Lần đầu tiên cái tên Macxim Gorki công khai xuất hiện trên báo chí Việt Nam ngay khi đất nước chúng ta đang còn bị thực dân Pháp đô hộ-vào những ngày văn hào vừa qua đời, 18-6-1936. Trên tờ Thế giới của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, xuất hiện lời cáo phó và bài giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Macxim Gorki do Hải Triều ký tên, mở đầu bằng những lời thống thiết: “Làn sóng vô tuyến điện phát đi từ Moscow, dồn dập trên khắp thế giới, báo tin đại văn hào đã mất, anh thợ tiên phong của nền văn hóa mới, ông thầy tinh thần nhân loại tương lai, đã qua đời”.
Trước đó, và đặc biệt từ đấy, công chúng bạn đọc, nhất là giới thanh niên trí thức yêu nước đã tìm đọc các tác phẩm của Macxim Gorki, những vở kịch: Dưới đáy, Những người tiểu tư sản; truyện Bà lão Izergil…, đặc biệt là tiểu thuyết Người mẹ in bằng tiếng Pháp có ở ngay trong thư viện, đôi khi cả ngoài hiệu sách. Sau này nhà văn Như Phong (1917-1985) đã nhớ lại thuở trai trẻ của mình: “Chúng tôi đã thấy ở Gorki một cái gì mới lạ, khác thường, vì những tác phẩm kể trên đưa người đọc vào một thế giới rất đặc biệt của những người bị xã hội vứt ra rìa cuộc sống… Ông lại biết phát hiện ra nhiều cái tốt đẹp, yêu tự do, trọng nhân phẩm, ước mơ một cuộc sống công bằng ở những con người không được coi là người đó… Tất cả chúng tôi hồi ấy đều thống nhất với nhau là cùng thích Paven Vlaxop-nhân vật chính trong truyện Người mẹ, người thanh niên từ chỗ quằn quại, giày vò trong một cuộc sống tối tăm đã tìm được đường đi và trở thành một người cách mạng kiên cường, một chiến sĩ cộng sản, một người chân chính…”. Như Phong viết tiếp: “Đọc Người mẹ, chúng tôi hồi ấy như đã tìm được cách giải quyết nhiều vấn đề trong sáng tác văn học mà chúng tôi đang tìm tòi… Gặp được nhân vật Paven Vlaxop, chúng tôi mừng rơn, chúng tôi có một mẫu mực vĩ đại để học tập…”.
|
|
Chân dung đại văn hào Macxim Gorki. Ảnh tư liệu |
Thế hệ thanh niên yêu nước tìm đường cứu nước như nhà văn Như Phong đã không chỉ tự mình tìm đọc các tác phẩm của Macxim Gorki và các nhà văn Nga Xô viết khác mà nhiều người còn truyền bá những tác phẩm ấy cho công chúng rộng rãi. Đã có người bắt tay vào dịch Người mẹ của Gorki, nhưng không được in ra thành sách. Thế là xuất hiện cách xuất bản “bằng miệng”, người ta học thuộc bản dịch và kể lại cho người khác nghe.
