Sau Cách mạng Tháng Mười, sân khấu nước Nga Xô viết đã phát triển mạnh mẽ, chuyên nghiệp, với nền tảng văn hóa vững chắc, được xây cất từ một hệ thống lý thuyết sân khấu lớn nhất thế giới, mà người Việt dịch là "thế hệ Xtanhixlavxki". Trong khi ở Việt Nam, thập niên 1930, sân khấu hiện đại vẫn trong tình trạng nghiệp dư, tài tử, tự học, tự dựng, tự diễn một cách tự phát. Tuy nhiên, người Pháp cai trị Việt Nam đã để lại ngoài ý muốn một số tiền đề cho sự ra đời một nghề căn cơ nhất để phát triển sân khấu hiện đại. Đó chính là nghề đạo diễn.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc, Nhà nước Việt Nam đã sáng suốt thiết lập chiến lược phát triển sân khấu hiện đại và gửi người đi học nghề sân khấu ở nước ngoài. Và những người Việt đầu tiên được cử đi Trung Quốc, học nghề đạo diễn từ hệ thống lý thuyết của Xtanhixlavxki (Liên Xô) mà người Trung Quốc được học từ nước Nga Xô viết. Ngoài ra, vào những năm cuối thập kỷ 1950, những nghệ sĩ sân khấu Việt đã được học nghề đạo diễn thông qua thực tiễn dàn dựng của các đạo diễn Nga Xô viết ngay tại các nhà hát ở Việt Nam.

Mùa hè 1958, đạo diễn Vaxiliep, chuyên gia sân khấu Liên Xô, sang Việt Nam trực tiếp dàn dựng cho lớp thực nghiệm sân khấu gồm 4 đoàn văn công, một vở kịch Nga Xô viết hoành tráng tên Liubov Iarovaia, gọi tắt là Liuba. Lần đầu tiên, nghệ sĩ Việt được chứng kiến đạo diễn Vaxiliev phân vai kịch cho hàng trăm diễn viên Việt, một công việc khó khăn, phức tạp, không được phép nhầm lẫn. Song, ông đã làm việc đó với con mắt xanh tinh đời. Thực tế công diễn “Liuba” đã cho thấy, Vaxiliev quả có trực giác, tài năng của đạo diễn chuyên nghiệp trong việc chọn vai kịch Nga cho diễn viên Việt.

Vaxiliev đã cho nghệ sĩ Việt Nam hiểu rõ việc phân vai xác đáng của đạo diễn quyết định 80% thành công của vở diễn. Hiển nhiên, vở diễn Liuba” là một minh chứng về sự giao hòa đẹp đẽ, giữa nền sân khấu Xô viết mạnh mẽ, táo bạo, hiện đại, với sân khấu Việt Nam truyền thống nhuốm đậm hương vị của chèo, tuồng cổ.

leftcenterrightdel

Vở chèo "Đời luận anh hùng" do NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn. 

Thành công của “Liuba”, tiếp sau đó là “Câu chuyện Iêrkut”, “Platon Kreset” trên sân khấu Việt Nam là sự hòa hợp kì diệu giữa hai nền văn hóa và hai nền sân khấu; giữa tài năng đạo diễn Liên Xô và sức cảm hiểu mạnh mẽ, năng lực diễn đạt tinh tế những hình tượng lớn của các nghệ sĩ Việt Nam: Trúc Quỳnh vai Liuba, Đào Mộng Long vai Siar, Hoàng Uẩn  vai Svanda, Quang Thái  vai Xergay, Bích Châu vai Valia...

Cử người đi học nghề đạo diễn theo phương pháp sân khấu Nga Xô viết ở Trung Quốc; học nghề đạo diễn ngay trong thực tế dàn dựng của đạo diễn Nga ở Việt Nam và cử người sang Liên Xô, Đông Âu học nghề đạo diễn trong các trường đại học sân khấu tốt nhất. Những dòng chảy này, từ những năm 1950-1960 đã mặc nhiên tạo thành một hợp lưu lớn về nghề đạo diễn, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của sân khấu Việt Nam.

