Duyên nợ với Việt Nam của ông John McCain bắt đầu khi ngày 26-10-1967, giữa lúc chiến tranh Việt Nam đang leo thang, máy bay ném bom A-4E Skyhawk do phi công John McCain điều khiển bị bắn rơi trên không phận miền Bắc. Ông bị gãy tay và chân khi máy bay rơi xuống hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, sau đó bị bắt sống và giam tại Trại giam Hỏa Lò (nay là Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò).

leftcenterrightdel
Thượng nghị sĩ John McCain (ngoài cùng, bên phải) trong một lần tới thăm Hà Nội. Ảnh do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cung cấp

Sau Hiệp định Paris năm 1973, ông John McCain và nhiều tù nhân chiến tranh Mỹ được trao trả về nước. Nhưng không giống những người mang tư tưởng thù hằn Việt Nam, ngược lại, John McCain lại là một trong những nhân vật tham gia tích cực vào tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước.

Năm 1985, ông John McCain lần đầu tiên trở lại Việt Nam. Dù biết rõ ông từng là “giặc lái”, song người dân nơi đây không tỏ thái độ thù ghét ông. Điều này khiến ông vô cùng cảm kích. Đó là lý do vì sao John McCain tích cực tham gia chính trường, trở thành một trong những người đi đầu vận động bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. 

Để tạo điều kiện tốt nhất cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, ông hối thúc hai bên khởi động các vấn đề nhân đạo, như: Rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, hỗ trợ những người bị khuyết tật do hậu quả chiến tranh, tẩy độc tại các khu vực bị nhiễm dioxin và thực thi pháp luật… Đồng hành với ông John McCain trong quá trình này còn có TNS John Kerry-người từng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam trong những thập niên 1960-1970 và Tổng thống Bill Clinton. Kết quả là năm 1994, Thượng viện Mỹ thông qua giải pháp do TNS John Kerry và TNS John McCain bảo trợ, kêu gọi chấm dứt cấm vận Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng để hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.

Sau này, trong bài diễn văn nhân chuyến thăm Hà Nội năm 2009, TNS John McCain đã kêu gọi cần có bước tiến mới trong quan hệ Mỹ-Việt. “Đã đến lúc chúng ta chuyển từ việc bình thường hóa sang hiện đại hóa quan hệ giữa hai nước cho tương xứng với vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới”-TNS John McCain nói.

Trong những năm sau chiến tranh, TNS John McCain đã nhiều lần trở lại Việt Nam. Lần nào đến Hà Nội, ông cũng cố gắng dành thời gian để thăm lại những người từng là ân nhân của mình, thăm lại những nơi mình đã từng sống. Trong tâm can chính trị gia người Mỹ khi đó vẫn chưa lý giải được vì sao người Việt Nam lại cứu sống một “giặc lái” như ông? Vì sao họ vẫn tiếp đón niềm nở một “cựu thù”? Những băn khoăn đó cuối cùng đã được giải đáp khi ông John McCain gặp lại ân nhân Mai Văn Ổn. “Tôi là kẻ thù, vậy tại sao ngài lại cứu sống tôi?”-ông John McCain hỏi. Không do dự, ông Ổn trả lời: “Người Việt Nam chúng tôi luôn có lòng nhân đạo. Chúng tôi cứu ngài vì lúc đó ngài đã bị thương. Có thế thì ngài mới còn cơ hội quay trở lại Việt Nam! Tất nhiên, nếu hôm đó máy bay của ngài không bị trúng tên lửa, có thể ngài đã cắt bom giết hại nhiều dân thường Việt Nam rồi!”. Câu trả lời giản dị của ông Mai Văn Ổn đã khiến TNS Mỹ im lặng hồi lâu.

Khi tới thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, nơi ông từng bị giam trong thời gian hơn 5 năm, ông John McCain đã bày tỏ sự cảm ơn của mình đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã đối xử tốt với ông, một người đã từng tham chiến ở Việt Nam.

Cho đến nay, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các mặt, phù hợp với lợi ích của hai nước. Trong những thành tựu mà hai nước có được thì John

McCain chính là một trong những người góp phần quan trọng đặt nền móng cho mối quan hệ tốt đẹp ấy.

TNS John McCain đã qua đời, nhưng những đóng góp của ông đối với quan hệ Việt-Mỹ cũng như tình cảm của ông dành cho Việt Nam sẽ được trân trọng và ghi nhận.

PHƯƠNG LINH