QĐND - Đến hiện tại, Uy-li-am Giêm Si-dít (William James Sidis) vẫn là người có chỉ số IQ cao nhất thế giới- 300. Tuy nhiên, cuộc đời ông lại là một chuỗi dài những bi kịch.

Tuổi thơ của một thiên tài

Ngày 1-4-1898, Uy-li-am Giêm Si-dít ra đời tại Niu Y-oóc (New York), Mỹ. Đó là một “sản phẩm” của một “bộ đôi” hoàn hảo người Nga, gốc Do Thái, di cư sang Mỹ. Cha Uy-li-am, ông Bô-rít (Boris) là một nhà tâm lý học nổi tiếng từ rất sớm nhờ những thành tựu trong thôi miên và các nghiên cứu về bệnh rối loạn tâm thần. Lúc Uy-li-am được sinh ra, ông Bô-rít đang giảng dạy tại Trường Đại học Harvard. Mẹ Uy-li-am, bà Sa-ra (Sarah), là người phụ nữ đầu tiên trong thời đại của mình có được bằng bác sĩ. Mang sẵn trong mình gien thông minh của cả cha lẫn mẹ, một tương lai xán lạn mở ra với cuộc đời Uy-li-am. Tuy nhiên, ước vọng của cha mẹ Uy-li-am “bay” rất xa. Họ muốn đứa con trai duy nhất của mình sẽ trở thành một thiên tài của mọi thời đại. Vì thế, bà Sa-ra quyết định bỏ sự nghiệp bác sĩ chỉ để ở nhà dạy con.

Uy-li-am Giêm Si-dít - cậu bé thiên tài.

Sinh ra bởi một bà mẹ tài năng và quyết tâm đào tạo con thành thiên tài, Uy-li-am bắt đầu việc học từ khi… lọt lòng. Cậu được dạy để nhận biết và phát âm những chữ cái trong bảng chữ cái chỉ trong vài tháng đầu đời. 6 tháng tuổi, Uy-li-am đã đánh vần được “door” (cửa). 8 tháng tuổi, cậu đã đủ khéo léo để tự dùng muỗng ăn. Tự hào về con trai, cha mẹ Uy-li-am càng tập trung đào tạo cậu. Họ dùng hết những đồng tiền kiếm được để mua sách vở, đồ dùng học tập cho Uy-li-am. Kết quả, lên 2 tuổi, Uy-li-am đã đọc tờ New York Times và tự viết được một bức thư từ chiếc máy đánh chữ bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Cũng năm này, cậu bắt tay vào việc học chữ La-tinh (Latin). Năm 3 tuổi, Uy-li-am đã nói thành thạo tiếng Hy Lạp. Lên 5 tuổi, khi nhìn thấy tiêu bản một bộ xương trong nhà, cậu đặc biệt hứng thú với cấu tạo cơ thể người và bắt đầu bước vào môn Sinh lý học. Chỉ một thời gian rất ngắn sau, Uy-li-am đã đạt được trình độ học vấn tương đương với người có chứng chỉ hành nghề y thuật. Cậu viết 4 cuốn sách về giải phẫu và thiên văn học, thành thạo 7 ngoại ngữ: Hy Lạp, Pháp, Nga, Đức, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Ác-mê-ni (Armeni) và cả Vendergood (ngôn ngữ do chính Uy-li-am sáng tạo ra) khi chưa tròn 8 tuổi. Năm 9 tuổi, Uy-li-am tham gia phát biểu tại một hội nghị nghiên cứu không gian ở Trường Đại học Harvard.

Khi thiên tài đi học

Là một người cực kỳ thông minh nên “công cuộc” đến trường của Uy-li-am cũng đầy kỳ tích. Lên 6 tuổi, như bao đứa trẻ khác, cậu đến trường tiểu học. Ngày nhập học, Uy-li-am vào lớp 1 lúc 9 giờ. 12 giờ khi mẹ đến đón, cậu đã học xong lớp 3. Cũng trong năm đầu tiên đến trường đó, Uy-li-am đã học xong tiểu học. Lên 7 tuổi, Uy-li-am muốn học tiếp trung học nhưng vì tuổi còn nhỏ nên bị từ chối và phải học ở nhà, chủ yếu là học môn Toán. Một năm sau, cậu vào học trung học. Dù mới 8 tuổi nhưng môn nào Uy-li-am cũng xuất sắc, đặc biệt là Toán học. Thậm chí, cậu còn có thể giúp thầy sửa bài cho những học sinh khác. Thời gian đó, Uy-li-am đã viết sách thiên văn học, ngữ pháp tiếng Anh, tiếng La-tinh. Tên tuổi cậu bay khắp nước Mỹ. Vì thế, nhiều người đã đến tìm cậu để kiểm chứng. Một giảng viên đại học ở bang Ma-sa-chu-xét (Massachusetts) đưa cho Uy-li-am một câu hỏi khó trong đề thi tiến sĩ của mình. Trong nháy mắt, cậu đã hoàn thành.