Từ đó, sân khấu Nga Xô viết đã giúp sân khấu Việt Nam hoàn tất một quá trình văn hóa, trong sự hiện đại hóa, trước tiên ở nghề đạo diễn. Tính chuyên nghiệp cao của nghề này đã tạo thành thế hệ đạo diễn đầu tiên, có thể gọi là thế hệ vàng của sân khấu Việt Nam hiện đại. Những đạo diễn thuộc thế hệ vàng chính là những người đầu tiên được cử đi học ở Trung Quốc. Đó là GS, TS, đạo diễn, NSND Đình Quang; đạo diễn, NSND Trần Hoạt; đạo diễn, NSND Ngô Y Linh; đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi. Sau đó là đạo diễn, NSND Dương Ngọc Đức; đạo diễn, NSND Ngọc Phương.

Thế hệ đạo diễn này gồm toàn tên tuổi lớn. Trước khi được cử đi học đạo diễn ở Bắc Kinh, cả 4 người: Đình Quang, Đình Nghi, Trần Hoạt, Ngô Y Linh đều hoạt động tích cực trong sân khấu kháng chiến chống Pháp. Trước đó, họ lại học trường Pháp, nên được trang bị cả vốn “Tây học” lẫn vốn văn hóa dân tộc. Sau đó là thế hệ vàng thứ hai, với những đạo diễn nổi tiếng: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Phạm Thị Thành, NSND Huỳnh Nga, các NSƯT: Tường Trân, Đoàn Bá, Ca Lê Hồng, Bạch Lan, Thành Trí, Tạ Xuyên, Mai Ngọc Căn, Đoàn Anh Thắng, Công Ninh, NSND Lê Hùng, NSND Xuân Huyền…

Thế hệ này, phải chịu một thiệt thòi là không có được vốn văn hóa Pháp dày dặn như thế hệ thứ nhất, song họ có vốn liếng tiếng Nga, văn hóa Nga và Đông Âu, đủ để theo học những trường lớp sân khấu tốt nhất của nước Nga và Đông Âu. Tuy nhiên, vốn liếng đó chưa đủ để nghiên cứu sâu, nên chưa thật giỏi về văn học kịch, vốn cần một sức đọc “thiên kinh vạn quyển”. Không ngẫu nhiên, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi cho rằng, đạo diễn sân khấu giỏi nghề phải là người có sức biện biệt văn học thật lớn, mới “giải mã” được kịch bản theo cách riêng độc đáo của mình. Cái khó đầu tiên của nghề đạo diễn là phải đọc-hiểu cho đến tận “đáy chữ”, “bóng chữ” của kịch bản văn học, thì mới chuyển hóa chữ nghĩa kịch bản thành ngôn ngữ dàn cảnh của đạo diễn sân khấu. Vì thế, Nguyễn Đình Nghi đã định nghĩa: Đạo diễn = người giải thích tác phẩm văn học kịch; đạo diễn = Bội số của tác phẩm; đạo diễn = giấc mơ về tác phẩm.

Thế hệ thứ ba là thế hệ du học ở Nga trong thời kì khó khăn của thập kỷ 1980: Công Ninh, Lê Mạnh Hùng, Đào Hùng, Khánh Vinh, Đức Hải. Họ là thế hệ cuối cùng được đào tạo tại Liên Xô. Thế hệ này kết thúc một kiểu đào tạo theo cơ chế hữu nghị giữa hai nhà nước, sinh viên đạo diễn được nhận học bổng toàn phần.

Tuy nhiên, gián tiếp hoặc trực tiếp, cả ba thế hệ đạo diễn trên đều có gốc nghề liên quan mật thiết đến nền sân khấu Nga Xô viết. Họ mãi biết ơn những người thầy đã đào luyện họ thành nghề và đang hành nghề xuất sắc ở Việt Nam.

PGS, TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI