Tại Anh có 5 cấp độ cảnh báo về nguy cơ đe dọa khủng bố, theo thứ tự từ cao xuống thấp lần lượt là “đặc biệt nghiêm trọng”, “nghiêm trọng”, “đáng kể”, “trung bình” và “thấp”. Vào năm 2017-thời điểm đảo quốc sương mù hứng chịu 4 vụ tấn công khủng bố khiến hàng trăm người thương vong, trong đó vụ tấn công nghiêm trọng nhất xảy ra tại một buổi hòa nhạc ở sân vận động Manchester Arena - nước Anh từng phải hai lần nâng cấp độ cảnh báo nguy cơ khủng bố lên “đặc biệt nghiêm trọng” trong thời gian ngắn.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên Anh lại hạ cấp độ cảnh báo mối đe dọa khủng bố quốc gia chủ yếu là “nghiêm trọng” trong suốt 5 năm qua xuống còn “đáng kể”. Chắc hẳn người ta chưa thể quên rằng năm 2014 chính là thời điểm thủ lĩnh tối cao của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” (Caliphate) trong bài thuyết giảng tại Đại thánh đường ở thành phố Mosul, miền Bắc Iraq. Để rồi 5 năm sau đó, y đã thiệt mạng trong một cuộc đột kích của quân đội Mỹ tại miền Bắc Syria hồi cuối tháng 10 vừa qua. Sau khi IS bị đánh bại ở Iraq và Syria, thông tin về cái chết của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi chính là một “đòn đánh” nữa giáng vào IS. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Anh lại hạ cấp độ cảnh báo khủng bố quốc gia.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng cho dù thủ lĩnh IS đã bị tiêu diệt thì cũng không có nghĩa là đã triệt tiêu được hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố hay những tư tưởng cực đoan. Nói cách khác, thủ lĩnh IS có thể bị tiêu diệt nhưng IS thì chưa, bóng ma khủng bố vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều quốc gia. Thậm chí, việc thủ lĩnh IS bị tiêu diệt còn là nguồn cơn kích động những phần tử cực đoan lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công khủng bố để trả thù.
Các chuyên gia nhận định IS đã thiết lập các cơ sở bí mật để có thể tồn tại được ở cả Iraq và Syria. IS đang trải qua thời kỳ tái thích nghi và hiện đang bước vào giai đoạn mới của quá trình lan rộng ra toàn cầu khi các tư tưởng cực đoan tiếp tục được truyền bá trên mạng internet và tàn quân IS có xu hướng “bắt tay” với các nhóm thánh chiến cực đoan khác. Đó là còn chưa kể tới một thực tế có nhiều công dân của các nước đã ra nước ngoài chiến đấu cho IS và các nhóm thánh chiến khác ở Syria hay Iraq. Đây chính là một nguy cơ tiềm ẩn đối với nhiều quốc gia khi những đối tượng này hồi hương. Đáng lưu ý, các nhóm khủng bố, nhất là IS, đang thay đổi rất mạnh các chiến lược khủng bố bằng việc sử dụng các cách thức cũng như những thành viên mới chưa bị các cơ quan an ninh theo dõi chặt chẽ. Thực hiện hành động “tử vì đạo” theo kiểu “sói cô độc” qua các vụ tấn công khủng bố sử dụng công nghệ thấp như dùng dao hay các phương tiện giao thông thời gian qua chính là một ví dụ điển hình.
Trên thực tế, chính Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho rằng dù việc tiêu diệt được thủ lĩnh IS là một “thời khắc quan trọng” nhưng không đồng nghĩa rằng mối đe dọa từ IS không còn tồn tại và cuộc chiến chống khủng bố sẽ chưa thể đến hồi kết. Tuy rằng cấp độ cảnh báo khủng bố đã được hạ, nhưng cấp độ “đáng kể” cũng cho thấy nước Anh luôn ý thức được mức độ đe dọa vẫn cao. Và như lời Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel, mức độ “đáng kể” đồng nghĩa với việc khủng bố vẫn là một trong những nguy cơ trực diện đối với an ninh quốc gia. Vụ tấn công khủng bố bằng dao cuối tháng 11 vừa qua chính là một hồi chuông cảnh báo rằng bóng ma khủng bố vẫn còn là một nỗi ám ảnh với đảo quốc sương mù.
HOÀNG VŨ