Và phong trào một phần nào đó nhờ thế mà phát triển mạnh lên, lực lượng cách mạng Việt Nam lớn lên và chỉ chưa đầy một thập kỷ sau, nhân dân ta đã giành được độc lập. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nhiều bản dịch tác phẩm Người mẹ của các dịch giả được xuất bản thành sách. Cũng vào thời điểm này, trên tờ Tiên Phong (số 2, ngày 1-12-1945) của Hội Văn hóa cứu quốc, tác giả Hải Triều đã dịch và dẫn giải tác phẩm “Trả lời một nhà báo Mỹ” của Macxim Gorki, viết từ năm 1931. Bài báo đã hai lần nhắc đến Việt Nam, bấy giờ vẫn bị thực dân Pháp đàn áp dã man, triệt hạ làng mạc, ném bom, giết hàng nghìn đồng bào ta tham gia cuộc xây dựng Xô viết tại Nghệ An-Hà Tĩnh. Dịch giả có lẽ muốn nhắc lại để mọi người nhớ ơn người đã khuất-văn hào Nga Macxim Gorki đã sớm có tiếng nói ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta và một lần nữa lên án thực dân Pháp lúc này đang gây tội ác dã man với đồng bào ta ở Nam Bộ vừa giành được quyền độc lập, tự do cho đất nước…
Trong bài này, Macxim Gorki đã viết: “Văn hóa tham bạo của tư bản vừa đào huyệt ở các lục địa Phi châu và Á châu hàng ngàn bọn tham bạo khác, đồng thời họ đã bóc lột tận xương tủy hàng trăm triệu người trở nên đói khổ vô cùng... Và các dân tộc ấy đã bắt đầu hiểu một nền văn hóa mới cả hình thức lẫn tinh thần hiện nay đang xây dựng ở Liên bang Xô viết”. Ở một đoạn dưới, ông viết tiếp: “…Trái lại, họ lại ra mặt công kích Liên Xô khi chính quyền Xô viết bắt một tên giáo sư bảo hoàng phản động. Nhưng họ lại ra mặt lãnh đạm khi bọn tư bản nước họ bắn vào dân chúng Đông Dương, vào Ấn Độ, vào Phi châu. Khi ở Liên Xô bắn năm mươi tên phản bội hèn mạt thì họ la rầm lên là độc ác, nhưng ở Ấn Độ, ở Việt Nam hàng ngàn người vô tội bị tàn sát bằng súng liên thanh, bằng đại bác, thời các ông trí thức “nhân đạo” của tôi lại im lặng một cách nhũn nhặn vô cùng…”.
Rõ ràng Hải Triều trong thời điểm thắng lợi của cách mạng dân tộc, đồng thời trước những thử thách ở chặng đường đi tới đích của dân tộc ta phải tiếp tục hy sinh gian khổ đấu tranh, đã thay mặt đông đảo nhân dân cảm ơn văn hào Nga Macxim Gorki, đồng thời nhắc nhở mọi người tiếp tục tìm hiểu những bài học của văn hào.
Và từ đây, Macxim Gorki lần lượt được nhân dân ta tìm hiểu sâu hơn và phổ biến mỗi ngày một sâu rộng các tác phẩm bất hủ của ông. Hàng chục tác phẩm của Macxim Gorki được các thế hệ người dịch Việt Nam dịch sang tiếng Việt và in đi in lại, các nhà nghiên cứu phân tích và các nhà giáo giảng dạy cho các thế hệ học sinh trong trường đại học cũng như các lớp học phổ thông cơ sở.
Năm 1968, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Macxim Gorki, đất nước ta đang có chiến tranh ác liệt, cả nước phải đương đầu với bom đạn tàn bạo để bảo vệ nền độc lập tự do đã giành được và thống nhất đất nước còn bị chia cắt. Không lễ kỷ niệm, nhưng xuất hiện hàng loạt công trình nghiên cứu, cũng như những bài viết thể hiện tấm lòng biết ơn của nhân dân ta đối với Macxim Gorki và niềm yêu kính, cảm phục đối với ông.
Đã 50 năm kể từ đấy. Năm nay, tròn 150 năm ngày sinh của người mà chúng ta đã từng biết ơn và cảm phục. Qua bao nhiêu thay đổi của thời cuộc, xuất hiện những suy nghĩ, nhìn nhận trái chiều về mọi sự vật. Đối với cả văn hào Macxim Gorki cũng vậy. Nhưng, dù thế nào đi nữa vẫn không ai phủ nhận được thiên tài nghệ thuật của ông. Tuy nhiên, các ngóc ngách cuộc đời của ông không khỏi còn những điều bị che khuất và nhiều tư liệu có thể giúp ta hiểu rõ, hiểu đúng hơn bản chất con người vĩ đại cũng như sự nghiệp của ông. Với lòng cảm phục và biết ơn sẵn có của nhiều thế hệ người Việt Nam, cần tiếp tục tìm hiểu về ông, dịch và phổ biến đầy đủ di sản văn học ông để lại và khách quan đánh giá những tư liệu mới liên quan tới động thái trong cuộc đời phong phú, đầy ắp sự kiện và nhiều cay đắng của đại văn hào Macxim Gorki.
HOÀNG THÚY TOÀN