QĐND - Với tham vọng của các cường quốc, trải qua nhiều cuộc đàm phán thương thảo giữa các bên, hai khối quân sự lớn ở châu Âu đã hình thành, chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh đẫm máu phân chia lại trật tự thế giới.
 |
Bản đồ châu Âu năm 1914. Ảnh tư liệu
|
""Liên minh ba hoàng đế""
Năm 1873, dưới sự thao túng và lôi kéo của Bi-xmác, vua Đức Uy-li-am I cùng với Sa hoàng Nga A-lếch-xan-đơ II, Hoàng đế Áo-Hung Phran hợp thành ""Liên minh ba hoàng đế"". Đồng minh này được xây dựng trên cơ sở mâu thuẫn Đức-Pháp và mâu thuẫn Anh-Nga. Lợi ích của vương triều quân chủ ba nước Nga, Đức, Áo khi đó là thống nhất. Tuy nhiên, quan điểm của mỗi nước đối với mâu thuẫn Đức-Pháp và mâu thuẫn Anh-Nga là khác nhau. Nội bộ đồng minh còn tồn tại mâu thuẫn trong quan hệ giữa Nga-Áo vì vấn đề Ban-căng. Chính vì thế, khối đồng minh này nhanh chóng sụp đổ. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của ""Liên minh ba hoàng đế"" chủ yếu do trong Hội nghị Béc-lin năm 1878 nổi tiếng, Đức đã trả thù Nga.
Trước đó, đầu năm 1875, Quốc hội Pháp quyết định tăng cường quân sự và sẵn sàng mua 10.000 con chiến mã từ Đức. Đức lấy điều này làm cái cớ để đe dọa Pháp và tuyên bố cấm xuất binh mã, kêu gọi phát động chiến tranh chống Pháp. Để làm tốt công tác chuẩn bị cho chiến tranh, Bi-xmác phái thân tín của mình đến Xanh Pê-téc-bua để thuyết phục Sa hoàng Nga ủng hộ chiến tranh với Pháp. Lúc đó, đại diện nước Đức hứa với Sa hoàng Nga rằng: Nếu nước Nga đứng về phía nước Đức thì Đức sẽ cho phép Nga tự do hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ - vùng cận Đông của mình. Nhưng người Nga hoàn toàn không ngốc nghếch. Lời hứa của Bi-xmác chỉ là ""lời nói gió bay"", như miếng bánh trong bức tranh treo trên tường. Người Nga hiểu rõ ràng rằng, nếu nước Pháp suy yếu, Đức sẽ thiết lập quyền bá chủ ở châu Âu, mà việc Đức chiếm ưu thế ở châu Âu đối với Nga có thể nói là một bi kịch. Nga không muốn nhìn thấy trên đại lục châu Âu có một người khổng lồ gây áp lực cho mình.
Trái với những gì Bi-xmác mong đợi, Sa hoàng đứng về phía Pháp. Ông đã nói với Đại sứ Pháp rằng: ""Lợi ích của hai nước Nga-Pháp là thống nhất. Nếu có một ngày các bạn bị uy hiếp thì chúng tôi sẽ làm một cái gì đó"".
Tháng 5-1875, Sa hoàng Nga phái người tới Béc-lin và tỏ rõ quan điểm là: Không thể khoan dung nếu Đức phát động chiến tranh đối với Pháp. Như vậy, nước Nga kiên quyết phản đối, Anh cũng không ủng hộ. Anh không hy vọng Đức đánh bại hoàn toàn được Pháp. Do vậy, Bi-xmác buộc phải hủy bỏ kế hoạch tấn công Pháp.
Chuyến đi của Sa hoàng đã đạt được mục đích. Khi rời Béc-lin, ông đã chỉ thị cho Thủ tướng đánh điện tín đến tất cả Đại sứ quán Nga ở nước ngoài để thông báo thắng lợi của hoạt động ngoại giao lần này. Điện tín có đoạn: ""Khi rời Béc-lin, bệ hạ hoàn toàn tin tưởng, bảo đảm duy trì hòa bình tốt đẹp"".
Dưới sự truyền cảm hứng của Sa hoàng Nga, bức điện này nhanh chóng lên mặt báo. Khi đăng báo, cụm ""bảo đảm duy trì hòa bình"" được sửa thành: ""Hiện nay, hòa bình đã được đảm bảo"". Vì sao lại sửa thành ""hòa bình đã được đảm bảo""? Chính là nhờ Sa hoàng Nga! Sa hoàng đã biến thành anh hùng cứu nước Pháp!
Bi-xmác cho rằng, Sa hoàng Nga đã tự tô son điểm phấn lên mặt mình và đã bừa bãi phỉ báng cách làm của Đức. Quan hệ Đức - Nga từ đó bắt đầu rạn nứt.
