Trên hai trang điểm phim hàng đầu thế giới-Metacritic và Rotten Tomatoes-“Dunkirk” đạt 97 và 98 điểm. Nhà phê bình điện ảnh Tót Mác Ca-thi (Todd McCarthy) của tờ Hollywood Reporter đánh giá: "Đây là một kiệt tác theo trường phái ấn tượng. Tác phẩm không chỉ có những cảnh hoành tráng mà còn truyền tải trọn vẹn tinh thần cuộc chiến qua khoảnh khắc của các cá nhân".
Xếp Nô-lan “cùng mâm” với những đạo diễn phim chiến tranh gạo cội nhất Hollywood, nhà phê bình Pi-tơ Đê-brúc (Peter Debruge) viết trên tờ Variety: "Xtê-ven Xpin-bớc (Steven Spielberg) đã khẳng định dấu ấn khi làm phim về cuộc đổ bộ vào Noóc-măng-đi (Normandy). Clin Ét-uốt (Clint Eastwood) đã tái hiện thành công trận I-gu Gi-ma (Iwo Jima). Còn đạo diễn Nô-lan đã định nghĩa sự kiện Đăn-cớt trên màn bạc".
Chiến tranh Thế giới lần thứ hai cũng là một đề tài yêu thích của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS). Vì thế, với sự ủng hộ của giới phê bình, “Dunkirk” đang chiếm ưu thế rất lớn trong cuộc đua tới Giải thưởng Oscar cuối năm nay trong hạng mục “Đạo diễn xuất sắc nhất”.
Cảnh trong phim “Dunkirk”. Ảnh: The Independent
Theo các tài liệu lịch sử, trận Đăn-cớt năm 1940 là một trong những thảm họa quân sự lớn nhất trong lịch sử. Hơn 300.000 quân Anh phải bỏ lại hầu hết vũ khí và trang bị để lên xuồng cứu hộ sơ tán khỏi châu Âu. Tuy nhiên, Anh vẫn coi đây là một thành công khi bảo toàn được lực lượng để tiếp tục chiến đấu, nhờ quyết định sai lầm của A-đôn-phơ Hít-le (Adolf Hitler).
Mùa xuân năm 1940, hơn 400.000 lính Anh và Pháp phải sơ tán qua một cảng biển thuộc khu vực bờ biển Đăn-cớt, Pháp. Trong khi đó, các sư đoàn thiết giáp thiện chiến của Đức có thể dễ dàng tấn công, biến bờ biển này thành chiếc lồng nhốt tù binh khổng lồ. Nhưng Hít-le và Bộ tư lệnh tối cao Đức đúng lúc đó quyết định dừng tiến công. Không ai biết vì sao Hít-le lại ra mệnh lệnh này. Trong lúc xe tăng Đức chững lại, Anh nhanh chóng huy động hải quân đưa mọi phương tiện có thể, bao gồm cả thuyền buồm, tàu cá, xuồng cứu hộ, thuyền chèo tay để sơ tán lính tại Đăn-cớt. Dưới hỏa lực pháo binh và không quân Đức, đội tàu Anh đã sơ tán tổng cộng 338.226 binh sĩ. Cuộc sơ tán không hoàn toàn trọn vẹn khi có khoảng 40.000 lính Đồng minh bị Đức bắt giữ. Mọi trang bị như xe tăng, xe tải và vũ khí bộ binh đều bị bỏ lại. Dù vậy, Anh vẫn coi trận Đăn-cớt là một thành công. Chiến dịch sơ tán quân đội giúp họ bảo tồn lực lượng để tiếp tục tham chiến.
Trong Chiến dịch Đăn-cớt, vai trò của quân đội Pháp thể hiện rõ nét nhất ở việc tổ chức phòng thủ để lực lượng Đồng minh rút lui. Cùng đó, trong số quân di tản còn có tới 120.000 lính Pháp. Tuy nhiên, bộ phim “Dunkirk” chỉ tập trung khai thác hình ảnh binh lính Anh. Quân Đồng minh, đặc biệt là quân Pháp hết sức mờ nhạt. Vì thế, không có gì lạ khi nhiều tờ báo và các nhà sử học Pháp đã lên tiếng. Tờ Le Monde chỉ trích đạo diễn Nô-lan đã có “thái độ thiếu lịch sự” với vai trò của quân đội Pháp trong sự kiện quân sự quan trọng này. Nhà báo Giắc Man-đen-bôn (Jacques Mandelbaum) viết: “120.000 binh lính Pháp cũng được giải cứu từ Đăn-cớt ở đâu trong phim? Cả 40.000 người khác đã hy sinh tính mạng để bảo vệ cuộc di tản ở đâu trong phim?”. Nhiều nhà phê bình Pháp chỉ trích bộ phim “Dunkirk” là “vô ơn một cách tàn nhẫn” vì lờ đi sự hy sinh của binh lính nước này trong việc sơ tán và giải cứu hơn 300.000 binh lính. Theo giới truyền thông và các nhà nghiên cứu lịch sử Pháp, “đạo diễn có quyền tập trung thể hiện quan điểm của mình, nhưng không thể phủ nhận tính xác thực mà quan điểm ấy đại diện”…
NGỌC ANH