Sinh ông xong rồi, mẹ ông liệt nửa người, về sau trầm uất. Ngay trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông từ bỏ dự định thành giáo sĩ, chuyển sang học triết học. Ông làm bảo vệ cho các hàng quán để có tiền ăn học. Ngay khi ấy, ông đã gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Triết học thôi thúc ông tìm hiểu Đông Dương, xứ sở thần tiên và bất hạnh. Đông Dương trở thành giấc mơ tuổi trẻ.

Đầu năm 1948, Georges Boudarel đến Sài Gòn với thư của Văn phòng Đông Dương của Đảng Cộng sản Pháp, giới thiệu ông với trưởng nhóm văn hóa mác-xít Pháp đang hoạt động ở đây. Thế là ông được vào dạy triết học ở Trường trung học Yersin, Đà Lạt. Mùa thu năm 1949, ông được chuyển sang Lào giảng dạy, nhưng 3 tháng sau bị trục xuất. Ông về Sài Gòn, được nhận làm giáo viên tiếng Pháp cho Trường nữ sinh Marie Curie. Ông thường xuyên lui tới với Nhóm văn hóa Cộng sản Pháp. Cuối năm 1950, ông đến với hàng ngũ Việt Minh. Cùng lúc, quân đội Pháp yêu cầu ông thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ông không có mặt nên sau đó bị tòa án quân sự Sài Gòn tuyên tử hình vắng mặt về tội đào ngũ.

Ông được cử làm phát thanh viên tiếng Pháp của Đài Tiếng nói Sài Gòn-Chợ Lớn tự do của Việt Minh, hoạt động bí mật. Giữa năm 1952, ông được chỉ định ra Bắc. Ông cùng 40 người nữa đi bộ vô cùng vất vả, ăn uống kham khổ, ròng rã 6 tháng. Tới Việt Bắc, ông được phân công giảng dạy chính trị cho các tù binh trại 113, ở một vùng khí hậu khắc nghiệt. Ông dần dần chuyển hóa phần lớn tù binh, chủ yếu là sĩ quan, nhiều quốc tịch, phần lớn là Pháp và châu Phi, thành những chiến sĩ hòa bình. Có điều, việc cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho trại cực kỳ khó khăn. Thiếu thốn là điều không tránh khỏi. Nước ăn uống bị ô nhiễm. Bệnh sốt rét, tả, lỵ, thương hàn,… hoành hành. Một số tù binh bị thương quá nặng. Số người chết cứ thế tăng lên.

leftcenterrightdel
Georges Boudarel

Đầu năm 1954, một số tù binh được trao đổi với phía Pháp. Việc đưa số tù binh này đi do Georges Boudarel đảm nhiệm. Không có gì đáng tiếc, trại 113 đóng cửa. Số tù binh còn lại được chuyển sang trại 112. Ông về lại An toàn khu Việt Bắc, được điều động về chương trình tiếng Pháp của đài tiếng nói cách mạng. Trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông kịp thời phát đi những tin tức chiến sự sốt dẻo với nhiều bình luận ngắn gọn, sắc sảo. Tiếng nói đó giúp nhân dân Pháp và thế giới hiểu rõ thực chất chiến thắng tất yếu của quân dân Việt Nam và thất bại tất yếu của quân xâm lược. Nó góp phần vào việc ký kết Hiệp định Geneva, lập lại hòa bình ở miền Bắc.

Sau Hiệp định Geneva, ông về Hà Nội. Công việc chính của ông là thư ký chương trình tiếng Pháp của Đài Tiếng nói Việt Nam. Theo đề nghị của Nhà xuất bản Ngoại văn Việt Nam, tiền thân của Nhà xuất bản Thế giới bây giờ, ông nhiệt tình dịch sang tiếng Pháp nhiều tác phẩm chính trị và văn học Việt Nam quan trọng. Nổi bật là các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng. Bên cạnh đó, ông giảng dạy tiếng Pháp cho cán bộ, nhân viên đại sứ quán các nước xã hội chủ nghĩa. Nhiều người trong số này vẫn giữ những kỷ niệm ấm lòng về ông.

Năm 1964, ông cùng vợ (là người Việt) và con gái sang Praha, thủ đô nước Tiệp Khắc (trước đây). Ấy là theo yêu cầu của Liên hiệp Công đoàn thế giới. Ở đó, qua tiếng Pháp, ông phát ngôn cho tâm tư, nguyện vọng của thợ thuyền và người lao động toàn cầu. Một người như ông không thể không nặng lòng với quê cha đất tổ. Những năm tháng tươi đẹp nhất cuộc đời, ông đã cống hiến cho nhân dân Việt Nam.

Xa quê đã gần 20 năm, ông nghĩ tới chuyện quay về quê hương. Năm 1966, từ đấu tranh quyết liệt của các nghị sĩ cộng sản, Quốc hội Pháp thông qua luật ân xá dành cho những người Pháp “chống lại nước Pháp” ở bên kia chiến tuyến tại Đông Dương và Algerie. Nghĩa là những lỗi lầm và tội ác của họ được xóa vĩnh viễn. Thế là Georges Boudarel bình tĩnh trở về. Một đôi chiến sĩ trong Nhóm văn hóa mác-xít Sài Gòn xưa mời ông làm việc trong một trường đại học. Năm 1969, luận văn về Phan Bội Châu của ông được đánh giá rất cao, ông đỗ tiến sĩ và trở thành giáo sư đại học. Ông cùng vài đồng sự lập ra Khoa Sử-Địa-Xã hội học ở trường đó. Vừa chuyên chú vào nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam, ông vừa viết nhiều mục cho “Từ điển bách khoa Pháp Encyclopaedia Universalis”, vừa cộng tác say mê với nhiều tạp chí và tham gia nhiều công trình khoa học tập thể. Riêng mảng sách về Việt Nam của ông, công chúng không chỉ ở Pháp hiện vẫn đọc nhiều hai bộ “Truyền thống và cách mạng ở Việt Nam”, năm 1971 và “Giáp”-tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 1977.