9 tuổi, Uy-li-am hoàn thành toàn bộ chương trình phổ thông. Cậu nộp đơn vào trường Harvard và được chấp nhận, nhưng nhà trường chưa cho phép Uy-li-am nhập học với lý do vóc dáng cơ thể của cậu "chưa phù hợp". Ngay lập tức, Trường Đại học Túp-phơ (Tufts) đã nhận Uy-li-am. Tại đây, trong hai năm, nơi cậu dành phần lớn thời gian để sửa lỗi trong các cuốn sách về Toán học, nghiên cứu các học thuyết của Anh-xtanh (Einstein) để tìm ra những lỗi có thể có. Cũng trong khoảng thời gian này, Uy-li-am phát hiện ra mình có khả năng tính ra tất cả các ngày trong tuần của bất cứ hôm nào trong quá khứ hoặc tương lai và cậu đã viết được 4 cuốn sách.

Uy-li-am Giêm Si-dít - bi kịch của một thiên tài. Ảnh: presscave

11 tuổi, Uy-li-am trở thành sinh viên trẻ nhất trong lịch sử Trường Đại học Harvard. Vào một buổi chiều lạnh giá tháng 1-1910, trước hàng trăm giáo sư và sinh viên Toán học cao cấp tại giảng đường ngôi trường danh giá hạng nhất thế giới, Uy-li-am có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng. Cậu nói nhỏ nhẹ, có phần e thẹn và bối rối khi thi thoảng nghe thấy tiếng cười từ phía dưới khán phòng. Tuy nhiên bài thuyết trình về không gian 4 chiều-một mệnh đề rất khó của Toán học của cậu khiến tất cả phải bàng hoàng.

Tốt nghiệp Trường Đại học Harvard năm 16 tuổi, Uy-li-am trở thành giáo sư toán tại Trường Đại học Rice. Do bị sinh viên chê là "giáo sư trẻ con", Uy-li-am từ bỏ sự nghiệp dạy học và quay lại trường Harvard để học luật chỉ sau 8 tháng. Tuy nhiên, ông bỏ dở giữa chừng vì nhận ra luật không phải là thứ dành cho mình.

Bi kịch

Theo ước tính của các nhà khoa học, chỉ số IQ của Uy-li-am lên tới 300, trong khi chỉ số của người bình thường là 100, còn ngưỡng thiên tài là khoảng 140. Tuy nhiên, cuộc đời “thiên tài của mọi thiên tài” lại là chuỗi dài những bi kịch.

Bi kịch đầu tiên của Uy-li-am đến từ chính… cha mẹ ông. Một vài giả thiết cho rằng, cha mẹ ông đã thúc ép Uy-li-am một cách quá khắc nghiệt khi còn quá nhỏ. Hơn thế, vì quá lo sợ con trai mình sẽ lầm đường lạc lối, cha mẹ ông liên tục kiểm soát, cấm đoán ông giao lưu kết bạn với những người lạ. Tất cả những điều ấy khiến Uy-li-am không có được cuộc sống của một người bình thường. Đó cũng là nguyên nhân khiến Uy-li-am theo đuổi học thuyết "bộ lạc Okamakammesset". Theo học thuyết này, giá trị của một người không thể đo lường bằng những đóng góp hữu hình cho xã hội. Điều này có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến bi kịch cuộc đời Uy-li-am.

Năm 1919, Uy-li-am bị bắt khi tham gia cuộc diễu hành chống chiến tranh tại Bô-xtơn (Boston). Giữa chốn lao tù, ông đã gặp tình yêu đầu tiên và duy nhất của đời mình - Ma-tha Pho-li (Martha Foley) - một nhà hoạt động xã hội người Ai-len (Ireland). Tuy nhiên, mối tình này chẳng đi đến đâu do Uy-li-am quan niệm rằng, tình yêu, nghệ thuật, tình dục là đại diện cho một cuộc sống không hoàn hảo.

Nhờ uy tín của cha mẹ, Uy-li-am thoát khỏi án tù. Tuy nhiên, thêm một lần ông trở lại “nhà tù” tuổi thơ. Cha mẹ ép ông phải đến ở ngôi nhà nghỉ mùa hè của gia đình tại Ca-li-pho-ni-a (California) trong vòng một năm. Bất mãn và chán nản, Uy-li-am di chuyển từ thành phố này đến thành phố khác, làm hết công việc này đến công việc khác. Ông cũng thường xuyên đổi tên nhằm tránh sự nhòm ngó của công chúng cũng như cha mẹ mình. Cuộc sống ẩn dật hoàn toàn phù hợp với tính cách của Uy-li-am. Đến năm 1924, ông gần như không còn liên lạc gì với cha mẹ và những người thực sự quan tâm đến ông.

Một ngày mùa hè tháng 7-1944, bà chủ nhà trọ của Uy-li-am tìm thấy ông đã chết trong căn hộ nhỏ tại Bô-xtơn. Uy-li-am bị đột quỵ. “Tài sản” duy nhất còn lại của người có chỉ số IQ cao nhất lịch sử chỉ là một chiếc ví nhỏ. Trong đó, người ta tìm thấy một bức ảnh của Ma-tha Pho-li và một vài xu lẻ. Dù Ma-tha đã kết hôn từ lâu nhưng Uy-li-am vẫn yêu cô trong tâm tưởng.

NGUYỄN HOÀI THƯƠNG