Tổng thống Donald Trump bị cáo buộc “chơi xấu” khi gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mở cuộc điều tra tham nhũng đối với Hunter Biden, con trai của ông Joe Biden-cựu Phó tổng thống Mỹ, đồng thời là ứng cử viên tổng thống tiềm năng nhất của Đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020. Theo Hiến pháp Mỹ, Hạ viện có quyền luận tội nếu xác định tổng thống “phạm tội nghiêm trọng và đạo đức xấu”. Sau khi được thông qua, các cáo buộc chống lại tổng thống sẽ được trình lên Thượng viện xem xét. Tổng thống sẽ bị phế truất nếu 2/3 thành viên của Thượng viện tán thành việc này.

Trước hết cần phải khẳng định rằng, cuộc điều tra luận tội chính là một canh bạc mạo hiểm đối với Đảng Dân chủ. Sở dĩ nói như vậy là bởi nếu cuộc điều tra của các ủy ban tại Hạ viện không tìm đủ bằng chứng-đồng nghĩa với việc nỗ lực luận tội Tổng thống Donald Trump thất bại, đây sẽ là đòn giáng nặng nề vào uy tín của Đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Tuy nhiên, nếu không nắm chắc phần thắng thì đã chẳng có chuyện Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi-người vốn phản đối việc tiến hành bước đi quyết liệt nhằm hạ bệ một tổng thống đang tại nhiệm vì cho rằng luận tội sẽ gây chia rẽ đất nước, trừ phi phải có một lý do thuyết phục, mạnh mẽ và đến từ lưỡng đảng, lại dõng dạc tuyên bố trước báo giới hôm 24-9 vừa qua rằng cơ quan lập pháp này sẽ tiến hành một cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Donald Trump. Việc Đảng Dân chủ hiện đang kiểm soát Hạ viện có lẽ cũng là một nhân tố quan trọng khác khiến người ta tin rằng khả năng Tổng thống Donald Trump bị luận tội là không nhỏ.

Giả sử nếu Đảng Dân chủ có thành công trong việc thuyết phục Hạ viện thông qua quyết định luận tội Tổng thống Donald Trump, vẫn còn đó “cửa ải” Thượng viện. Chuyện Đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump đang nắm thế đa số tại Thượng viện có lẽ cũng đã đủ để khẳng định điều đó. Đó là còn chưa kể lịch sử dường như lại không đứng về phía Đảng Dân chủ. Trong số 3 người tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump là Richard Nixon, Andrew Johnson và Bill Clinton cùng từng đối mặt với kịch bản luận tội, trừ Richard Nixon từ chức để tránh bị luận tội liên quan tới vụ bê bối Watergate, hai người còn lại đều “bình yên vô sự”!

Ở chiều ngược lại, cuộc điều tra luận tội mà Tổng thống Donald Trump gọi là “cuộc săn phù thủy” này cũng đẩy vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ rơi vào thế khó. Nếu như việc Hạ viện Mỹ tiến hành điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump đánh dấu một cuộc đối đầu mới giữa Nhà Trắng với Quốc hội Mỹ đã là một nhẽ, khả năng cuộc đối đầu này có thể kéo dài tới khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tại xứ cờ hoa vào năm 2020 mới là điều đáng quan tâm. Dù muốn hay không thì việc Tổng thống Donald Trump bị kịch bản luận tội làm phân tâm trong chiến dịch tái tranh cử của mình là khó tránh khỏi. Chưa rõ kết quả luận tội ra sao, chỉ cần trong khoảng thời gian này, các thông tin mới “bất lợi” liên quan tới Tổng thống Donald Trump có thể dồn dập xuất hiện cũng sẽ là điểm trừ trong mắt cử tri. Tình huống này khiến người ta liên tưởng tới sự cố mà bà Hillary Clinton, cựu ứng viên Đảng Dân chủ phải đối diện vào năm 2016 khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đưa ra những tuyên bố bất nhất về việc điều tra các email của bà sát thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ năm đó.

Cuộc điều tra luận tội với cáo buộc lạm quyền do Đảng Dân chủ khởi xướng cũng đồng nghĩa khoảng thời gian tại nhiệm còn lại trong nhiệm kỳ đầu tiên của vị Tổng thống thứ 45 của xứ cờ hoa lại có thêm những ngày “bão tố”!

HOÀNG VŨ