QĐND - Năm 1989, mùa bóng của Việt Nam đi vào lịch sử với kỷ lục đội tham dự giải hạng cao nhất: Giải hạng A1 toàn quốc với 32 đội bóng của các tỉnh, thành phố, ngành chia làm 3 bảng. Giải tiến hành tới 3 giai đoạn, thi đấu đầy gay cấn, căng thẳng. Vậy mà Đồng Tháp, một “tân binh” mới từ hạng A2 lên đã vượt qua hàng loạt anh tài để tiến đến trận chung kết gặp CLB Quân đội trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội) vào chiều 28-5-1989. Bàn thắng vào phút 68 của Phạm Anh Tuấn (số 8) đã đi vào lịch sử của bóng đá Đồng Tháp trước sự cổ vũ của gần 2 vạn khán giả Thủ đô, đưa đội Đồng Tháp đến chức vô địch bóng đá toàn quốc năm 1989.
Thời điểm đó, Đồng Tháp thật xứng đáng đại diện cho cả phong trào bóng đá của Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, vào những năm 30, 40 của thế kỷ trước, người hâm mộ bóng đá Đồng Tháp thường nhắc đến danh thủ Cao Hoài Cúi với niềm tự hào, hãnh diện khi địa phương có một ngôi sao lớn trong làng bóng đá Nam Kỳ.
Sau trận thi đấu bóng đá đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1905 giữa đội tuyển Sài Gòn với chiến hạm King Alfred, phong trào bóng đá Nam Bộ nở rộ tại các địa phương. Ngoài Sài Gòn thì Sa Đéc (Đồng Tháp) là địa phương có các đội bóng được thành lập và phát triển như: Sadec Sport, Hồng Ngự, Đồng Tiến, Đồng Tháp… Thời kỳ nào bóng đá Đồng Tháp cũng xuất hiện các danh thủ, làm rạng rỡ phong trào bóng đá tỉnh nhà và có nhiều đóng góp cho các đội tuyển quốc gia ở nhiều cấp độ khác nhau.
 |
Do khó khăn về tài chính, Đồng Tháp không thể giữ chân đội trưởng Thanh Hiền ở mùa giải V-League 2016. Ảnh: Hải Đăng |
Đội Sadec Sport rất hùng mạnh ngay từ ngày đầu thành lập. Ngoài hậu vệ thủ quân Cao Hoài Cúi, đội còn có dàn cầu thủ xuất sắc như: Năm, Cẩu, Tánh, Cung, Kiển, Tiều, Diệp, Chương, Lâu, Phấn, Búa. Mỗi lần đội ra sân là người hâm mộ lại nườm nượp kéo đến cổ vũ.
Sau 30-4-1975, lực lượng các đội bóng của Đồng Tháp được tập hợp lại thành đội tuyển Đồng Tháp, bao gồm VĐV ở các đội Sa Đéc, Đồng Tiến… Năm 1976, chào mừng ngày thống nhất đất nước, Tổng cục TDTT tổ chức đồng loạt 3 giải tại 3 khu vực mang tên Hồng Hà (miền Bắc), Trường Sơn (miền Trung) và Cửu Long (miền Nam). Đội Đồng Tháp dự giải Cửu Long vào tháng 4-1976, gồm có các đội: Long An, Phan Thiết, Thực Phẩm, Vật Tư, Hóa Chất, Hải Quan, Cảng Sài Gòn. Kết quả, đội Đồng Tháp thắng 3, hòa 3, thua 1. Đội tuyển Đồng Tháp cũng là đội đón tiếp đội Tổng cục Đường sắt - đội bóng đá đầu tiên của miền Bắc du đấu sau những năm đất nước bị chia cắt.
Cuối năm 1978, đội bóng đá Đồng Tháp được chuyển giao về cho Ty TDTT tỉnh quản lý, trở về với tên gọi: Đội tuyển Đồng Tháp. Phải nhấn mạnh từ năm 1981 đến 1988 là giai đoạn đầy thách thức với bóng đá đỉnh cao Đồng Tháp. Cũng trong thời gian này, bóng đá Đồng Tháp đã kịp chuẩn bị cho mình một đội ngũ HLV, VĐV, cán bộ điều hành trẻ trung, đầy khát vọng. Giới hâm mộ nhắc tới Đồng Tháp là nhắc tới lối chơi tập thể, kỷ luật, đồng đều giữa các tuyến, một đội bóng luôn mang đến cho người xem tính cách khiêm nhường. Người hâm mộ không thể quên những cái tên thân thương mến mộ như chỉ đạo viên Phạm Ngọc Thành (Sáu Thành), trợ lý Vương Thành Trung, HLV trưởng Phạm Duy Tiến, đội trưởng Lại Hồng Vân, hậu vệ Trần Công Minh…
Năm 1996, Đồng Tháp lại một lần nữa đăng quang chức vô địch quốc gia sau khi thắng Công an TP Hồ Chí Minh 3-1 trên sân nhà Cao Lãnh.
Thăng trầm với bóng đá chuyên nghiệp, Đồng Tháp thường xuyên lên và xuống hạng giữa giải V-League và hạng nhất. Nguyên nhân cũng thật đơn giản, làm bóng đá chuyên nghiệp phải có tiền, mà tiền có từ đâu thì với bóng đá Đồng Tháp lại là dấu hỏi chỉ có cơ chế mới giải đáp nổi. Khó khăn chồng chất như vậy nhưng Đồng Tháp vẫn tồn tại được ở giải chuyên nghiệp phải kể tới nguồn động viên, yêu mến, cổ vũ của quần chúng khán giả tỉnh nhà. Nhưng điều đáng khâm phục hơn cả là dành cho Ban lãnh đạo, các HLV, cầu thủ ở “Đội bóng xứ Sen hồng” (biệt danh đội Đồng Tháp) luôn tự tin giữ gìn bản sắc, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo.
TRẦN DUY LONG (nguyên HLV trưởng đội tuyển quốc gia)