Căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran đã kéo dài hơn 40 năm, và cũng không có gì là bí mật, chỉ có điều hầu hết người dân Mỹ không biết rằng họ đang có căng thẳng với Iran. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày 3-1 đánh gục tướng Soleimani vừa qua là giọt nước làm tràn ly trong một cuộc xung đột đã giết chết nhiều thế hệ.
Sự phẫn nộ của Iran với Mỹ bắt nguồn từ năm 1953, khi CIA đã tổ chức một cuộc đảo chính ở Iran để hạ bệ một vị thủ tướng nổi tiếng, củng cố quyền lực của Shah (quốc vương) Pahlavi. Chính cuộc đảo chính của Mỹ đã dẫn đến cuộc cách mạng năm 1979 của Iran, nhằm đưa một thủ lĩnh Hồi giáo nhiều tuổi lên ngai vàng. Những giáo sĩ Hồi giáo vẫn còn nắm quyền cho đến ngày nay, họ là những giáo sĩ mà tướng Soleimani mới bị giết đã từng phục vụ.
Khi người Iran nổi dậy chống lại Shah, họ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, bắt hàng chục nhà ngoại giao Mỹ và con tin thủy quân lục chiến Mỹ, đưa họ lên truyền hình giống như cảnh trong bộ phim Hollywood năm 2012 mang tên Argo (tạm dịch: Chiến dịch sinh tử). Đó mới chính là thời điểm căng thẳng bắt đầu chứ không phải với cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vừa qua.
Đến năm 1983, Iran đã thổi bay một doanh trại lính thủy tại Đại sứ quán Mỹ ở Beirut (Lebanon), giết chết hàng chục người. Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan đã bỏ rơi Lebanon, và dường như Iran đã đuổi được Mỹ ra khỏi khu vực. Cùng năm đó, một người đàn ông Iraq tên Abu Mahdi al-Muhandis bị Mỹ cáo buộc đã ném bom Đại sứ quán nước này ở Kuwait, đồng thời cáo buộc với sự giúp đỡ của Iran, Abu Mahdi al-Muhandis đã trốn thoát thành công. Mặc dù vậy, người đàn ông này đã bị kết án tử hình vắng mặt ở Kuwait vì vụ đánh bom. Ông ta được cho là tiếp tục không tặc các máy bay chở khách. Các cơ quan tình báo phương Tây cũng cáo buộc người này có liên quan đến vụ cướp máy bay Kuwait năm 1984 và vụ ám sát một hoàng tử Kuwait.
    |
 |
Tổng thống Mỹ Donald Trump, và Tướng Qassem Soleimani. |
Trở lại sự kiện ngày 3-1, ai là người trong cùng đoàn xe với tướng Soleimani vào thời điểm đoàn xe bị máy bay không người lái của Mỹ tấn công? Đó chính là al-Muhandis, người bị Mỹ cáo buộc đã đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Kuwait vào năm 1983. Al-Muhandis, còn được gọi là Jamal Jafaar Mohammed, người hai lần được bầu vào Quốc hội Iraq mà Hoa Kỳ dựng lên sau sự sụp đổ của nhà cầm quyền Saddam Hussein. Al-Muhandis là người quan trọng số một của Soleimani ở Iraq.
Tờ CNN đưa tin, chính tờ này đã tiết lộ danh tính của al-Muhandis. Tuy nhiên, ban đầu Chính phủ Hoa Kỳ không tin vào CNN. Nhưng khi Chính phủ Hoa Kỳ kiểm tra và xác nhận kẻ đánh bom đại sứ quán của họ thì tại quốc hội, al-Muhandis đã trốn khỏi Baghdad để vượt biên sang Iran.
Và đến ngày 3-1, Al-Muhandis có mặt tại sân bay Baghdad, Iraq để chào đón Soleimani. Máy bay của Soleimani vừa hạ cánh, ông cùng với al-Muhandis trong đoàn xe rời sân bay. Vào lúc này, máy bay không người lái của Mỹ tấn công, giết chết cả hai.
