Paris có gì lạ không em?

Mai anh về giữa bến sông Seine

Anh về giữa một dòng sông trắng

Là áo sương mù hay áo em?

Và vào một chiều hạ chẳng thể êm đềm hơn, tôi đã thơ thẩn hát khúc nhạc này ngay khi vừa đặt chân xuống Paris sau chuyến xe buýt từ sân bay Charles de Gaulle. Paris trong một chiều gió với bầu trời cao xanh, bên sông Seine hiền hòa hiện ra trước mắt tôi. Phải rồi, chẳng phải giấc mộng của đời tôi đây sao?

Chọn cho mình một góc nhỏ trên tầng hai của con thuyền La Patache đi dọc sông Seine, tôi bắt đầu tận hưởng chuyến đi mang tên “Bateau Mouche” - cách mà người Pháp vẫn dùng để nói về những hành trình khám phá sông Seine bằng thuyền. Tuyệt vời hơn cả để tận hưởng vẻ đẹp của sông Seine là vào những lúc gần hoàng hôn. Khi tiết trời Paris dần ngột ngạt khi về chiều thì việc tận hưởng một không gian thoáng đãng với những cơn gió mát lành là một sự lựa chọn hoàn hảo.

leftcenterrightdel
Hai bức tượng "Danh vọng" mạ vàng cao đến 17m được dựng ở hai bên đầu cầu Pont Alexandre III như những vị thần hộ vệ

Sông Seine có tên gốc Latinh là “Sequana” - một nữ thần trong huyền thoại cổ đại La Mã. Có lẽ bởi thế mà người ta hay ví sông Seine như nàng thơ của Paris, “nàng” gắn bó với Paris đến nay chắc cũng đã 2.000 năm, chứng kiến bao thăng trầm và huy hoàng của Paris hoa lệ. Với 14km chảy trong nội đô, sông Seine chia Paris thành hai bờ Nam - Bắc với bao công trình đã đi vào huyền thoại. Nhà thờ Đức Bà, điện Élysée, tháp Eiffel... tất cả cứ thế hiện dần ra sau mỗi làn sóng sủi bọt trắng xóa.

Thế nhưng, điều tôi yêu thích và ghi nhớ hơn cả là câu chuyện về những cây cầu - nơi lưu giữ bao buồn vui của mỗi người con Paris. Không hiểu vì sao, tôi luôn hứng thú lạ thường mỗi khi có cơ hội được biết thêm về những cây cầu nơi đây. Và tôi tin, cây cầu nào cũng có số phận và cuộc đời của riêng nó. Nào là cây cầu Pont des Arts và những ổ khóa tình yêu được bao đôi tình nhân gửi gắm nay đã chẳng còn chiếc khóa nào! Nên “cơ sự” ấy là do sức nặng của hàng trăm nghìn ổ khóa đè lên thành cầu khiến chính quyền Paris đã phải dỡ bỏ toàn bộ vào năm 2015 để bảo đảm an toàn cho cây cầu gỗ hơn 200 năm tuổi này. Nào là cây cầu kiều diễm Pont Alexandre III - minh chứng lịch sử cho tình hữu nghị giữa hai nước Nga - Pháp vào những năm đầu thế kỷ 20. Bên cạnh “xuất thân” đặc biệt, cây cầu Pont Alexandre III còn sở hữu một vị trí nằm trong khu vực quan trọng bậc nhất, tập trung nhiều công trình lịch sử như: Đại lộ Wilson Churchill, Phủ tổng thống (điện Élysée), quảng trường Concorde, tòa nhà Quốc hội (Palais Bourbon) …

Hay “lạ lùng” như chuyện cây cầu hơn 400 tuổi cổ nhất Paris lại có tên gọi là Cầu Mới- “Pont Neuf”. Sở dĩ cầu có tên như vậy vì đây là cây cầu bằng đá đầu tiên của Paris, còn những cây cầu trước đó đều được làm bằng gỗ. Một anh bạn người Paris của tôi kể rằng, đây là cây cầu gian nan nhất Paris vì phải mất đến hơn 30 năm mới xây dựng xong. Viên đá đầu tiên được vua Henri đệ Tam đặt vào một ngày mưa to cùng hai hàng nước mắt chứa chan vì khóc thương cho hai vị cận thần vừa qua đời. Cũng vì mọi sự “éo le” đó mà người dân Paris đã mệnh danh Pont Neuf là “cây cầu nước mắt”.

Bên cạnh gần 40 cây cầu bắc ngang dòng sông là hệ thống bờ kè được lát đá chắc chắn dọc hai bên để phục vụ cho nhu cầu tản bộ của người dân. Tại đây, bao hoạt động của người Paris diễn ra: Người đi bộ, người nằm nghe nhạc, người hàn huyên... Và đặc biệt hơn hết, không thể bỏ qua hơn 200 quầy sách nhỏ nhắn bày bán vô vàn cuốn sách cổ, bản đồ, bưu thiếp, tem thư cổ,... Các “tiệm sách sông Seine” xuất hiện cách đây khoảng 400 năm, vào đầu thế kỷ 17, dưới thời trị vì của vua Henri đệ Tứ. Chúng nằm dọc 3km bờ kè từ đoạn đầu cầu Pont Neuf, xuôi về tả ngạn sông Seine với số sách được bày bán lên tới hơn 500.000 cuốn. Do vậy, nơi đây được coi là khu bán sách ngoài trời lớn nhất thế giới. Những người chủ quầy sách tại đây phần lớn là người trung niên và lớn tuổi. Điều thú vị ở chỗ tất cả những người kinh doanh sách cũ nơi đây đều phải có giấy phép hành nghề mới được mở quầy. Để có được giấy phép đó thì họ phải thông qua quá trình xét duyệt của tòa thị chính để chứng minh rằng họ có vốn am hiểu nhất định về sách và có cho riêng mình một bộ sưu tập sách đồ sộ chứ chẳng phải cứ “thích” là làm.

Thư thả đi bộ quanh những quầy sách màu xanh lá cây, tôi mua cho mình một tấm bưu thiếp và vài phiếu tem thư cổ rồi đi vào một quán cà phê gần đó trên sông Seine. Hoàng hôn đã dần tắt, nhường chỗ cho cơn mưa bất chợt đỏng đảnh của mùa hạ, những hạt mưa li ti cứ thế rơi xuống, hòa mình vào dòng nước lững lờ của sông Seine. Paris một chiều mùa hạ trong ký ức của tôi đã êm đềm đến thế...

Bài và ảnh: THIÊN DI