Niềm vui cống hiến cho đất nước Việt Nam ngày một dâng trào. Đầu năm 1991, trong một hội thảo về Việt Nam ở thượng viện, một sĩ quan cựu tù Đông Dương về sau là bộ trưởng nhận ra ông, thóa mạ ông cay nghiệt trước mặt các nghị sĩ. Tiếp theo, một số cựu tù binh ở Việt Nam viết đơn kiện ông về tội phản quốc và chống lại nhân loại. Bằng chứng là ở trại 113, Boudarel đã tra tấn, nhục hình, bỏ đói hay không chữa bệnh… cho tù binh đồng hương. Ông bị quy là đã gây ra nhiều cái chết oan uổng cho họ. Ông vội viết tự truyện để nói rõ sự chính trực, trong sáng và nhân ái của mình. Nhiều học giả, nhà văn, nhà báo, người dân... lên tiếng bảo vệ ông. Một vài người tù từng sống với Boudarel ở trại 113 kể lại nhiều kỷ niệm đẹp: Ông luôn vui vẻ, hòa nhã, thích chính trị nhưng cũng mê văn thơ, hay trò chuyện với người tù,… Có người khẳng định chưa thấy hay chưa nghe tù binh nào bị Boudarel đánh đập, chửi mắng. Không ít lập luận đanh thép được công chúng tán thưởng. Ví dụ, nếu cứ truy tố Boudarel thì đáng bị truy tố nhiều lần hơn là các tướng lĩnh Pháp. Những vị này phải chịu trách nhiệm về những tổn thương mất mát của lính thường. Một sự thật từ hồi ký của Boudarel được hoan hỉ chúc mừng: Ở Việt Nam thời ấy, không bao giờ có chuyện một người nước ngoài được làm thủ trưởng một cơ quan hay tổ chức nào, như ông bị vu cáo là trưởng trại 113, nên tha hồ tàn độc với tù binh, khi thích… Dư luận, tức báo chí Pháp, chia thành hai phe xung quanh vụ Boudarel đã đi vào lịch sử.

Giữa bão dư luận ấy, các cơ quan pháp luật ứng xử thế nào?

Mới đầu, một số viên chức pháp luật cao cấp mở một cuộc điều tra. Số khác thúc ép tòa án đưa ra xét xử công khai để yên bề dư luận. Cuối năm 1991, tòa thượng thẩm tuyên bố miễn tố nhà khoa học Georges Boudarel, căn cứ vào luật ân xá 1966. Nguyên đơn không chịu. Tháng 3-1993, tòa phá án lặp lại kết luận trên. Nguyên đơn tiếp tục kháng án. Năm 1998, tòa này chính thức bác bỏ đơn kiện, tuyên bố Georges không thể bị xét xử. Vụ án khép lại, song, một vụ án khác nổ ra. Đó là Georges Boudarel kiện nguyên đơn vu khống mình. Nguyên đơn kiện ngược ông với tội tương tự. Nhùng nhằng nhiều năm, các đơn kiện bị trả lại năm 2003. Chuyện buồn chấm dứt vĩnh viễn. Đến nay, không ít người vẫn kinh ngạc về vụ việc có phần khác lạ ở xứ sở được coi là văn minh bậc nhất. Từ giữa năm 1966, luật ân xá do Tổng thống Charles de Gaulle ký đã được ban hành. Bộ luật ấy được nhân dân Pháp và cộng đồng quốc tế hoan nghênh nồng nhiệt. Nó có lý, có tình, vừa nhân văn, vừa khoa học. Hành xử đúng đắn nhất trong thế giới hiện tại là tránh đối đầu, xóa bỏ hận thù, tôn trọng khác biệt, chung sống bình đẳng, khép lại quá khứ, tập trung cho hiện tại và hướng tới tương lai. Tinh thần ấy của luật dường như bị sao nhãng… Thế nên một trong những lời tự biện hộ của Georges Boudarel vẫn được nhắc tới. Đó là buổi trao đổi trong chương trình “Quyền được biết” trên sóng truyền hình Pháp TF1 năm 1992. Ông kết luận những trình bày của mình như sau: “Tôi nghĩ tôi không phải chịu trách nhiệm. Và tôi nghĩ rằng những người phải chịu trách nhiệm về tình hình này (những tội ác đối với tù binh và rắc rối hậu chiến…) là những kẻ gây ra cuộc chiến tranh này”. Đó là cuộc chiến tranh tái xâm lược Việt Nam và Đông Dương 1946-1954, mục đích sâu xa là lợi ích vật chất cho các ông trùm tư sản, dưới nhãn “lấy lại danh dự cho nước Pháp”.

NGUYỄN KIẾN VĂN