Khoan nói tới những bất đồng, khác biệt trong các “vấn đề gai góc” giữa hai cường quốc kinh tế thế giới, chỉ riêng việc tăng thuế này cũng đủ khiến khả năng hai bên có thể tiến tới một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm qua giống như hành trình “mò kim đáy biển”.

Thực tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gióng trống, khua chiêng đe dọa tăng thuế từ trước khi diễn ra vòng đàm phán lần thứ 11 này. Washington cáo buộc Trung Quốc quay lưng với những cam kết cốt lõi trong thỏa thuận thương mại triển vọng sau nhiều tháng đàm phán. Và kết quả là thời điểm đại diện hai nước đang đàm phán, chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo chính thức áp đặt mức thuế mới, theo đó tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng cảnh báo sẽ sử dụng các biện pháp thuế để giải quyết những bất đồng với Trung Quốc, nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận cuối cùng. Theo lời cảnh báo này thì rất có khả năng lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ quốc gia châu Á sẽ nằm trong danh mục tiếp theo bị áp thuế mới nếu Washington không có được “sự nhượng bộ” cần thiết từ phía Bắc Kinh.

Nhiều người cho rằng, việc Tổng thống Donald Trump đe dọa mạnh tay với Trung Quốc trước thềm vòng đàm phán thứ 11 là chiến thuật đã được ông chủ Nhà Trắng cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng cả về mặt lợi ích chính trị cũng như lợi ích kinh tế. Không chỉ giúp xoa dịu những chỉ trích về khả năng thương thuyết, sự mất kiên nhẫn và nghi hoặc từ trong nội bộ về khả năng Mỹ chiến thắng trong cuộc chiến gây thiệt hại lớn này, chiến thuật gây sức ép của ông chủ Nhà Trắng còn nhằm mục tiêu “dồn Trung Quốc vào đường cùng” để giành lợi ích lớn nhất.

Bên cạnh đó, xét về mặt kinh tế, báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 9-5 đã chỉ ra rằng, thâm hụt thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trong tháng này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua, theo đó hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng, trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lại giảm. Điều này một lần nữa khiến chính quyền Washington thêm vững tin vào tính hiệu quả của các biện pháp thuế quan như một “công cụ quyền lực” nhằm giải quyết những bất đồng thương mại với các nước. Thế nên mới có chuyện Tổng thống

Donald Trump sau khi tuyên bố tăng thuế đã tự tin thông báo trên Twitter rằng, chính quyền Mỹ “hoàn toàn không vội” để hoàn tất một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ai nắm đằng chuôi trong cuộc chiến này thì vẫn chưa rõ, bởi chính sách tăng thuế của Tổng thống  Donald Trump xưa nay vẫn bị xem là “con dao hai lưỡi”. Đơn cử như với ngành nông nghiệp Mỹ, một trong những ngành chịu tổn thương lớn nhất kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bùng phát, giá đậu nành của Mỹ hiện đã giảm xuống thấp nhất trong vòng 10 năm qua khi Trung Quốc giảm bớt sức mua những mặt hàng nông sản chủ chốt từ Mỹ.

Hơn một năm tranh chấp thương mại, Trung Quốc dù thể hiện thiện chí đàm phán nhưng chưa bao giờ thụ động trước bất kỳ một đòn tấn công nào từ Mỹ. Bởi vậy khả năng Washington và Bắc Kinh sẽ tiếp tục bước vào “cuộc đọ sức” quyết liệt mới để thăm dò “điểm giới hạn” của nhau là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Song điều này cũng đồng nghĩa với việc một vòng xoáy thuế quan mới giữa hai nước sẽ cuốn bay những tín hiệu lạc quan có được từ việc “đình chiến thương mại” hồi cuối năm ngoái, kéo theo những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng hai nước. Chưa kể nền kinh tế thế giới cũng sẽ chịu “vạ lây” từ cuộc đối đầu chẳng rõ hồi kết giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

HÙNG HÀ