Giải thưởng văn học “Man Booker” là một giải thưởng văn học danh giá được trao hằng năm cho các tiểu thuyết gia Anh, Ai-len, và khối Thịnh vượng chung. Năm 2006, giải “Man Booker” đã được trao cho nữ nhà văn Ki-ran Đê-sai với cuốn tiểu thuyết mang tên The Inheritance of Loss, tạm dịch là Di sản bị đánh mất.
Tác giả nữ 35 tuổi này đã đánh bại 5 đối thủ nặng ký trong vòng chung khảo và trở thành nữ nhà văn trẻ nhất từng đoạt giải thưởng “Man Booker”. Ki-ran Đê-sai là con gái của nữ nhà văn A-ni-ta Đê-sai, người đã 3 lần được đề cử giải thưởng này, lần gần đây nhất vào năm 1999, nhưng chưa một lần chiến thắng. Họ cũng là cặp mẹ con đầu tiên đã từng được lọt vào danh sách đề cử trong lịch sử 37 năm của giải thưởng này.
Danh sách 6 tác phẩm của 6 tác giả lọt vào chung khảo năm 2006 gây nhiều ngạc nhiên. Hội đồng giám khảo giải “Man Booker 2006” đã chọn ra những tên tuổi không mấy nổi tiếng từ danh sách 112 tác phẩm dự thi. Nhưng như chủ tịch Hội đồng giám khảo, bà Hơ-mi-un Li trong bài diễn văn tại lễ trao giải đã nói rằng, hội đồng giám khảo đã chọn 6 tác phẩm mà họ thực sự thích nhất.
Các thành viên Hội đồng giám khảo đã nhận xét cuốn sách của Ki-ran là một cuốn tiểu thuyết cao quý thấm đẫm tình nhân ái, vừa tế nhị, lại vừa hài hước, thể hiện sự từng trải cũng như sự sắc sảo chính trị. The Inheritance of Loss do Nhà xuất bản Grove ở Mỹ phát hành. Cuốn tiểu thuyết kể về hai câu chuyện diễn ra song song, đó là ở một vùng xa xôi của Ấn Độ và ở những đường phố Man-hát-tan, nơi mà những người nhập cư bất hợp pháp đã cố gắng sinh tồn, trốn tránh pháp luật.
Khi nhận giải thưởng này, Ki-ran Đê-sai đã nói rằng, cô mang ơn mẹ cô rất nhiều, cuốn sách này là để dành tặng mẹ cô. Cô đã viết một phần lớn cuốn sách này ở nhà của mẹ mình. Cô nói: “Bà là một người mẹ dịu dàng và tốt bụng. Tôi nợ bà một món nợ lớn mà tôi không thể bày tỏ điều này một cách thông thường”.
Ki-ran đã sống ở Ấn Độ đến năm 15 tuổi mới rời đến nước Anh. Cô đã mất 8 năm để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này. Đối với cô, đây là quá trình thật khó khăn và cũng đầy trải nghiệm. Chắc hẳn mẹ cô sẽ rất tự hào về con gái của bà và chủ tịch Hội đồng giám khảo đã kết luận đây là một cuốn tiểu thuyết nhân bản sâu sắc và thật sự xứng đáng chiến thắng.
Trong danh sách 5 tác giả lọt vào chung khảo cũng có người đã viết về vấn đề nhập cư và những người tha hương như là Hi-sam Ma-ta, tác giả của tiểu thuyết In the country of men (tạm dịch: Ở đất nước đàn ông), kể một câu chuyện về một cậu bé 9 tuổi đã vật lộn với nạn bạo lực và những bí ẩn của Li-bi năm 1979; và Kết Gren-vin, tác giả của cuốn sách The Secret River (Dòng sông bí ẩn) miêu tả hành trình của một người tù nước Anh đến với một cuộc sống mới ở Ô-xtrây-li-a vào thế kỷ 19. Bên cạnh đó có các tác giả: Ét-uốt Au-bin với cuốn tiểu thuyết Mother’s Milk (tạm dịch: Sữa mẹ), một cuốn tiểu thuyết bi hài về sự nghiện ngập và việc nuôi dưỡng con cái trong một gia đình quý tộc người Anh; Hy-len với tác phẩm Carry me down (tạm dịch: Hãy mang tôi xuống), nhân vật chính là một cậu bé vào năm 1970 ở Ai-len đã tin rằng cậu có một món quà kỳ lạ; Sa-ra Ua-tơ với tác phẩm The night watch (tạm dịch: Người gác đêm) kể về cuộc sống của 4 người Luân Đôn trong và sau chiến tranh.
THANH NGA (Theo BBC, The New Yorrk Times)