Năm 1877, chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bùng nổ. Thổ Nhĩ Kỳ đại bại, quân đội Nga đánh thẳng một mạch, tiến vào thủ đô I-xta-bun, buộc Thổ Nhĩ Kỳ ký hòa ước.
Nội dung hòa ước cho thấy, chính Nga đơn độc chia cắt Thổ Nhĩ Kỳ, thừa kế tất cả những gì đế quốc này có được ở châu Âu. Sau khi ""Điều ước Nga - Thổ"" công bố, dư luận xôn xao. Đặc biệt, Anh và đế quốc Áo-Hung không muốn nhìn thấy Thổ Nhĩ Kỳ bị Nga độc chiếm nên kiên quyết phản đối điều ước này. Anh và Pháp đều phụ họa, trên lĩnh vực ngoại giao, Nga rơi vào đơn độc.
Lúc đó, nước Đức lấy danh nghĩa là một trong ""Liên minh ba hoàng đế"" và cũng muốn nhân cơ hội này để giáo huấn cho Nga một bài học, nên đề xuất mở một hội nghị quốc tế. Ở đó, Đức chính là ""người chủ trì công lý"" và lấy thân phận ""người điều đình"", khuyến cáo nước Nga nhất định phải tham gia.
Theo đó, năm 1878 tại Béc-lin đã diễn ra hội nghị quốc tế. Sáu cường quốc (Nga, Anh, Đức, Áo, Pháp, I-ta-li-a) và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia. Do trước hội nghị, Anh và đế quốc Áo - Hung đã đạt được sự nhất trí nên trong hội nghị, hai nước này hợp lại gây sức ép với Nga. Lúc này, Đức không muốn mình là bạn của Nga, nên giữ vị thế ""trung lập"". Nga rốt cuộc bị ép phải nhượng bộ, phải ""nôn"" ra rất nhiều thứ đã nuốt vào miệng, mất đi hầu hết thành quả từ cuộc xâm lược. Do trong cuộc họp, Đức nhìn các nước khác ép Nga mà khoanh tay dửng dưng nên Nga đã vô cùng tức giận.
Có một bức tranh miêu tả cảnh cuộc họp khi đó đã được lưu truyền. Trong bức tranh có thể thấy rõ, đại biểu Thổ Nhĩ Kỳ, đầu đội chiếc mũ Hồi giáo Fez hướng về Bi-xmác với cái nhìn đầy biết ơn. Trong khi đại biểu Nga mặc chiếc áo choàng lông cáo mang khuôn mặt đầy vẻ oán giận.
Báo chí của Nga lên tiếng đòi trừng phạt đồng minh phản bội Bi-xmác, lên án ông ta là kẻ ""vong ân bội nghĩa"", trách ông ta đã quên sự ủng hộ và giúp đỡ của Nga đối với Phổ trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ. Báo chí Đức cũng lập tức ""phản pháo"", chế nhạo, chỉ trích Nga là ""ăn cháo đá bát"", ""gắp lửa bỏ tay người"". Bi-xmác thanh minh, tại Hội nghị Béc-lin, đứng trên lập trường đồng minh, vì Nga mà ông ta đã làm rất nhiều điều nhưng quan hệ ngoại giao giữa Nga và các nước khác vẫn không thể cải thiện.
Lời qua tiếng lại giữa đôi bên khiến cho quan hệ Nga-Đức càng xấu đi. Quan hệ Nga-Áo vốn đã không tốt nay lại càng mâu thuẫn nghiêm trọng. Như vậy, khối ""Liên minh ba hoàng đế"" mà Bi-xmác khổ công gây dựng 5 năm trước có xu hướng sụp đổ. Sau khi Hiệp ước năm 1878 hết thời hạn, khối liên minh này không tiếp tục gia hạn mà tuyên bố chính thức giải tán.
Tiếp tục tìm kiếm đồng minh
Khối ""Liên minh ba hoàng đế"" tuy đã giải thể nhưng Đức vẫn quyết tâm tìm kiếm đồng minh. Thế là Đức-Áo ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Sau Hội nghị Béc-lin, Bi-xmác biết không thể đùa cợt với Nga được nữa nên quyết tâm tăng cường liên minh với đế quốc Áo-Hung. Khi đó, đế quốc Áo-Hung cũng đang muốn gây dựng liên minh với Đức. Trên thực tế, Hoàng đế Đức Kai-xơ Uyn-hem I không đồng tình với Thủ tướng Bi-xmác. Hoàng đế hai nước Đức-Nga từ lâu đã có quan hệ họ hàng. Kai-xơ I là chú họ của Sa hoàng A-lếch-xan-đơ II. Kai-xơ Uyn-hem I cũng không muốn kết liên minh với đế quốc Áo-Hung để chống lại cháu trai của mình. Nhưng Bi-xmác mới là người thao túng quyền lực trong tay.
