Mặc dù đã được báo trước về “món quà Giáng sinh” của Bình Nhưỡng, nhưng có lẽ Washington cũng không ngờ “món quà” lại đến sớm và khó chấp nhận như vậy. Bộ Ngoại giao Triều Tiên trước đó đã nhắc lại lời kêu gọi Washington thay đổi chính sách thù địch đối với nước này và nhấn mạnh rằng, Washington có thể tự quyết định sẽ nhận món “quà Giáng sinh” nào từ Bình Nhưỡng vào thời hạn chót cuối năm.
Tổng thống Donald Trump trong một phản ứng trước tuyên bố mới nhất của Triều Tiên, cho biết ông sẽ rất ngạc nhiên nếu Bình Nhưỡng có hành động thù địch. Nhằm xoa dịu, ông nêu rõ quan hệ hai bên vẫn tốt đẹp cho dù vẫn có sự đối đầu nhất định.
Cho dù ông chủ Nhà Trắng tỏ ra khá bình tĩnh trước động thái cứng rắn mới nhất của Triều Tiên, cũng không thể khỏa lấp được sự thật là quan hệ Mỹ-Triều đang giống như “đạn đã lên nòng”. Mới cách đây ít ngày, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Anh, Tổng thống Trump còn bóng gió rằng sẽ sử dụng sức mạnh quân sự chống Triều Tiên nếu cần thiết. Đáp lại, Triều Tiên cũng cảnh báo sẽ “có hành động thích đáng ở bất kỳ mức độ nào” nếu Mỹ dùng vũ lực. Tổng tham mưu trưởng Quân đội Triều Tiên Pak Jong Chon tuyên bố “việc sử dụng vũ lực không phải là đặc ân riêng của Mỹ”.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã được Tổng thống Trump và người đồng cấp Hàn Quốc qua điện đàm nhất trí là “nghiêm trọng”. Hai nhà lãnh đạo thống nhất cho rằng phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc đối thoại để có thể đạt được kết quả nhanh chóng trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.
Với loạt động thái cứng rắn nói trên, Triều Tiên đã thay Mỹ chọn “món quà”, bởi nước này đang cạn dần sự kiên nhẫn với Washington. Thời hạn chót mà Triều Tiên đặt ra cho Mỹ vào cuối năm nay để hai bên quay trở lại bàn đàm phán giống như một “tối hậu thư” của Bình Nhưỡng. Mấu chốt vẫn là không bên nào chịu nhượng bộ và từ bỏ lập trường mà mình theo đuổi. Mỹ muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa, từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, trong khi lập trường của Bình Nhưỡng là Washington “muốn gì” thì cũng phải dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận trước đã.
Bất đồng trên đã trở thành “nút thắt” khó gỡ trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng ở vào thời điểm hiện nay khi nước Mỹ chỉ còn chưa đầy một năm nữa sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống, Bình Nhưỡng cho rằng Washington đang “câu giờ” để phục vụ cho “chương trình nghị sự chính trị trong nước”. Đại sứ Kimg Song cho rằng, tuyên bố của Mỹ về việc theo đuổi “một cuộc đối thoại liên tục và quan trọng” với Triều Tiên chỉ là một mánh khóe của Washington nhằm kéo dài thời gian.
Các nhà quan sát lo ngại sự mất bình tĩnh của Bình Nhưỡng có thể là những tín hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ quay trở lại chính sách hạt nhân cứng rắn trước đây và tiếp tục thực hiện các vụ thử hạt nhân gây nhiều quan ngại. Gần đây, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ nối lại các cuộc thử nghiệm vũ khí nếu các cuộc đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa không đạt được đột phá trước khi kết thúc năm 2019. Nhưng trên thực tế, theo thống kê, Triều Tiên đã tiến hành 13 vụ phóng tên lửa đạn đạo kể từ tháng 5 vừa qua.
Việc Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa trong thời điểm đàm phán Mỹ-Triều bế tắc được cho là cách để Bình Nhưỡng gây sức ép với đối phương và tạo được ưu thế trên bàn đàm phán nếu được nối lại. Đàm phán hạt nhân Triều Tiên rơi vào bế tắc kéo dài kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai hồi đầu năm nay. Cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa hai bên gần đây nhất hồi tháng 10 ở Stockholm (Thụy Điển) cũng đổ vỡ ngay sau khi bắt đầu. Bình Nhưỡng cũng không hề che giấu mục tiêu của mình khi thừa nhận kết quả vụ thử ở bãi phóng Sohae sẽ giúp thay đổi vị thế chiến lược của Bình Nhưỡng trong tương lai gần.
Vì vậy, không loại trừ khả năng “món quà Giáng sinh” sớm Bình Nhưỡng gửi tới Washington cũng có thể giúp Triều Tiên nhận được “món quà” mà mình trông đợi, đó là đàm phán được nối lại ngay trước thời hạn chót, hoặc chí ít cũng đạt được những nhượng bộ vào phút chót.
HẠNH NGUYÊN