Sa mạc Lençóis Maranhenses thực ra là một công viên quốc gia xinh đẹp, có diện tích trải dài khoảng 1.000km2. Khi đặt chân đến đây, mọi người đều ngỡ ngàng trước hiện tượng độc đáo. Vào những khoảng thời gian khác nhau trong ngày, sa mạc lại mang những vẻ đẹp khác nhau, có cồn cát dài như dải ruy băng, có cồn cát hình lưỡi liềm do gió thổi và tác động của dòng hải lưu nên có thể cao tới 40m.
|
|
Lençóis Maranhenses là một trong những sa mạc đẹp nhất thế giới. Ảnh: @CercleMusic
|
Sự khác biệt giữa sa mạc Lençóis Maranhenses và các sa mạc khác là hằng năm, nơi đây nhận được lượng mưa 1.600ml, gấp 300 lần so với sa mạc Sahara. Nguyên nhân là do Lençóis Maranhenses có vị trí địa lý nằm ven biển, gần Amazon-khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Mặt khác, do gần đường xích đạo nên ngoài việc chịu sự chi phối của vành đai áp thấp xích đạo, sa mạc này còn chịu sự ảnh hưởng của gió mậu dịch Đông Bắc, gió mậu dịch Đông Nam.
Do ở đây có lượng mưa khá dồi dào nên trong sa mạc hình thành hàng nghìn hồ nước ngọt, trở thành nơi cư ngụ của nhiều loài cá, rùa và nghêu. Một trong những sinh vật nổi bật nhất tại đây là loài cá sa mạc với tên khoa học Lepidosiren paradoxa. Loài cá này có khả năng tồn tại đáng kinh ngạc trong điều kiện khắc nghiệt. Vào mùa khô, các hồ nước cạn kiệt, nhiệt độ có thể vượt quá 40 độ C, loài cá này quấn mình vào một túi noãn bào, giảm sự trao đổi chất và bước vào trạng thái giống như ngủ đông, chờ đợi mùa mưa tới.
Khi mưa đến, nước hồ đầy, loài cá này cũng theo đó mà bắt đầu thức giấc. Chúng phá vỡ túi noãn bào, chui ra và ngay lập tức bước vào mùa sinh sản. Những ấu trùng cá nở ra từ trứng, sau đó trở thành thức ăn cho hàng loạt sinh vật khác, tạo nên một chuỗi sinh học hoàn chỉnh. Quá trình này lặp đi lặp lại mỗi năm, duy trì sự sống và cân bằng sinh thái của khu vực hồ.
Trong mùa khô (từ tháng 7 đến tháng 12), Lençóis Maranhenses lại biến hóa không khác gì so với các sa mạc thông thường, đặc biệt, những hồ nước nhỏ tại đây bị thu hẹp, thậm chí là khô cạn. Và điều kỳ diệu nhất là khi hồ đầy nước, các loài tôm, cá, rùa... lại lần nữa xuất hiện như chưa từng biến mất trước đó.
AN NHIÊN