Tiếng A-rập đã và đang là một ngoại ngữ khó đối với không ít nhân viên FBI. Theo số liệu thống kê mới đây của Cục điều tra liên bang Mỹ FBI, 5 năm sau vụ khủng bố A-rập tấn công nước Mỹ, chỉ có 33 nhân viên FBI thành thạo tiếng A-rập, kể cả những nhân viên làm việc tại các bộ phận điều tra khủng bố quốc tế.

Trong cuộc thi sát hạch trình độ thông thạo ngoại ngữ, chỉ có 1% trong số 12.000 nhân viên của FBI thông thạo tiếng A-rập. Con số này phản ánh cuộc tìm kiếm không ngừng của FBI nhằm thu hút những nhân viên có thể nói tiếng A-rập và một số ngôn ngữ của Trung Đông và Nam Á, đặc biệt là khi Cục điều tra liên bang Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến chống khủng bố chủ yếu tập trung ở những khu vực này trên thế giới. Đây cũng là thách thức tương tự mà CIA và một số cơ quan khác đang phải đối mặt. Do thiếu những nhân viên thành thạo ngoại ngữ, nên FBI tập trung vào việc sử dụng những thông dịch viên kể từ sau vụ tấn công 11-9-2001. Các quan chức FBI thấy được việc cần thiết đào tạo chuyên gia ngôn ngữ học.

Một quan chức cao cấp của FBI đã chứng thực rằng, hai Bộ phận điều hành chống khủng bố quốc tế (viết tắt là ITOS) của FBI không đòi hỏi nhân viên mật vụ phải biết tiếng A-rập, thậm chí khi các bộ phận này điều hành tất cả các cuộc điều tra khủng bố nước ngoài. Chỉ có 4 nhân viên trong ITOS hiểu biết tiếng A-rập, còn lại thì chẳng ai xếp trên trình độ sơ đẳng. Mai-cơn Hem-bách, người đứng đầu ITOS I cho hay: “Không có nhân viên nào, cả ITOS I và ITOS II sử dụng ngôn ngữ A-rập như là một phần trong công việc và trách nhiệm của họ”.

Việc các nhân viên làm việc ở các bộ phận điều hành chống khủng bố quốc tế không biết tiếng A-rập hay bất cứ ngoại ngữ nào khác không phải là vấn đề quyết định, bởi FBI tin tưởng vào những tài liệu và những cuộc phỏng vấn được thông dịch bởi các chuyên gia ngôn ngữ FBI. Tuy nhiên, Đa-ni-el Bai-men, một giáo sư của trường đại học Georgetown và cũng là người phụ trách chương trình nghiên cứu an ninh của trường đại học này lại cho rằng, thất bại của FBI trong việc thu hút những nhân viên mật vụ nói tiếng A-rập là một vấn đề nghiêm trọng, có thể làm tổn thương mối quan hệ của cơ quan này với các cộng đồng nhập cư và làm cho cơ quan này khó thu thập được tin tức về các nhóm cực đoan. Giáo sư Bai-men nói: “Với bất cứ một cộng đồng nhập cư mới nào, họ cũng cần những kỹ năng ngôn ngữ, cho dù là tiếng Pa-ki-xtan, hay tiếng A-rập. Nó cũng mang đến cho bạn kiến thức về văn hóa và sự nhạy cảm”.

Ma-ga-rét Gu-lót-ta, người lãnh đạo bộ phận chuyên trách về ngôn ngữ đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng, cơ quan này đã có những tiến bộ đáng kể từ sau vụ khủng bố 11-9 trong việc tăng số lượng người thông dịch tiếng A-rập và các ngoại ngữ khác. Số thông dịch viên thông thạo tiếng A-rập đã tăng từ 70 vào tháng 9- 2001 lên 269 vào tháng 7-2006, tăng gần 300%. FBI cũng có một chương trình đào tạo ngoại ngữ đối với các nhân viên mật vụ và các chương trình khác nhằm giúp họ dễ dàng tuyển mộ các ứng viên có khả năng ngoại ngữ. “Liệu chúng tôi có cần nhiều nhân viên nói tiếng A-rập không? Dù thế nào thì chúng tôi cũng muốn có nhiều nhân viên nói tiếng A-rập nhưng đây lại là nhóm người rất khó tuyển mộ”-Gu-lót-ta phát biểu.

Gu-lót-ta và một số quan chức khác thừa nhận một số nguyên nhân làm hạn chế số lượng người nói tiếng nước ngoài có thể trở thành nhân viên FBI. Chẳng hạn như, các nhân viên mật vụ đặc biệt thì nhất thiết phải là công dân Mỹ. Họ cũng phải vượt qua những kỳ sát hạch cơ bản khó khăn hơn nhiều để có thể được thu nhận vào làm việc nếu họ có họ hàng và bạn bè ở nước ngoài.

HIẾU VIỆT (Theo Washington Post)