Cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế, tiêu chuẩn về giàu có của người Mỹ cũng được “cập nhật”. Theo kết quả của khảo sát mang tên “Modern wealth index” (tạm dịch: Chỉ số giàu có mới) do tập đoàn tư vấn đầu tư Charles Schwab có trụ sở tại California (Mỹ) tiến hành, hiện tại để có được sự thoải mái tài chính, một người Mỹ cần có trong tay 1,4 triệu USD, tăng 200.000USD so với cách đây một năm. Trong khi đó, một cuộc khảo sát trực tuyến 1.000 người của tập đoàn dịch vụ tài chính Mỹ United Capital cho thấy, để một người Mỹ nhận rằng mình giàu có thì cần trung bình 2,4 triệu USD.

leftcenterrightdel
Có nhiều thứ quan trọng hơn tiền bạc. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, với nhiều người Mỹ hiện tại, việc có nhiều tiền chưa hẳn đã là giàu có. Thậm chí, theo kết quả khảo sát của United Capital, chỉ 11% người Mỹ đồng tình với quan điểm “vật chất làm nên sự giàu có”. Cuộc khảo sát cũng yêu cầu mọi người chọn câu trả lời gần nhất với quan điểm của họ. Khi được hỏi điều gì làm cho bạn cảm thấy mình đang giàu có trong cuộc sống hằng ngày, 62% chọn “có thời gian ở bên gia đình”. Lựa chọn nhiều thứ hai là “dành thời gian cho bản thân”. Xếp ở vị trí thứ ba mới là tài sản vật chất.

Ở thập niên 1980, có một căn nhà đẹp hay một công việc tốt là trọng tâm của “giấc mơ Mỹ”. Tuy nhiên, đến hiện tại, “giấc mơ Mỹ” không còn là khái niệm về sự giàu sang mà mang rất nhiều nghĩa khác nhau với mỗi nhóm người khác nhau. Theo một khảo sát mới được Viện nghiên cứu dư luận xã hội Pew của Mỹ thực hiện, hầu hết những người được hỏi đều tin rằng, một cuộc sống gia đình hạnh phúc quan trọng hơn tiền bạc. Thậm chí, nhiều người Mỹ trưởng thành còn cảm thấy rằng, họ sẽ dễ dàng đạt được “giấc mơ Mỹ” hơn nếu không coi những giá trị vật chất là thước đo thành công.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi về quan điểm đối với “giấc mơ Mỹ” là việc sở hữu một căn nhà ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một kết luận đơn giản: Đối với nhiều người, giá trị của tự do và cuộc sống gia đình còn quan trọng hơn tiền bạc. Để chứng minh cho điều này, tác giả Rachel Sherman đã viết cuốn sách “Uneasy street” (tạm dịch: Nỗi lo âu trên phố) mô tả cuộc sống của những người giàu có nhất nước Mỹ và những lo âu họ phải đối mặt. Theo Rachel, người giàu có tâm lý rất phức tạp, bởi họ cuối cùng cũng nhận ra tiền không phải là tất cả. Có rất nhiều thứ như tình yêu, quyền lực, an ninh, sự kiểm soát, giá trị nội tại, lòng tự ái, tự do, tự trọng, tưởng như tiền có thể tạo ra những điều này nhưng không phải vậy.

Theo báo cáo “Billionaire census” (tạm dịch: Thống kê tỷ phú) của hãng nghiên cứu tài sản Wealth-X, tính đến cuối năm 2017, thế giới có số tỷ phú kỷ lục, tới 2.754 người. Tổng tài sản cũng lên cao nhất khi tăng 24%, chạm ngưỡng 9.200 tỷ USD. Trong đó, nước Mỹ đóng góp tới 25% tỷ phú toàn cầu, với 680 người, có tổng tài sản 3.200 tỷ USD. Theo sau là Trung Quốc (338 người), Đức (152 người) và Ấn Độ (104 người). Nếu tính theo thành phố, New York (Mỹ) tiếp tục là điểm đến được ưa chuộng nhất của tỷ phú thế giới, với 103 người sinh sống tại đây. Theo sau là Hồng Công (Trung Quốc) với 93 đại diện và San Francisco (Mỹ) với 74 người. Cũng theo báo cáo, ngành đóng góp nhiều tỷ phú thế giới nhất là tài chính/ngân hàng/đầu tư, theo sau là công nghiệp và bất động sản. Về nguồn tài sản, khoảng 57% tỷ phú là tự thân, 30% vừa thừa kế vừa tự thân và 13% còn lại hoàn toàn thừa kế.

TRẦN MINH (theo Forbes)