Cách đây gần hai thập niên, bất chấp sự phản đối của Liên hợp quốc, chính quyền Tổng thống Mỹ George W.Bush đã phát động cuộc chiến tranh Iraq dựa trên những bằng chứng mơ hồ về “vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Dù vậy, khi đó Mỹ vẫn nhận được sự ủng hộ của các đồng minh, đơn cử như Anh đã điều 45.000 quân hỗ trợ trong khi một số nước khác lại hậu thuẫn chính trị cho Washington. Tuy nhiên, mọi chuyện giờ đây đã khác. Trong vấn đề hạt nhân Iran hiện nay, mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu đã trở thành “đồng sàng dị mộng”.
Hơn một năm trước, Tổng thống Donald Trump đã đơn phương “xé toạc” Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết năm 2015-kết quả của gần 12 năm đàm phán đầy gian truân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) vì cho rằng, đây là một thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử xứ Cờ hoa. Tiếp sau động thái “giội gáo nước lạnh” vào các đồng minh cũng như cộng đồng quốc tế này là việc Washington không ngừng siết chặt “gọng kìm” trừng phạt nhằm vào Tehran. Chưa dừng lại ở đó, Mỹ còn liệt Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài.
Mục đích thực chất của việc chính quyền Donald Trump “chia tay” JCPOA và leo thang căng thẳng với Iran được giới phân tích chỉ ra là muốn gây sức ép buộc Tehran phải thay đổi chính sách của mình tại Trung Đông để trấn an các đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. Washington không hề giấu giếm thái độ không hài lòng trước việc Tehran gia tăng ảnh hưởng tại Syria, Yemen và Liban thông qua các lực lượng ủy nhiệm, bởi điều này đang khiến Israel và Saudi Arabia đứng ngồi không yên. Tel Aviv và Riyadh vẫn luôn xem “sự hiện diện” của Iran tại Syria, Yemen hay Liban là “mối đe dọa” trực tiếp tới an ninh của họ. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để Tổng thống Donald Trump thực hiện những cam kết của mình liên quan tới hồ sơ hạt nhân Iran trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng hồi năm 2016.
Thế nhưng, đối với các đồng minh châu Âu, JCPOA lại đem tới những lợi ích to lớn về kinh tế cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phương Tây vốn bị loại khỏi thị trường Iran vài thập niên qua.
Chính vì “sự lệch pha” nhau như vậy nên cũng không có gì ngạc nhiên khi Washington triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng các tàu chiến hộ tống, tàu đổ bộ, máy bay ném bom chiến lược và tổ hợp tên lửa phòng không Patriot đến vùng Vịnh. Tây Ban Nha lại rút tàu chiến của mình khỏi nhóm tàu chiến do Mỹ đứng đầu tại đây với lý do “Chính phủ Mỹ đã ra quyết định nằm ngoài khuôn khổ những gì đã được nhất trí với hải quân Tây Ban Nha”. Trong khi đó, Thiếu tướng quân đội Anh Christopher Ghika thuộc Liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria đã phủ nhận những tuyên bố của Washington về việc các lực lượng ủy nhiệm của Iran gia tăng hoạt động trong khu vực khi khẳng định “không có mối đe dọa gia tăng từ các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria”. Thậm chí đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng Washington nên theo đuổi chính sách “kiềm chế tối đa, tránh mọi động thái leo thang quân sự”.
HOÀNG VŨ