Cho dù cuộc “ly hôn” thực sự đã làm hao tổn của cả hai rất nhiều công sức và thời gian, nhưng cũng nhờ đó, “lục địa già” đã cùng nhau nhận ra giá trị của sức mạnh đoàn kết.
Các nhà lãnh đạo châu Âu trong một bức thư gửi tới Anh đã bày tỏ sự tiếc nuối trước cuộc “ly hôn” giữa hai bên, đồng thời khẳng định tiến trình Brexit rối loạn trong những năm qua đã phần nào đưa các quốc gia còn lại xích lại gần nhau và tiếp tục chung tay xây dựng tương lai chung. Vào đúng ngày nước Anh ra đi, 3 nhà lãnh đạo hàng đầu của EU gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli cam kết sẽ hành động với mọi quyền hạn để bảo đảm mối quan hệ Anh-EU sẽ thành công trong tương lai, đồng thời khẳng định sẽ rất chặt chẽ trong quá trình đàm phán quan hệ song phương.
Trong một phát biểu, bà Ursula von der Leyen đã thừa nhận EU muốn có mối quan hệ tốt nhất với Anh thời hậu Brexit, nhưng sẽ không có mối quan hệ nào tốt bằng khi Anh còn là thành viên của khối.
Thực tế là với sự ra đi của nước Anh, EU sẽ lần đầu tiên mất đi một quốc gia thành viên, một trong những quốc gia lớn nhất và giàu nhất, chiếm 15% sức mạnh kinh tế. Với sự ra đi của 66 triệu người, EU sẽ chứng kiến dân số giảm xuống còn 446 triệu người, lãnh thổ giảm 5,5%.
Bà Ursula von der Leyen đã “lên dây cót” tinh thần cho EU khi tái khẳng định “sự đoàn kết đã làm nên giá trị cốt lõi của EU”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định, EU sẽ khởi đầu một chương mới sau Brexit, với những cơ hội vẹn nguyên trong định dạng là một khối liên minh đoàn kết trước các vấn đề toàn cầu từ biến đổi khí hậu cho tới đột phá công nghệ.
Các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh về sự đoàn kết trong bối cảnh cuộc chia tay với nước Anh đã trở thành sự thật và những hệ lụy kéo theo được cảnh báo sẽ rất nặng nề. Những biểu cảm “tiếc nuối” của bà Ursula von der Leyen chính là tín hiệu cho thấy, giai đoạn không còn có nước Anh sẽ không phải dễ dàng gì đối với “lục địa già”.
Giai đoạn chuyển tiếp 11 tháng kể từ ngày nước Anh ra đi (31-1) mới thực sự là thử thách đối với quan hệ Anh và EU, khi cả hai sẽ đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương, vốn không hề dễ dàng bởi hai bên đều muốn bảo vệ những lợi ích riêng của mình. Giai đoạn chuyển tiếp được tiên đoán là rất phức tạp, vì nó sẽ phải giải quyết tranh chấp thương mại cũng như hợp tác trong các vấn đề như an ninh và tình báo, tiêu chuẩn cho hàng không dân dụng, tiếp cận vùng biển quốc tế để đánh cá, tham gia chương trình trao đổi sinh viên Erasmus, cung cấp điện và khí đốt, hoặc quy định về thuốc…
11 tháng có thể sẽ là quãng thời gian quá ngắn để Anh và EU tiến tới một thỏa thuận đầy đủ, trong bối cảnh cả hai còn nhiều bất đồng cần thương lượng. Giới phân tích đánh giá nguy cơ hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận vào hạn chót cuối năm 2020, nhất là khi Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định sẽ không xin gia hạn giai đoạn chuyển tiếp.
Ngay từ đầu, EU đã tỏ rõ lập trường sẽ không cho phép Anh tiếp cận thị trường chung châu Âu nếu không tuân thủ các quy định về lao động, thuế quan và môi trường. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định, một khi Anh càng xa rời những tiêu chuẩn châu Âu thời hậu Brexit thì cơ hội tiếp cận thị trường chung sẽ càng ít đi.
Cuộc chia tay diễn ra khi cả hai có quá nhiều ràng buộc, thêm vào đó là những bất đồng khó vượt qua hậu Brexit, đang đặt ra một câu hỏi lớn rằng cả hai sẽ thế nào khi không còn “sống chung”?
Anh và EU sẽ chỉ có một cuộc “ly hôn” có hậu khi cả hai biến sự chia rẽ thành cơ hội để đoàn kết và thiện chí trong đàm phán để vượt qua những rào cản, cùng nhau hướng tới một tương lai hợp tác và phát triển. Quả là sẽ chẳng dễ dàng gì khi trong một thế giới phức tạp hơn, một cựu thành viên của khối trở thành một đối thủ cạnh tranh bên kia eo biển Manche.
HẠNH NGUYÊN