Soleimani là ai?
Soleimani trước hết là một người của quân đội. Ông đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh kinh hoàng Iran-Iraq vào thập niên 1980, phiên bản hiện đại của Chiến tranh thế giới thứ nhất, một cuộc chiến bao gồm các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, các cuộc tấn công tự sát của con người mà chúng ta hy vọng không bao giờ gặp lại trên thế giới.
Soleimani đã thăng cấp trong hàng ngũ của quân đội cho đến khi ông lên đến vị trí lãnh đạo của một lực lượng quân đội đặc biệt tinh nhuệ trong khu vực, thậm chí là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất thế giới-Lực lượng Quds, hay Lực lượng Jerusalem. Iran có hai lực lượng quân đội. Một lực lượng là để bảo vệ đất nước. Lực lượng còn lại là Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), để bảo vệ cuộc cách mạng tôn giáo của đất nước.
Trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, Quds là tinh hoa của tinh hoa. Các thành viên của lực lượng này có thể nói nhiều thứ tiếng trên thế giới. Họ là gián điệp, binh lính và chuyên gia kỹ thuật. Theo thuật ngữ phương Tây, Quds là sự kết hợp của Green Berets (đơn vị tác chiến đặc biệt tinh nhuệ của Lục quân Mỹ), biệt kích SAS (lực lượng tinh nhuệ và nổi tiếng nhất của Anh) và các nhà điều hành Delta Force (đơn vị chống khủng bố
bậc 1 Hoa Kỳ). Và Soleimani là chỉ huy của họ trong hơn 20 năm. Trên cương vị này, ông đã làm tốt hơn tất cả.
Tướng Soleimani là một trong những nhân vật quyền lực hàng đầu của Iran với tầm ảnh hưởng lớn tại Trung Đông. Ông phụ trách các chiến dịch tình báo và quân sự tối mật của Iran, đồng thời được đánh giá là một nhà lãnh đạo tương lai tiềm năng của quốc gia Hồi giáo. Trên cương vị là chỉ huy chi nhánh quân sự hoạt động ở nước ngoài của IRGC, vị tướng này là nhân vật giúp Cộng hòa Hồi giáo mở rộng tầm ảnh hưởng tại Trung Đông-nơi mà các đối thủ của Iran như Mỹ, Israel hay Saudi Arabia đang cạnh tranh để có được vị thế quan trọng.
Washington hiểu giá trị của vị tướng này, đó là lý do tại sao Tổng thống Donald Trump ra lệnh tấn công bằng máy bay không người lái.
Sự leo thang căng thẳng
Căng thẳng leo thang khi Hoa Kỳ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và 6 quốc gia (gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) ngày 8-5-2019, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử với Iran, khiến nước này mất khoảng 40% thu nhập quốc dân. Phản ứng trước sự kiện này, Iran đặt mìn limpet trên tàu chở dầu, bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, tấn công các cơ sở dầu mỏ quan trọng của Saudi Arabia và các căn cứ của Iraq, nơi quân đội Mỹ đóng quân. Tất cả được thực hiện để tránh trách nhiệm trực tiếp, và hầu như không có tổn thất sinh mạng cho đến khi một nhà thầu Mỹ và một số nhân viên an ninh Iraq bị giết trong một cuộc đột kích gần đây. Iran cũng đã bắt đầu một quá trình thoát khỏi các cam kết của thỏa thuận hạt nhân. Sự leo thang này là hoàn toàn không cần thiết. Nó được kích hoạt từ quyết định của Hoa Kỳ khi nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Cuộc không kích của Mỹ được đánh giá là một bước ngoặt tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ với an ninh của nước Mỹ mà còn với sự ổn định của khu vực chảo lửa Trung Đông. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đã ra lệnh ám sát tướng hàng đầu của Iran, Qasem Soleimani “để ngăn chặn một cuộc chiến”. Nhưng điều đó không đơn thuần là vậy.
