Fox sẽ chi ra một số tiền “mạnh tay” để thực hiện một chiến dịch được hãng gọi tên là: “Không giống với bất cứ chiến dịch nào trong nửa thế kỷ gần đây” và tất nhiên, mục tiêu của hãng nhắm đến không chỉ là Oscar mà còn là một loạt các giải thưởng điện ảnh khác như SAG-Screen Actors Guild (tạm dịch: Nghiệp đoàn diễn viên điện ảnh). Hai phần tiền nhiệm trước đó là “Rise of the Planet of the Apes” (tạm dịch: Sự trỗi dậy của hành tinh khỉ) và “Dawn of the Planet of the Apes” (tạm dịch: Bình minh của hành tinh khỉ) cũng từng được đề cử Oscar ở hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất.
Chiến dịch này cho thấy, có lẽ Fox lúc này đã không còn mấy quan tâm đến doanh thu của “War for the Planet of the Apes” khi chỉ đạt được 359,3 triệu USD ở phần 3, trong khi doanh thu phần đầu là 481,8 triệu USD và phần 2 là 710,6 triệu USD. Với tham vọng tìm kiếm càng nhiều đề cử, giải thưởng về cho đoàn làm phim “War for the Planet of the Apes” càng tốt, nhằm mục đích tạo tiếng vang cho bộ phim lẫn thương hiệu “Planet of the Apes”, Peter Chernin, cựu giám đốc của Fox và là nhà sản xuất bộ phim tuyên bố rất mạnh mẽ: “Tôi thực sự nghĩ đây là một bộ phim đúng “gu” của Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ và nó cũng là một trong những phim có giá trị đạo đức, nhân văn nhất được làm ra trong năm nay!”. Chernin cũng nhấn mạnh, phim là bước ngoặt để mọi người phải nhìn nhận lại vai trò của những tiến bộ kỹ thuật, kỹ xảo trong ngành công nghiệp điện ảnh hiện nay.
Cảnh trong phim “War for the Planet of the Apes”. Ảnh: fanmovies
Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Pháp Pierre Boulle, “The Planet of the Apes” từng một thời là loạt phim ăn khách của điện ảnh Hollywood. Thương hiệu phim vốn đã ngủ yên từ thập niên 70 đã được Tim Burton đánh thức vào năm 2001 bằng một phiên bản làm lại hoàn toàn mới. Vì thế, khi “Rise of the Planet of the Apes” được thực hiện với danh nghĩa mở đầu loạt phim “The Planet of the Apes”, nhiều người đã hoài nghi chất lượng và khả năng thành công của nó. Tuy nhiên, bộ phim bất ngờ vượt lên trên mọi kỳ vọng, khởi đầu cho một trilogy (bộ ba tác phẩm điện ảnh) của điện ảnh đương đại. Giống như loài khỉ trong phim tiến hóa và ngày càng thông minh, phần tiếp theo của loạt phim vượt mặt phần tiền nhiệm. Trilogy khép lại với một cái kết cân bằng cả tính giải trí và nghệ thuật, xứng đáng là phần hay nhất trong tất cả các phim về “The Planet of the Apes” từ trước đến nay.
Phần lớn sự thành công của loạt phim này đến từ sự phát triển vượt bậc của công nghệ motion-capture (công nghệ bắt chuyển động) và hơn hết là diễn xuất tuyệt vời của Andy Serkis. Vượt qua những công nghệ rườm rà, Andy khiến cho bất cứ ai dõi theo mình trên màn ảnh cũng phải trầm trồ thán phục. Từ nhân vật Gollum trong “The Lord of the Rings” (tạm dịch: Chúa tể của những chiếc nhẫn) rồi “King Kong 2005”, Andy đã trở thành một biểu tượng mới về diễn xuất: Một ngôi sao motion-capture. Nhưng khi đến loạt phim “The Planet of the Apes”, với diễn xuất nội tâm đầy biến động của chú khỉ thủ lĩnh Caeser, Andy đã khiến công chúng phải một lần nữa thay đổi định nghĩa “bắt chuyển động” (motion-capture) trở thành “bắt diễn xuất” (performance-capture).
Chính vì lẽ ấy, Fox hay giới mộ điệu đang không ngừng cố gắng để kêu gọi Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ dành riêng một giải Oscar ở hạng mục Nam diễn viên xuất sắc nhất cho những đóng góp bền bỉ và thầm lặng của Andy. Bên cạnh mục tiêu chính, “War for the Planet of the Apes” cũng đang cố gắng chạy đua vào các mục phụ khác như: Quay phim, thiết kế trang phục, âm nhạc, hiệu ứng và hóa trang.
Hiện tại, danh sách ứng cử viên Oscar vẫn còn phải chờ đợi những Liên hoan phim độc lập như Venice, Toronto… để có thể nhận diện rõ hơn về cuộc đua Tượng vàng năm nay. Tuy nhiên, riêng dòng phim “bom tấn”, trong thời gian qua đã có hai cái tên là “Wonder Woman” (tạm dịch: Nữ thần chiến binh) và “War for the Planet of the Apes” có chiến dịch và những bước đi rõ ràng để đến với “tham vọng” Oscar.
TRẦN NGỌC BÍCH