Với trí tuệ nhân tạo, máy móc có khả năng tự tư duy trong hoạt động phục vụ con người. Tuy nhiên, dù phát triển đến mức nào, máy móc cũng khó có thể tiến xa hơn con người. Bởi kết cục, trí tuệ nhân tạo vẫn là do con người làm ra. Nhưng với việc kết nối não bộ người với máy tính, hạn chế ấy sẽ có thể được xóa bỏ. Con người và máy tính sẽ “thấu hiểu” nhau trong những ứng dụng cực kỳ đa dạng, từ dân dụng đến quân sự. Con người sẽ điều khiển được máy móc chỉ bằng suy nghĩ và ngược lại, máy móc sẽ hiểu được con người muốn gì mà không cần phải nhận lệnh phức tạp. Và khi đó, ranh giới giữa não bộ và siêu máy tính sẽ trở thành vô cùng mong manh. Và đó cũng sẽ là chìa khóa, là sự khẳng định rằng con người vượt trội hơn trí tuệ nhân tạo.
Trong khi việc tạo ra những trí tuệ nhân tạo vẫn còn là câu chuyện dài thì những bước tiến đầu tiên của việc kết nối não bộ con người và máy tính đã được quan tâm từ nhiều thập niên trước. Những năm 1970, nhà khoa học người Bỉ Giắc Vi-đan (Jaques Vidal) đã đưa ra ý tưởng về việc ghi điện sóng não thông qua những cảm biến được đặt trên da đầu của con người. Ý tưởng này bao gồm việc sử dụng các thuật toán máy tính để biến những thông số điện não trở thành những mệnh lệnh mà máy móc có thể hiểu được.
Khi kết hợp thành công, não bộ con người và máy tính sẽ tạo nên một cuộc cách mạng công nghệ. Ảnh mang tính chất minh họa
Sự kết hợp giữa não bộ con người và máy tính có thể tạo ra những cuộc cách mạng trong công nghệ giúp đỡ con người. Những người bại liệt có thể dần cử động lại được và thậm chí, còn có thể bước đi một lần nữa. Trong vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ và châu Âu đang đầu tư mạnh vào việc nghiên cứu và phát triển giao diện não bộ-máy tính này.
Facebook đang tuyển thêm những kỹ sư giao diện não bộ-máy tính về để trợ giúp cho dự án Building 8 của mình. Tỷ phú công nghệ Ê-lon Mu-cơ (Elon Musk), Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, đã thành lập Công ty Neuralink nhằm phát triển công nghệ "dây nối thần kinh", bao gồm việc lắp đặt thêm điện cực vào não bộ để đo đạc tín hiệu. Điều này sẽ cho phép các nhà khoa học có được những tín hiệu thần kinh tốt hơn và rõ ràng hơn công nghệ điện não hiện tại. Dự án tập trung vào việc tạo ra các thiết bị có thể được cấy ghép vào não người, với mục đích cuối cùng là giúp con người kết hợp với phần mềm máy tính.
Trong lĩnh vực quốc phòng, Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến (DARPA) của Bộ Quốc phòng Mỹ đang lên kế hoạch thử nghiệm cấy ghép một con chip cho phép não người và máy tính giao tiếp trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, dự án này của DARPA vẫn gặp phải một số hạn chế về công nghệ. Trong đó, trở ngại lớn nhất là khả năng truyền tải thông tin giữa não bộ và máy tính. Trên thực tế, các giao tiếp mạng hiện nay chưa đủ nhanh để phục vụ cho các ứng dụng chuyển đổi thần kinh. Để thực hiện được hệ thống giao tiếp não-máy, cần có một phương tiện tương tự như một chiếc máy ảnh có khả năng truyền thông tin hình ảnh trực tiếp tới não, đồng thời phải có một thiết bị cấy ghép vào não có thể dịch được dữ liệu thành ngôn ngữ giao tiếp thần kinh của con người.
Nhằm vượt qua trở ngại này, DARPA đã khởi động một dự án có tên là “Thiết kế hệ thống kiến trúc thần kinh” nhằm mục đích phát triển một giao diện thần kinh có thể cấy ghép vào trong não với khả năng cung cấp tín hiệu độ phân giải và băng thông cực kỳ cao, có thể truyền dữ liệu trực tiếp từ não người và máy tính.
Các nhà khoa học đánh giá, khi dự án của DARPA thành công, con người sẽ có thể điều khiển máy tính bằng cách đơn giản là suy nghĩ. Trong khi, máy móc sẽ hiểu được con người muốn gì mà thậm chí không cần bất cứ thao tác ra lệnh nào khác. Ứng dụng của công nghệ này sẽ rất đa dạng, từ dân dụng đến quân sự, xe tự lái, thiết bị thông minh...
NGỌC DIỆU (Theo Science)