Mong muốn là vậy nhưng sân chơi V-League vốn lắm rối ren lại ngày càng bị thao túng bởi những đội bóng không ngại ném tiền vào cuộc chơi để “mua” danh hiệu. Dù có điểm tựa tài chính hùng mạnh nhưng Thể Công-Viettel vẫn khá dè dặt trên thị trường chuyển nhượng bởi quyết tâm giữ bản sắc. Họ có mua ngôi sao quốc nội, cũng sắm ngoại binh chất lượng nhưng không ồ ạt và mục đích của việc chiêu mộ đó không nằm ngoài việc tạo điều kiện cho lứa “gà nòi” của mình trưởng thành. Chức vô địch V-League 2020 là sự kết hợp hoàn hảo giữa các cầu thủ do câu lạc bộ đào tạo ra và một số ngôi sao được chiêu mộ.
Trong khi những đội bóng mới nổi như Công an Hà Nội FC, Thép Xanh Nam Định không ngại chi tiền thay mới cả đội hình, bổ sung những cầu thủ nội-ngoại hàng đầu, Thể Công-Viettel chỉ chiêu mộ những vị trí trọng yếu, song luôn giữ được vị trí tốp đầu của V-League. Trải qua nhiều năm đầu tư vào đào tạo trẻ, các tài năng của Thể Công-Viettel đã ngày càng trưởng thành, đóng góp lực lượng nòng cốt của các lứa U cho đội tuyển quốc gia. Nhiều cầu thủ được ăn tập tại Thể Công-Viettel đã vươn lên trở thành những cầu thủ hàng đầu, là mục tiêu săn đón của các ông bầu.
    |
 |
Đội U.15 Thể Công - Viettel đang thi đấu ấn tượng ở vòng loại giải bóng đá U.15 quốc gia 2025. Ảnh do Thể Công - Viettel cung cấp
|
Việc để mất trụ cột Hoàng Đức và mới nhất là Đức Chiến vào tay “đại gia” Phù Đổng Ninh Bình là kịch bản mà ban lãnh đạo Thể Công-Viettel đã lường trước, nhưng không thể ngăn cản. Thật khó trách những cầu thủ kể trên bị dao động trước những lời mời hấp dẫn, những khoản kếch xù mà cả đời cầu thủ thậm chí chỉ có cơ hội một lần. Mặc dù mức lương mà các cầu thủ kể trên nhận được ở Thể Công-Viettel không hề thấp nhưng không phải ai cũng muốn trở thành “biểu tượng của sự trung thành” như trung vệ Bùi Tiến Dũng-người vừa gia hạn hợp đồng với đội bóng áo lính.
Để đào tạo ra một lứa cầu thủ trẻ tài năng là quá trình lắm công phu, tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Thậm chí, số tiền mà đội bóng dùng để đào tạo cầu thủ trẻ có thể chiêu mộ được một số cầu thủ chất lượng cho mục tiêu ngắn hạn, nhưng đó là cách phát triển thiếu bền vững. Về mặt triết lý, Thể Công-Viettel luôn xác định tập trung đào tạo tài năng, các lứa kế tiếp để không bị ảnh hưởng quá lớn bởi thị trường, nhất là khi giá trị cầu thủ luôn bị thay đổi. Trước việc để mất Đức Chiến vào tay Phù Đổng Ninh Bình, Thể Công-Viettel đã lên tiếng thông báo: “Câu lạc bộ đã nhìn thấy trước các vấn đề này, khi những cầu thủ do mình đào tạo trở thành mục tiêu săn đón của các đội bóng khác. Thị trường chuyển nhượng của bóng đá Việt Nam khá phức tạp, nhưng chúng tôi sẽ luôn theo đuổi quan điểm và triết lý của mình”.
Sau Hoàng Đức, Đức Chiến, có thể là một số cái tên tài năng khác của Thể Công-Viettel bị lôi kéo, nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến triết lý của đội bóng. Dù đối mặt với nhiều thách thức bởi sự cạnh tranh của bóng đá thời đại kim tiền nhưng Thể Công-Viettel vẫn trung thành với triết lý đào tạo bóng đá trẻ, phát triển bền vững từ gốc để đào tạo ra những thế hệ cầu thủ chất lượng trở thành niềm tự hào của bóng đá Quân đội và bóng đá nước nhà.
HOA LƯ