Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo toàn cầu, nhưng nguy cơ xung đột, chiến tranh vẫn chưa được hoàn toàn loại bỏ, còn tiềm ẩn ở nhiều nơi trên thế giới. Hòa bình chỉ có thể được gìn giữ khi tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, đều cùng sẻ chia trách nhiệm gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Trong suốt lịch sử mấy nghìn năm, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Vì lẽ đó, người dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết giá trị của hòa bình và luôn cháy bỏng khát vọng ấy. Việt Nam luôn sẵn lòng đóng góp nguồn lực, dù còn nhỏ bé, như một sự tri ân đối với bạn bè quốc tế đã giúp đỡ mình trong công cuộc giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước, khép lại quá khứ, hướng tới đổi mới, hội nhập và phát triển. Việc tham gia các hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là một minh chứng rõ nét cho khát vọng của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hết lòng vì đại nghĩa, là sự tiếp nối chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu, sẵn sàng đóng góp có trách nhiệm và tích cực thúc đẩy hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ trên thế giới.

Trên tinh thần đó, các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam mang trên đầu những chiếc mũ nồi xanh của hòa bình đã tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Dòng máu Lạc Hồng, truyền thống mấy nghìn năm văn hiến luôn chảy trong tất cả mọi con tim, khối óc của những người lính “vai mang gươm, tay mềm mại bút hoa”, “đi dân nhớ, ở dân thương”, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đến thời điểm hiện tại, sau 5 năm tham gia các hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử hàng chục lượt cán bộ, sĩ quan tham gia thực hiện nhiệm vụ dưới cả hình thức cá nhân lẫn đơn vị tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Tất cả các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ công tác về nước đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, an toàn tuyệt đối. Từ những bức thư khen ngợi, thư cảm ơn, huy chương được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế trao tặng cho đến việc Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là một trong 4 trung tâm huấn luyện quốc tế ở khu vực Đông Nam Á, hay Liên minh châu Âu (EU) mời Việt Nam cử sĩ quan tham gia huấn luyện Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Phái bộ huấn luyện của EU tại Cộng hòa Trung Phi đều là sự ghi nhận của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đối với những cam kết cũng như kết quả tham gia các hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Còn nhớ trong chuyến thăm vào năm 2015, ngài Ban Ki-moon, khi ấy là Tổng thư ký Liên hợp quốc từng phát biểu rằng ở Việt Nam, ông đã tận mắt chứng kiến “tương lai tươi sáng” về sự cam kết của Việt Nam với thế giới. Ông “xin được nghiêng mình, cúi đầu trước những người lính Việt Nam dũng cảm đã đi một quãng đường rất dài đến một khu vực khác trên thế giới, xa gia đình để giúp những con người khốn khổ ở châu Phi và Nam Sudan”. Nếu được hỏi những chiến sĩ Gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã làm nhiệm vụ như thế nào, ông không ngần ngại khẳng định câu trả lời chỉ có một từ “tuyệt vời!”. “Tất cả các bạn đều có thể tự hào về những đại diện của các bạn trên trường quốc tế… Những người dân đang sống khổ sở trong sự bất ổn sẽ hướng về các bạn để tìm kiếm sự giúp đỡ, tìm hy vọng”, ông Ban Ki-moon nêu rõ.

5 năm không phải là một chặng đường dài nhưng những “cánh chim hòa bình” mà Việt Nam gửi tới Nam Sudan hay Cộng hòa Trung Phi đã có những đóng góp tích cực được cộng đồng quốc tế ghi nhận vào nỗ lực chung để màu cờ xanh của Liên hợp quốc mãi là màu xanh của hòa bình, của niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng.

HOÀNG VŨ