QĐND - Sau 3 năm thụ án tại đảo Rốp-ben, thông qua các cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của Man-đê-la và các đồng chí của ông, điều kiện sống trong tù đã có cải thiện đáng kể, tù nhân chính trị khi lao động có thể tự do nói chuyện mà không bị các cai ngục làm gián đoạn. Trong tình huống này, các thành viên ban chấp hành ANC như Man-đê-la và Oan-tơ Si-su-lu sau khi thảo luận đã quyết định thành lập một cơ quan ANC bí mật trong nhà tù để phối hợp với phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của ANC ở bên ngoài.
 |
Nen-xơn Man-đê-la hồi tưởng lại những ngày bị giam cầm tại nhà tù trên đảo Rốp-ben. Ảnh tư liệu
|
Các thành viên thuộc “tổ chức bí mật của ANC” là những người tù trên đảo Rốp-ben từng là thành viên của ANC. Man-đê-la là người phụ trách cao nhất của tổ chức này. Ông và ba thành viên khác của ANC hợp thành Ủy ban Thường vụ. Các thành viên khác được chia thành nhiều nhóm theo khu vực trong nhà tù. Mỗi nhóm có một nhóm trưởng, phụ trách công tác liên lạc và triệu tập.
Quyết định đầu tiên của “tổ chức bí mật của ANC” đưa ra là: không làm ảnh hưởng đến quyết định của tổ chức ANC ở bên ngoài nhà tù vì: Trong tù họ biết rất ít về tình hình bên ngoài, nếu không hiểu tình hình mà chỉ đạo thì sẽ không công bằng và không sáng suốt. Vì thế, “tổ chức bí mật của ANC” chỉ là tất cả đối với cuộc sống trong tù, nếu có khiếu nại, đấu tranh… thì sẽ đưa ra quyết định nên làm.
Kể từ khi nhà tù không thể tổ chức cuộc họp thường kỳ, hoạt động của “cơ quan cao cấp” trước tiên sẽ do bốn người trong Ủy ban Thường vụ quyết định. Sau đó, thông báo cho các trưởng nhóm rồi các trưởng nhóm thông báo lại với các thành viên. Để đem thông tin và quyết định từ khu B của Ủy ban Thường vụ truyền đến các khu vực bị cách ly G, F, “tổ chức bí mật của ANC” đã lập ra bộ phận liên lạc, chịu trách nhiệm truyền phát thông tin.
Man-đê-la và các thành viên ANC đã dùng nhiều cách để khuyến khích, động viên nhau duy trì tinh thần chiến đấu cao.
Cai ngục người da trắng “còn thân hơn cả anh em”
Về cai ngục và cảnh sát nhà tù, họ chưa bao giờ gặp một phạm nhân nào tự tin và tôn nghiêm như Man-đê-la. Hơn nữa, ông ấy còn là một người da đen.
Hành vi Man-đê-la đã làm thay đổi thái độ của họ. Vào các buổi sáng, Man-đê-la bắt tay các quan cai ngục, nói lời chào buổi sáng và hỏi han tình hình vợ con của họ. Trong cư xử, Man-đê-la luôn có chữ “lễ”, nhất là đối với một số cai ngục trẻ tuổi, ông giống như một người cha. Một số lính canh cũng giúp Man-đê-la chuyển thông tin. Một số thậm chí còn đồng cảm với ông một cách sâu sắc. Tình cảm giữa Man-đê-la với cai ngục người trắng Giêm Grê-gô-ri là một ví dụ. Ban đầu Giêm nghĩ rằng, Man-đê-la là một “phần tử khủng bố”. Nhưng dần dần, tiếp xúc nhiều với Man-đê-la, ông đã bị thuyết phục. Sau này, ông đã nhớ lại: “Khi đó, tôi vẫn giữ định kiến đối với người lãnh đạo da đen đó, đồng tình với lời tuyên truyền của chính phủ là họ muốn giết gia đình của chúng tôi, lấy đi ngôi nhà của chúng tôi, thực hiện chế độ người da đen thống trị. Nhưng thông qua tiếp xúc với ông ấy một thời gian, tôi phát hiện ra Man-đê-la có tố chất thiên bẩm của một nhà lãnh đạo. Tôi bắt đầu tôn trọng ông ta”.