Thay vì ngăn chặn một cuộc chiến, Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên sự tức giận của Tehran và đánh cược bằng hành động táo bạo nhất của Mỹ trong một cuộc xung đột đã diễn ra trong nhiều năm. Chưa có tổng thống Mỹ nào từng gây hấn với Tehran theo cách này.
Trong bối cảnh Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử Tổng thống, nhiều ý kiến cho rằng hành động quyết đoán của nhà lãnh đạo Donald Trump chính là sự khẳng định đối với lời hứa “Giữ nước Mỹ vĩ đại” mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử lần này. Bởi rõ ràng, hành động tiêu diệt nhân vật quyền lực nhất nhì của Iran đã góp phần chứng minh cho các đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông thấy rằng tầm ảnh hưởng của Washington tại khu vực vẫn hết sức to lớn. Thêm vào đó, lý do bảo vệ người dân Mỹ trước các mối nguy hiểm cũng là một con bài hoàn hảo giúp ông Donald Trump thu hút được đông đảo cử tri còn đang do dự.
Song, canh bạc mạo hiểm này ngược lại cũng đem đến không ít mối nguy hại đối với an ninh của chính nước Mỹ. Phải biết rằng, với Iran, tướng Soleimani không đơn giản chỉ là một vị tư lệnh chiến trường mà hơn thế, ông còn là một biểu tượng, đại diện cho niềm tự hào dân tộc và khả năng chống cự của Iran trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Bởi vậy, hành động sát hại ông Soleimani chẳng khác nào một lời tuyên chiến dành cho Tehran. Một hành động đáp trả mạnh mẽ từ quốc gia Hồi giáo sẽ là viễn cảnh không tránh khỏi đối với tương lai nước Mỹ.
Biến động khó lường
Không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu từ vụ việc trên. Kinh tế toàn cầu đáng ra phải chạm đáy đầu năm 2020 để tăng trưởng trở lại, nhưng xung đột Mỹ-Iran sẽ khiến đà phục hồi này đóng băng. Tác động quan trọng nhất có thể thấy là giá dầu tăng vọt. Giá dầu thô Brent tăng 4% ngay sau khi có thông tin về vụ không kích. Một cách trả đũa khả thi khác của Iran là đóng cửa eo biển Hormuz, cửa ngõ quan trọng với hơn 20% lượng dầu mỏ được tiêu thụ trên toàn cầu. Đây cũng là khu vực được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) gọi là “nút cổ chai quan trọng nhất thế giới”. Theo Reuters, “bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào giữa Mỹ và Iran tại khu vực này cũng khiến dòng chảy dầu qua eo biển Hormuz bị gián đoạn, tác động tiêu cực tới ngành năng lượng và kinh tế toàn cầu”.
Nếu kịch bản này xảy ra, Jason Tuvey, kinh tế trưởng các thị trường mới nổi tại Capital Economics dự báo giá dầu Brent có thể lên 150USD/thùng, khiến lạm phát tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tăng thêm 3,5-4%. Ian Shepherdson, kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics cho rằng giá dầu tăng “không khác nào tăng thuế lên người tiêu thụ dầu mỏ và là cú giáng vào các nhà sản xuất”.
Bên cạnh những ảnh hưởng kinh tế, sự bất ổn đang diễn ra ở khu vực “chảo lửa” sẽ khiến những nguy cơ cũng gia tăng theo cấp số nhân, từ khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân, sự hồi sinh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đến viễn cảnh xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ và quốc gia Hồi giáo. Dù nguy cơ nào biến thành hiện thực cũng sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống và lợi ích của người Mỹ trong khu vực và trên thế giới, đồng thời tạo nên những biến động khó lường trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông.
PHƯỢNG NGUYỄN - NGỌC HÂN (tổng hợp)