Cả thế giới đã không khỏi bàng hoàng trước thảm kịch chiếc máy bay Boeing 737-800 thuộc hãng hàng không quốc tế Ukraine (UIA) rơi chỉ ít phút sau khi cất cánh khi đang trên hành trình từ thủ đô Tehran của Iran tới thủ đô Kiev của Ukraine vừa qua, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 176 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn. Sự cố được xác định “do lỗi con người” khiến 82 người Iran, 63 người Canada, 11 người Ukraine, 10 người Thụy Điển, 4 người Afghanistan, 3 người Đức và 3 người Anh thiệt mạng không chỉ là một thảm kịch hàng không mà theo như lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani, đây còn là “sai lầm không thể tha thứ”.
Quân đội Iran lên tiếng xác nhận lực lượng phòng không nước này đã “vô tình” bắn nhầm chiếc máy bay chở khách mang số hiệu PS752 của UIA. Chiếc máy bay cất cánh chỉ vài giờ sau khi Iran phóng hàng chục tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq nhằm đáp trả việc Mỹ không kích sân bay Baghdad khiến tướng Qasem Soleimani-Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) Iran thiệt mạng. Chiếc máy bay đã bị nhầm là một “mục tiêu thù địch” sau khi bay qua một căn cứ quân sự nhạy cảm của IRGC vào đúng thời điểm quân đội Iran đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao nhất do căng thẳng gia tăng với Mỹ.
176 người thiệt mạng trên chuyến bay định mệnh, trong đó có cả trẻ em, các cặp vợ chồng mới cưới, cùng nhiều sinh viên, giảng viên, đã để lại phía sau với biết bao mơ ước còn dang dở cùng nỗi đau không biết bao giờ nguôi ngoai cho gia đình, người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Với ông Paul Davidson, Chủ tịch Hiệp hội 95 trường đại học tại Canada, “cảm giác đau đớn bao trùm lên nhiều ngôi trường trên khắp cả nước” và “sẽ còn lại rất nhiều chiếc ghế trống”. Còn với Hamed Esmaeilion, anh ước gì mình không phải thực hiện cuộc gọi điện thoại đau lòng vào sáng 8-1. “Tôi thường gọi tới trường thông báo mỗi khi con gái 9 tuổi Reera Esmaeilion phải nghỉ học. Ngày hôm đó, tôi đã phải nói với các thầy cô rằng con bé sẽ nghỉ học mãi mãi”, Hamed Esmaeilion đau đớn kể lại trên CBC News.
Mặc dù lý do Iran không cho dừng các chuyến bay thương mại hay đóng cửa không phận giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” để tránh “bom rơi đạn lạc” khiến người ta khó hiểu, song dư luận cho rằng, việc nước Cộng hòa Hồi giáo thừa nhận “vô tình” bắn nhầm chiếc máy bay của UIA là một bước đi đúng hướng. Điều quan trọng giờ đây là cần một cuộc điều tra toàn diện, minh bạch để những người gây ra vụ việc phải chịu trách nhiệm cũng như xúc tiến việc đưa thi thể các nạn nhân về nước, bởi như lời Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nêu rõ, dư luận “sẽ không yên lòng cho tới khi công lý được thực thi”. Chính Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đã khẳng định, những người phạm phải “sai lầm không thể tha thứ này” sẽ bị truy tố và Tehran hoan nghênh “bất kỳ sự hợp tác quốc tế nào trong khuôn khổ quy định quốc tế” nhằm làm rõ “sự cố đau đớn không dễ gì vượt qua này”. Nhà lãnh đạo Iran cũng yêu cầu phải có biện pháp cần thiết nhằm “khắc phục những điểm yếu của hệ thống phòng không Iran, để không bao giờ có một thảm họa tương tự lặp lại”.
Đây không phải là lần đầu tiên thế giới phải chứng kiến việc máy bay chở khách rơi do trúng tên lửa. Theo tờ Al Jazeera, trước đây đã từng xảy ra 6 thảm kịch tương tự tính từ năm 1973 khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, trong đó, gần đây nhất là chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn hạ trên bầu trời phía Đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Điều đáng nói là việc quân đội Iran “vô tình” bắn nhầm chiếc máy bay chở khách của UIA xảy ra trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo và siêu cường số một thế giới ở bên bờ vực chiến tranh. Như Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, điều đó lại càng cho thấy tầm quan trọng của việc giảm leo thang căng thẳng tại khu vực Trung Đông. “Tất cả chúng ta có thể thấy rất rõ rằng, leo thang xung đột sẽ chỉ gây thêm mất mát và thảm kịch. Tất cả các nhà lãnh đạo lúc này cần theo đuổi con đường ngoại giao”, nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh.
HOÀNG VŨ