Năm 1879, ""tể tướng sắt máu"" Bi-xmác đến Viên, cùng với Bộ trưởng Ngoại giao của đế quốc Áo-Hung An-đra-xi Ơn bí mật định ra ""điều ước Đức-Áo"". Sau khi từ Viên trở về Béc-lin, Bi-xmác đã triệu tập cuộc họp nội các, yêu cầu toàn thể các thành viên nội các phải thống nhất với ý kiến của ông ta trong vấn đề này. Nếu Hoàng đế Uyn-hem I không phê chuẩn điều ước thì toàn thể các quan viên sẽ phải từ chức. Trong trường hợp này, Hoàng đế đã bị biến thành ""Thủ lĩnh không quân"". Hoàng đế Uyn-hem I chỉ còn cách đồng ý. Bi-xmác còn soạn thảo một bức thư gửi cho Sa hoàng Nga, có chữ ký và dấu vân tay của Hoàng đế Đức. Trong thư nói: Để duy trì quan hệ hòa bình lâu dài giữa hai nước Đức-Áo, chúng tôi cần ký một hiệp định, có tính đến cả quan hệ hữu nghị trong bang giao truyền thống Đức-Nga.
Đến năm 1882, đồng minh Đức-Áo phát triển mở rộng thành liên minh ba nước Đức - Áo - I-ta-li-a. Vì sao I-ta-li-a lại gia nhập đồng minh này? Bởi vì thất bại trước Pháp trong cuộc chiến tại Tuy-ni-di nên I-ta-li-a cảm thấy tất yếu phải dựa vào đối thủ của Pháp là Đức.
Đương nhiên, I-ta-li-a và đế quốc Áo-Hung là kẻ thù truyền kiếp. Trong lịch sử, Áo đã có thời gian dài thống trị khu vực Bắc và Trung I-ta-li-a. Vơ-ni trong thời kỳ dài cũng thuộc quyền cai trị của Áo. Chính vì vậy, quan hệ của Áo – I-ta-li-a rất phức tạp. Nhưng để tự giải thoát cho mình, Áo coi quan hệ tốt với I-ta-li-a là giải pháp duy nhất. Thế là hai nước I-ta-li-a - Áo lại bắt đầu đàm phán. Cuối cùng, đến năm 1882, ba nước Đức, Áo, I-ta-li-a ký điều ước liên minh ba nước. Liên minh ba nước nhanh chóng trở thành đối trọng đối với hai nước Pháp - Nga.
Như vậy đến năm 1882, trong các cường quốc châu Âu đã xuất hiện một phe đồng minh. Đương nhiên, trong ba nước đồng minh, I-ta-li-a không phải là nòng cốt vì bản chất dao động, thực lực rất yếu, lại có đường bờ biển dài nên không thể chịu được cuộc tấn công hải quân mạnh mẽ. I-ta-li-a cho biết, tham gia khối liên minh ba nước nhưng sẽ không tham gia bất kỳ hành động nào phản đối Anh. Bi-xmác biết rất rõ điều này nên ông ta cũng chỉ đưa ra yêu cầu đơn giản đối với đồng minh này. Đó là: ""Chỉ cần trên dãy núi An-pơ xuất hiện tay trống người I-ta-li-a với lá cờ ba màu là được"".
Tuy Bi-xmác thông minh tuyệt đỉnh nhưng cũng không thể tưởng tượng được, cuộc chiến vừa bắt đầu, I-ta-li-a đã phản bội.
Liên minh ba nước Đức - Áo - I-ta-li-a là đối trọng đối với hai nước Pháp-Nga nên hai nước này cũng đến với nhau một cách tự nhiên, không khách khí. Trên thực tế, hai nước Pháp - Nga cũng đã có lịch sử giao hảo lâu năm, ngày càng tăng thêm tính mật thiết, đặc biệt là cuối thế kỷ XIX. Bộ trưởng Ngoại giao Nga từng nói với đại sứ Pháp tại Nga: ""Hai quý quốc chúng ta đã xây dựng nên tình thân mật hữu nghị, ngày càng hòa hợp"". Ông còn nói: ""Tôi đang nghĩ, hai quý quốc chúng ta đang trên đường tiến tới một hiệp ước..."".
Năm 1892, Tổng Tham mưu trưởng hai nước Nga - Pháp ký điều ước quân sự. Năm 1894, Hiệp ước chính thức có hiệu lực. Lúc đó, tại các cường quốc châu Âu hình thành hai khối quân sự lớn, Pháp - Nga là những nước đầu tiên xây dựng khối Hiệp ước và Đức - Áo - I-ta-li-a là những nước đầu tiên của khối Đồng minh.
Hồng Nhung(Theo Sina)