Man-đê-la bị coi là “tù nhân chính trị hàng đầu” trên đảo Rốp-ben nhưng từ đầu đến cuối, ông là người rất ôn hòa. Trong trí nhớ của Giêm, suốt 20 năm, ông chỉ chứng kiến Man-đê-la đốt lửa một lần. Hồi đó, một cai ngục da trắng đã nhạo báng Man-đê-la là một “chất thải đen”. Khi đó, Man-đê-la đang theo học khóa học thạc sĩ luật trong tù. Bằng giọng run run, ông nói với tên cai ngục da trắng rằng: “Trên người mày chỉ có bộ đồng phục làm cho tao phải tôn trọng, đừng nghĩ rằng một ngày nào đó, làn da trắng sẽ cứu được mày”.
Trong 15 cai ngục người da trắng xung quanh Man-đê-la, Giêm là người duy nhất có thể nói chuyện với Man-đê-la. Họ thường chọn một góc yên tĩnh trong khu vườn nhà tù, ngồi dưới cây cao su để nói chuyện. Họ không bao giờ tranh luận về vấn đề chính trị và rất tôn trọng ý kiến của nhau. Con trai cả hai đều đã thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi. Cùng cảnh ngộ bất hạnh làm cho họ gần gũi nhau hơn. Man-đê-la cảm nhận được cảm xúc chất chứa trong lòng Giêm. Còn Giêm đã trở thành người đại diện cho gia đình Man-đê-la. Khi Man-đê-la cảm thấy lo lắng, bất an vì người con trai Mác Ga-xôn từ chối đến trường, chính Giêm đã đưa cậu bé đi học, sau đó, gửi anh vào đại học. Nhà lãnh đạo da đen Nen-xơn Man-đê-la cũng trở thành cha đỡ đầu của con trai Giêm. Giữa hai người họ, rào cản về màu da không tồn tại, đúng như họ thừa nhận: “Chúng tôi còn thân hơn cả anh em”.
Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến các cuộc thảo luận khác nhau trong những cai ngục da trắng. Một số cho rằng: “Giêm và tù nhân của ông ta thực sự đã trở thành những người bạn tốt". Nhưng Giêm cũng bắt đầu chịu sự sỉ nhục từ những người phân biệt chủng tộc. Một số trong bọn họ gọi ông là: “Tình nhân của người da đen”. Cũng có người nặc danh gọi điện đến gia đình Giêm. Một số thậm chí đe dọa sẽ giết ông trên đường phố.
Giêm đến nay vẫn giữ nguyên ấn tượng về hình ảnh Man-đê-la trước khi ra khỏi tù với lá thư viết tay ông gửi cho mình: “Trung sĩ Giêm: 20 năm tốt đẹp mà chúng ta ở bên nhau đến nay đã kết thúc. Nhưng tôi sẽ luôn nhớ đến anh, gửi đến anh và gia đình lời thăm hỏi chân thành nhất của tôi và xin hãy nhận lấy tình cảm nồng hậu này của tôi. Nen-xơn Man-đê-la”.
Sau khi Man-đê-la đi, Giêm cũng nghỉ hưu sớm, trở về nhà ở vùng ngoại ô của Cáp Tao. Mỗi khi nhớ lại sự việc, nụ cười mãn nguyện hiện lên trên gương mặt ông. Ông nói một cách hài lòng: “Tôi rất tự hào về Nen-xơn Man-đê-la!”.
Đem nhà tù cải tạo thành Đại học Man-đê-la
Đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, phong trào giải phóng người da đen ở Nam Phi một lần nữa trở thành cao trào. “Phong trào người da đen thức tỉnh” ban đầu do những sinh viên người da đen khởi xướng, ngay sau đó đã làm dấy lên cuộc bãi công của những công nhân da đen.
Ngày 16-6-1976 tại thị trấn đen của Xô-uê-tô, học sinh và thanh, thiếu niên tổ chức biểu tình thị uy phản đối việc các nhà chức trách buộc người châu Phi học và sử dụng ngôn ngữ Afrikaner.
