Theo một phân tích mới của các nhà kinh tế học với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bằng cách cô lập khí carbon dioxit (CO2) trong đại dương, cá voi có thể giúp nhân loại chống lại biến đổi khí hậu. Với khả năng đặc biệt này, mỗi con cá voi có thể mang lại lợi ích trị giá hàng triệu đô-la.

Bảo vệ những động vật lớn, có sức hút lớn như cá voi được coi là công việc từ thiện mà các cá nhân, tổ chức thường thực hiện. Một nhóm các nhà kinh tế do Ralph Chami, trợ lý Giám đốc của Viện Phát triển năng lực IMF dẫn đầu muốn thay đổi cách chúng ta nghĩ về cá voi bằng cách xác định lợi ích mà chúng mang lại cho chúng ta bằng đô-la. Phân tích mới của họ được nêu chi tiết trong một bài báo gần đây trên ấn phẩm thương mại Finance & Development (Tài chính & Phát triển), là một nỗ lực đầu tiên nhằm thực hiện mong muốn trên.

leftcenterrightdel
Một con cá voi lưng gù trẻ. Nó có giá trị hàng triệu đô-la trong suốt cuộc đời chỉ ở khả năng thu giữ CO2 và chìm xuống đáy đại dương sau khi chết. Ảnh: National Geographic

Một bể tự nhiên chứa CO2

Theo đó, những con cá voi lớn, bao gồm cá voi tấm sừng và cá nhà táng, giúp cô lập CO2 theo một số cách. Chúng tích trữ CO2 trong cơ thể giàu chất béo và protein của mình, như những cây khổng lồ biết bơi, dự trữ hàng tấn CO2. Khi một con cá voi chết và xác của nó chìm xuống đáy biển, lượng CO2 lưu trữ trong cơ thể cá voi được loại ra khỏi chu kỳ khí quyển trong hàng trăm đến hàng nghìn năm. Đó thực sự là một bể chứa carbon dioxit theo nghĩa đen.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2010 ước tính các loại cá voi tấm sừng, bao gồm cá voi xanh, lưng gù và cá mỏ, đã cùng nhau đưa gần 30.000 tấn CO2 xuống biển sâu mỗi năm khi xác của chúng chìm xuống. Nếu quần thể cá voi lớn có thể được phát triển để có số cá voi bằng với thời kỳ chưa diễn ra nạn săn bắt cá voi, các tác giả của nghiên cứu trên ước tính bể CO2 này sẽ tăng thêm 160.000 tấn mỗi năm.

Khi còn sống, cá voi có thể còn làm được nhiều hơn ngoài việc hấp thụ CO2 nhờ vào lượng phân khổng lồ của chúng. Những con cá voi lớn ăn các sinh vật biển nhỏ như sinh vật phù du và nhuyễn thể ở độ sâu của đại dương trước khi nổi lên để thở và đi vệ sinh. Các hoạt động sau đó của chúng giải phóng các chất dinh dưỡng khổng lồ, bao gồm nitơ, phốt pho và sắt vào trong nước. Một chất có tên gọi poo-nami kích thích sự phát triển của thực vật phù du, chẳng hạn như tảo biển, loài thực vật lấy CO2 ra khỏi không khí thông qua quá trình quang hợp.

Khi thực vật phù du chết, phần lớn lượng CO2 của chúng nổi lên bề mặt đại dương. Một nghiên cứu khác từ năm 2010 cho thấy, 12.000 con cá nhà táng ở Nam Đại Dương (đại dương mới nhất được đặt tên) đã hút 200.000 tấn CO2 khỏi khí quyển mỗi năm bằng cách kích thích sự phát triển của thực vật phù du và sau đó khiến chúng chết thông qua việc phóng uế giàu chất sắt.

Theo Joe Roman, một nhà sinh vật học bảo tồn tại Đại học Vermont, Mỹ, hiện chưa biết cụ thể lượng phân cá voi có thể làm tăng thêm bao nhiêu sinh vật phù du trên quy mô toàn cầu, mặc dù ông đã nghiên cứu hiện tượng này trong nhiều năm. Khi chúng chết, trung bình mỗi xác cá voi có thể hấp thụ 33 tấn CO2. Sau đó trải qua thời gian, xác cá voi sẽ phân hủy, chuyển hóa thành các nguyên liệu hóa thạch có thể khai thác, chế biến thành dầu mỏ và các nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp hiện đại.

Một tư duy mới

Ngày nay có khoảng 1,3 triệu con cá voi lớn trong các đại dương. Nếu chúng ta có thể phát triển số lượng cá voi bằng với con số trước thời kỳ đánh bắt thương mại, ước tính khoảng 4 đến 5 triệu con thì theo tính toán của các nhà khoa học, lượng cá voi khổng lồ có thể hấp thu khoảng 1,7 tỷ tấn CO2 mỗi năm. Tuy nhiên, con số đó chỉ chiếm số nhỏ trong số 40 tỷ tấn CO2 mà nhân loại thải ra không khí mỗi năm. Và ngay cả với những nỗ lực bảo tồn toàn cầu, sẽ phải mất hàng thập kỷ để số cá voi có thể đạt bằng con số trước khi có nạn săn bắt cá voi. Qua đây chúng ta cũng có thể mường tượng nhân loại đã phá hủy các đại dương như thế nào.

Giải pháp có những lợi ích kinh tế này nên được áp dụng rộng rãi đối với động vật trên đất liền. Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây trên Tạp chí Nature Geoscience đã ước tính rằng loài voi rừng trong lưu vực Congo giúp những rừng nhiệt đới, vốn là nơi sinh sống của chúng hấp thu được hàng tỷ tấn CO2. Fabio Berzaghi, một nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Khoa học Khí hậu và Môi trường ở Pháp và là tác giả chính của nghiên cứu này cho biết, một yếu tố cực kỳ quan trọng về các loài động vật lớn: Những hoạt động hằng ngày của chúng liên quan đến hệ sinh thái “có lợi cho mọi người”.

“Tôi nghĩ đó là một bước khởi đầu thuận lợi khi chúng ta biết rằng những động vật trên cũng cung cấp các dịch vụ và những dịch vụ này có giá trị về mặt nào đó. Có thể là trị giá rất nhiều tiền”-Berzaghi cho biết.

PHƯỢNG NGUYỄN