung, gồm: Mặt trong của cổ tay, thái dương, gáy, mặt trong của khuỷu tay, mặt trong của đầu gối và bẹn.
Phương pháp: Nhúng khăn hoặc vải sạch vào nước rất lạnh (nếu có thể, hãy thêm đá viên), chườm vào vùng cần điều trị trong khoảng 2-3 phút; lặp lại ở vùng khác cũng như lặp lại mỗi giờ nếu cần.
Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu y học môi trường của quân đội Mỹ công bố cho biết, kỹ thuật này có thể giảm nhiệt độ cơ thể 0,8-1,2°C trong vòng chưa đầy 15 phút ở người lớn bị sốt.
Trong các hướng dẫn đào tạo của quân đội Mỹ và quân đội Pháp, phương pháp này được tham chiếu trong các biện pháp phòng ngừa say nắng. Phương pháp này được dạy cho binh lính triển khai ở những khu vực có nhiều ánh sáng mặt trời và không có máy điều hòa, chẳng hạn như trong các hoạt động ở nước ngoài tại Mali hoặc Iraq.
Trung tâm nghiên cứu thể thao và khí hậu của Pháp cũng khuyến nghị phương pháp này cho các vận động viên trình độ cao để thúc đẩy quá trình phục hồi sau khi tập luyện, đặc biệt là sau các cuộc chạy marathon hoặc 3 môn phối hợp được tổ chức trong thời tiết nóng.
Người dân cũng có thể áp dụng phương pháp làm mát cơ thể tại nhà. Hiệu quả của phương pháp này được quan sát thấy ngay từ lần sử dụng đầu tiên: Khả năng chịu nhiệt được cải thiện, dễ ngủ hơn, giảm đau đầu và giảm cảm giác ngạt thở.
Trong những đợt nắng nóng cực đoan, khi điều hòa không khí trở thành thứ xa xỉ hoặc nguy hiểm (trong trường hợp mất điện hoặc quá tải), những hành động đơn giản này rõ ràng có thể tạo nên điều khác biệt giữa sự khó chịu và sự sống còn.
HOÀNG ĐAN