Sau sự kiện này, báo cáo chính trị mới nhất của cơ quan nghiên cứu Fitch Solutions nhận định “sự phá vỡ hoàn toàn” mối quan hệ giữa hai nước là điều khó xảy ra. Dù sao, việc không còn thỏa thuận quân sự đã tồn tại 20 năm qua cũng không thể dẫn tới chấm dứt quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Vì Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 và gần đây nhất là Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng năm 2014, vẫn đang có hiệu lực.

Đối với Phillipines, không còn VFA với Mỹ sẽ đưa lại những tổn thất về phương diện an ninh quốc gia, thương mại và kinh tế, như một số quan chức cấp cao nước này lo ngại. Việc hủy bỏ VFA sẽ ảnh hưởng đến hơn 300 hoạt động huấn luyện và các chương trình hợp tác khác diễn ra giữa lực lượng quân đội hai nước. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cảnh báo nguy cơ Mỹ sẽ chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ. Quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ trở nên lạnh nhạt nếu Philippines hạ thấp liên minh với Washington. Mỹ không chỉ đóng vai trò là một đối tác thương mại quan trọng với Manila mà còn là nhà cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho Philippines.

Đối với Mỹ, theo Fitch Solutions, việc chấm dứt VFA có thể khiến các cuộc tập trận quân sự của Mỹ ở khu vực gặp những phức tạp. Dù sao VFA cũng tạo cơ sở pháp lý cho sự hiện diện của hàng nghìn binh lính Mỹ tại Philppines để tham gia các hoạt động tập trận chung và hỗ trợ nhân đạo với quốc gia Đông Nam Á này. Fitch Solutions cho rằng, Tổng thống Philippines Duterte sẽ tiếp tục tìm kiếm mối quan hệ ngoại giao mạnh mẽ hơn với những đối thủ chiến lược của Washington là Trung Quốc và Nga, bằng cách “tập cho Philippines làm quen” với việc rời xa đồng minh hiệp ước truyền thống của mình.

Như vậy, xét về mặt lợi ích thì cả hai đồng minh Mỹ và Phillipines khó có thể “rời xa” nhau mãi mãi. Thậm chí, nhận định của ông Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage dự đoán khả năng “Chính phủ Mỹ sẽ trao đổi kín với Chính phủ Philippines trong những tuần tới hoặc vài tháng tới để ngăn chặn việc chấm dứt thỏa thuận”.

Nhưng với Philippines, quyết định chấm dứt VFA của Tổng thống Duterte là điều khó có thể đảo ngược, ít ra là vào giai đoạn này, trong bối cảnh cả hai ở trong tình trạng “không bằng mặt, không bằng lòng” về nhau từ lâu. Tổng thống Duterte nhiều lần chỉ trích Mỹ can thiệp vào tình hình nội bộ của Philippines và đe dọa chấm dứt VFA.

Quyết định cuối cùng về VFA của Tổng thống Duterte cũng có thể là thông điệp cảnh báo cứng rắn đối với đồng minh Washington, rằng Mỹ không hẳn là quốc gia duy nhất mà Philippines có thể trông cậy, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực ngày càng quyết liệt. Một bức thông điệp khác đáng chú ý hơn, được người phát ngôn Tổng thống Philippines tuyên bố rõ ràng: “Đã đến lúc chúng ta tự lo cho mình. Chúng ta sẽ tự củng cố năng lực phòng thủ và không dựa vào bất kỳ quốc gia nào khác”.

Nhưng đó là câu chuyện dưới thời ông Duterte còn nắm quyền lực. Tổng thống Duterte sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào giữa năm 2022 và chưa thể nói trước điều gì dưới thời người sẽ kế nhiệm ông. Fitch Solutions dự báo khả năng Manila và Washington có thể trở lại “nồng ấm” dưới thời người kế nhiệm Tổng thống Duterte. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phần lớn người dân Philippines vẫn cho thấy có sự tin tưởng với Mỹ. Do đó, tổng thống tiếp theo của Philippines có thể sẽ biết cách khai thác xu hướng tâm lý này để giành được nhiều lá phiếu của cử tri, nhất là đối với các vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Ngoài ra, cho đến nay, vẫn có những ý kiến cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định điều gì sẽ xảy ra với VFA. Vì kể từ sau tuyên bố chấm dứt VFA của Tổng thống Duterte vào tuần trước, thỏa thuận này vẫn còn có 180 ngày hiệu lực. Đây cũng không phải lần đầu tiên hai nước rơi vào tình huống căng thẳng kiểu này trong lĩnh vực quốc phòng. Hai bên đã từng đàm phán lại các điều khoản thỏa thuận căn cứ quân sự trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước và chứng kiến việc đóng cửa các căn cứ quân sự Mỹ vào đầu thập kỷ 90. Nhưng sau tất cả, cả hai vẫn vượt qua những khúc mắc và tiếp tục duy trì mối quan hệ đồng minh ngày càng cho thấy “khó bỏ được nhau” cho dù thế nào.

MAI NGUYÊN