Sau khi Man-đê-la và các đồng chí của ông nắm được thông tin về phong trào ở Xô-uê-tô đã cảm thấy rất vui mừng. Chẳng bao lâu sau, Man-đê-la thay mặt cho đồng chí của mình trên đảo Rốp-ben khởi thảo lời hiệu triệu khẩn cấp yêu cầu các đoàn thể quần chúng hành động, trong đó chỉ ra: Điều kiện tiên quyết để chiến thắng là sự đoàn kết giữa những người da đen”. Lời hiệu triệu này đã cổ vũ, động viên rất nhiều người da đen đứng lên đấu tranh.
Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của người da đen cuối cùng cũng bị chính phủ người da trắng trấn áp. Lãnh đạo của “Phong trào người da đen thức tỉnh” Xtê-vơ Bi-cô bị chính quyền bức hại đến chết. Rất nhiều người trong tổ chức giải phóng người da đen cũng bị bắt. Một số lượng lớn những người trẻ tuổi chạy trốn khỏi Nam Phi, gia nhập ANC của những người lưu vong ở nước ngoài và cũng có nhiều người bị bắt vào tù.
Một số thanh niên da đen đến đảo Rốp-ben, việc đầu tiên mà họ muốn tìm hiểu là “Man-đê-la như thế nào”. Man-đê-la vẫn là vị lãnh tụ trong tâm trí họ. Họ ngưỡng mộ Man-đê-la. Ông đã đưa họ vào phong trào đấu tranh và liên hệ với nhau. Những người này bí mật gặp gỡ Man-đê-la, tạo nên tình cảm của những người ở hai thế hệ cùng làm cách mạng.
Nhiều người trẻ tuổi đã bị bắt giữ khi trình độ học vấn mới là trung học. Để giúp họ có thể tiếp tục học trong nhà tù và cũng để cải thiện bản thân, Man-đê-la quyết định thực hiện một chương trình giáo dục. Kế hoạch ban đầu bao gồm 40 người, chủ yếu là học sinh, thanh niên ở Xô-uê-tô. Dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của Man-đê-la, họ đã có thể tiếp tục học. Trong số đó, không ít người đã có được học vị ngay trên đảo Rốp-ben. Sau đó, Man-đê-la nhờ bạn bè giúp đỡ, hy vọng họ gây quỹ, giúp ông thực hiện chương trình giáo dục cho tù nhân chính trị trên đảo Rốp-ben. Kế hoạch này cuối cùng cũng được thực thi. Những năm tháng bị giam giữ và cách ly ở đảo Rốp-ben đã không thể dập tắt ý chí chiến đấu của Man-đê-la, không hề làm lung lay niềm tin vào sự nghiệp giải phóng người da đen tất thắng. Trái lại, ông và đồng đội của mình đã cải tạo cả đảo Rốp-ben, biến nơi đây thành trường đại học Man-đê-la.
Chương trình giáo dục Man-đê-la trong tù trên đảo Rốp-ben cuối cùng cũng làm cho chính quyền Nam Phi sợ hãi và lo lắng. Tháng 4-1982, Man-đê-la, Si-su-lu và các nhà lãnh đạo da đen khác đột nhiên bị chuyển từ nhà tù đảo Rốp-ben đến nhà tù Pôn-xmua gần Cáp Tao.
Trong thời gian Man-đê-la bị giam giữ ở đó, chính phủ và nhiều tổ chức xã hội dân sự trên thế giới đã thấy rõ thái độ và lập trường của ông. Sự ngưỡng mộ và tôn trọng Man-đê-la từ khắp nơi trên thế giới, Man-đê-la nhanh chóng được xây dựng thành hình tượng anh hùng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, khiến cho nhà chức trách Nam Phi không thể không lo sợ. Uy tín của Man-đê-la trên thế giới ngày càng tăng. Sau khi ông được chuyển đến nhà tù Pôn-xmua, nhà đương cục Nam Phi đã phải có một số nhượng bộ cho những tù nhân chính trị như Man-đê-la trên một số phương diện như điều kiện sống trong tù, chế độ thăm hỏi và gặp gỡ các chức sắc nước ngoài.
HỒNG NHUNG (Theo Sina)