Hyperloop One là một ý tưởng về giao thông siêu tốc được tỷ phú Ê-lon Mu-cơ (Elon Musk), giám đốc điều hành của công ty Tesla, đưa ra vào năm 2012. Hyperloop One di chuyển trong các ống giảm áp nhằm đẩy các khoang hành khách di chuyển trên một đệm không khí tạo ra bởi máy nén khí giúp giảm ma sát. Hoạt động của phương tiện này hoàn toàn tự động và được giám sát từ trung tâm. Hành khách sử dụng Hyperloop One dùng điện thoại thông minh để đặt chuyến đi. Ứng dụng Hyperloop One sẽ thông báo thông tin cho hành khách về cổng vào, nơi có sẵn một số khoang "Pod" (tương tự như những khoang tàu hỏa). Trước khi đưa vào đường ống, các pod được ghép lại thành một tàu Hyperloop One hoàn chỉnh. Hành khách có thể vào và ra Hyperloop One tại các trạm đặt ở cuối đường ống, hoặc các nhánh trên dọc chiều dài ống.

Ngoài ưu thế về tốc độ vượt trội, hệ thống Hyperloop One còn có một số ưu điểm khác. Đó là ít phá hủy môi trường do hệ thống vận tải hoàn toàn sử dụng năng lượng điện. Hơn nữa, vì hoạt động trong ống chân không và không có ma sát nên tiếng ồn của Hyperloop One gần như bằng 0.

leftcenterrightdel
Chú thích ảnh: Hệ thống Hyperloop One được lắp đặt thử nghiệm tại sa mạc Nê-va-đa. Ảnh: Hyperloop One 
Tốc độ tối đa của Hyperloop One lên tới 1.220 km/h, khoảng gấp 1,5 lần so với máy bay thương mại. Đây không phải là thử thách đáng kể đối với sức chịu đựng của con người. Kỷ lục tốc độ bay hiện nay là 11.270 km/h do máy bay siêu thanh X-43A của NASA thiết lập. Điều đó chứng tỏ cơ thể con người có thể chịu đựng được vận tốc rất lớn. Tuy nhiên gia tốc lại là sự khác biệt lớn, sự thay đổi vận tốc lớn trong khoảng thời gian ngắn ngủi có thể gây ra một lực khủng khiếp, ép nát cơ thể con người. Cơ thể người thông thường chỉ chịu đựng được các thay đổi về gia tốc ở tốc độ 0,2 G (1G là trọng lực, lực hấp dẫn của Trái đất khoảng 9,8m/s2). Vì thế, nếu Hyperloop One đột ngột đổi hướng khi đang di chuyển với vận tốc lên đến hơn 1.200 km/h, cơ thể người sẽ bị nghiền nát. Để tránh nguy cơ đó, Hyperloop One bắt buộc phải chạy theo một đường thẳng. Để làm được như vậy, rất nhiều đường ống phải được xây dựng và ngốn một chi phí khổng lồ.

Sự tiện dụng do Hyperloop One mang lại là rất lớn nhưng chi phí lại là một vấn đề đáng lưu tâm. Tesla từng ước tính, mỗi km đường ống có chi phí khoảng 7 đến 38 triệu USD tùy địa hình. Tuy nhiên, chi phí này chỉ bằng khoảng 50-60% chi phí xây dựng đường sắt tốc độ cao bởi công nghệ Hyperloop xâm lấn ít công trình dân dụng hơn, hệ thống ít cần bảo trì hơn.

Hiện tại, thành phố Đu-bai (Dubai) của Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu tiền khả thi xây dựng hệ thống Hyperloop One. Hệ thống này cũng đang được tính toán phát triển tại Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nga, Mỹ và Anh. Trong đó, riêng tại châu Âu đã có tới 9 dự án. Không chỉ chở người, Hyperloop One còn dự định xây đường tàu siêu tốc vận chuyển hàng hóa dưới nước để trả lại không gian cho các bờ biển. Tesla đã đưa ra đề xuất di chuyển các cảng ra xa bờ 16 km và xây dựng nơi cập bến cho tàu giống như một giàn khoan khổng lồ để dỡ hàng hóa. Hệ thống Hyperloop One sẽ di chuyển giữa bờ biển và cảng ngoài khơi để các thùng hàng. Đối với vận chuyển hàng hóa trên bộ, Tesla sẽ chính thức bắt tay vào xây dựng trước năm 2018. Các hệ thống tàu chở hàng dự kiến đi vào hoạt động từ 2020 và tàu chở khách đầu tiên vào năm 2021.

VŨ NGỌC LIÊN (theo Business Insider)