Những cuộc biểu tình đang tràn lan khắp nước Mỹ có nguyên nhân trực tiếp là George Floyd-một người da màu đã chết do bạo lực quá mức của cảnh sát. Tuy nhiên, một nguyên nhân sâu xa ẩn chứa đằng sau đó là sự bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt là sự bất bình đẳng về thu nhập giữa người da trắng và da màu.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong số 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, Mỹ là quốc gia có tình trạng bất bình đẳng thu nhập trầm trọng nhất. Trên bình diện toàn cầu, Mỹ cũng là một trong những quốc gia có bất bình đẳng thu nhập cao nhất. Vào năm 2018, top 20% người thu nhập cao tại Mỹ chiếm đến 52% tổng thu nhập toàn quốc. Top 5% người thu nhập cao nhất tại Mỹ chiếm tới 23% tổng thu nhập cả nước. Trong khi đó, top 20% người thu nhập thấp nhất tại Mỹ lại chỉ chiếm 3,1% tổng thu nhập cả nước. Gần đây nhất, trong 3 tháng dịch Covid-19 bùng phát tại nước Mỹ, các tỷ phú nơi đây có thêm hơn 500 tỷ USD, trong khi 43 triệu người phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

leftcenterrightdel
Biểu tình đang lan rộng khắp nước Mỹ. Ảnh: Reuters

Những con số trên càng làm nổi bật sự chênh lệch giàu nghèo vốn đang châm ngòi cho bất ổn xã hội tại Mỹ. Hơn thế, khi so sánh với những số liệu trong quá khứ, sự bất bình đẳng thu nhập đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Vào năm 1968, top 20% người thu nhập nhiều nhất Mỹ chỉ chiếm 43% tổng thu nhập toàn quốc. Năm 1989, top 5% người giàu nhất Mỹ nhiều tài sản gấp 114 lần so với giới trung lưu. Bình quân giới nhà giàu vào thời gian này có khoảng 2,3 triệu USD tài sản trong khi giới trung lưu chỉ có khoảng 20.300USD. Vào năm 2016, tỷ lệ này lên đến 248 lần. Sau mỗi cuộc khủng hoảng, tài sản giới thượng lưu tăng lên còn người nghèo lại càng nghèo hơn. Trong những năm  2007-2016, sau khi khủng hoảng tài chính 2008 bùng phát, tài sản của top 20% người giàu nhất Mỹ tăng 13% lên bình quân 1,2 triệu USD/người. Tài sản của top 5% tăng 4% lên bình quân 4,8 triệu USD/người. Trái lại, tài sản của giới trung lưu giảm ít nhất 20%. Chỉ số Gini, vốn được dùng để đo lường bất bình đẳng thu nhập năm 2019 tại Mỹ ở mức 0,483 điểm, cao hơn rất nhiều so với 0,386 điểm năm 1968 (chỉ số này cao nhất là 1 điểm). Trong khi đó, chỉ số Gini tại các nước G7 chỉ dao động quanh mức 0,326 (Pháp) cho đến 0,392 (Anh).

Ở góc độ khác, về sự bất bình đẳng thu nhập giữa các màu da, một khảo sát của Viện Nghiên cứu Pew của Mỹ cho thấy, chênh lệch thu nhập bình quân hộ gia đình phân loại theo màu da tại Mỹ đã tăng từ 23.800USD/năm vào năm 1970 lên 33.000USD/năm vào năm 2018. Trong đó, trung bình một gia đình người da trắng có thu nhập 84.600USD/năm, một gia đình người da màu thu nhập 51.600USD/năm.

Nguyên nhân của sự chênh lệch về thu nhập tại Mỹ có rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã thống nhất rằng, sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa cũng như bất ổn về hệ thống giáo dục, chi phí y tế… đã đẩy rất nhiều người Mỹ vào cảnh đã nghèo lại càng nghèo. Người lao động Mỹ ngày nay bị bắt làm nhiều việc cùng lúc hơn. Trước năm 2007, mức lương tối thiểu tại Mỹ theo luật định là 5,15USD/giờ. Đến năm 2010, con số này tăng được lên 7,25USD/giờ và giữ nguyên cho đến ngày nay. Mức thu nhập này khiến tầng lớp bình dân Mỹ không thể thanh toán cho nhiều dịch vụ thiết yếu, đơn cử như y tế. Sự độc quyền của nhiều hãng dược và bệnh viện khiến chi phí khám, chữa bệnh quá cao, qua đó buộc nhiều bệnh nhân nghèo tại Mỹ phải nằm chờ chết. Ngoài ra, sự bất cập trong giáo dục cũng khiến bất bình đẳng xã hội tăng lên. Một người Mỹ có bằng đại học kiếm nhiều hơn 84% so với những người chỉ có bằng cấp 3. Trong khi đó, chi phí giáo dục ngày một tăng và giờ đây nhiều sinh viên Mỹ ra trường làm việc chỉ để trả nợ đại học.

Tất cả những xung đột trên khiến một bộ phận rất lớn người nghèo Mỹ bất bình và dễ dàng bùng nổ thành những cuộc biểu tình với bất kỳ lý do nào, cho dù đó là phân biệt chủng tộc, màu da hay những nguyên nhân khác...

NGUYỄN PHONG ANH