Thế nhưng cũng có lúc một người có quan điểm cứng rắn về Brexit như Thủ tướng Boris Johnson buộc lòng phải làm việc mà mình không hề mong muốn, đó là gửi thư đề nghị EU gia hạn Brexit.
Việc làm cực chẳng đã này được Thủ tướng Anh thực hiện ngay sau khi Quốc hội Anh ủng hộ một đề xuất do cựu nghị sĩ Đảng Bảo thủ Oliver Letwin soạn thảo, theo đó, không tiến hành bỏ phiếu trong ngày 19-10 về thỏa thuận Brexit mới đạt được giữa ông Boris Johnson và các nhà lãnh đạo EU vào ngày 17-10 vừa qua cho đến khi toàn bộ dự luật chính thức về Brexit được chính thức thông qua. Theo quy định của đạo luật Benn do Quốc hội Anh thông qua và Nữ hoàng Anh phê chuẩn, Thủ tướng Boris Johnson sẽ phải đề nghị EU hoãn Brexit thêm 3 tháng, tức là đến ngày 31-1-2020 nếu Quốc hội nước này không thông qua thỏa thuận Brexit trong ngày 19-10. Bởi vậy, dù muốn hay không, về mặt pháp lý, Thủ tướng Boris Johnson cũng phải có trách nhiệm đề nghị EU gia hạn Brexit. Điểm đáng chú ý là lá thư đề nghị EU trì hoãn Brexit này lại không hề có chữ ký của người đứng đầu Chính phủ Anh.
Ngoài bức thư trên, người đứng đầu Chính phủ Anh còn gửi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk hai bức thư nữa. Lá thư thứ hai là của Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow, trong đó giải thích rằng để tuân thủ đạo luật Benn, Thủ tướng nước này phải bất đắc dĩ yêu cầu trì hoãn Brexit. Trong bức thư thứ ba, Thủ tướng Boris Johnson lý giải vì sao Anh không muốn gia hạn Brexit và ký tên ở phía dưới. Theo nội dung bức thư này, ông Boris Johnson nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ Anh và cá nhân ông rằng tiếp tục trì hoãn Brexit sẽ làm tổn hại đến lợi ích của Anh và các đối tác EU, cũng như quan hệ giữa Anh và khối liên minh này.
Sau 5 ngày đàm phán liên tục, đầy căng thẳng, cuối cùng, Thủ tướng Anh và các nhà lãnh đạo EU cũng đạt được sự thống nhất để cho ra đời một thỏa thuận Brexit mới mang tính bước ngoặt vào ngày 17-10 vừa qua. Theo Chủ tịch EC Donald Tusk, thay đổi lớn nhất trong thỏa thuận Brexit mới là quyết định của Thủ tướng Boris Johnson về việc cho phép kiểm tra hải quan tại khu vực biên giới giữa Anh và Cộng hòa Ireland. Thỏa thuận Brexit mới này đã loại bỏ được điều khoản “chốt chặn” (backstop) gây tranh cãi trong thỏa thuận Brexit trước đó do cựu Thủ tướng Anh Theresa May ký với EU. Theo điều khoản này, Anh sẽ ở lại liên minh thuế quan cho tới khi hai bên đạt được thỏa thuận mới nhằm tránh một đường biên giới hiện hữu giữa vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland (thuộc EU). Phe bài EU tại Anh kịch liệt phản đối vì cho rằng điều khoản này sẽ khiến Anh mắc kẹt vô thời hạn trong những quy định thuế quan của EU và khó tiến tới mục tiêu tự do về kinh tế. Đây là một trong những lý do khiến Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận mà bà Theresa May nỗ lực đạt được đến 3 lần.
Một khi kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy ra, nền kinh tế Anh và EU có thể sẽ cùng phải đón nhận những tác động hết sức tiêu cực. Tuy nhiên, việc Anh rời EU kể cả khi không đạt được thỏa thuận được đánh giá là sẽ giúp xứ sở sương mù chấm dứt một thời kỳ dài lún sâu trong “vũng lầy” Brexit và có một khởi đầu mới. Tiến trình Brexit kéo dài đã làm hao tổn quá nhiều thời gian, sức lực và tài nguyên của cả Anh lẫn EU trong suốt hơn 3 năm qua kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở xứ sở sương mù vào năm 2016.
Thỏa thuận Brexit mới giữa Thủ tướng Boris Johnson và các nhà lãnh đạo EU mở ra triển vọng nước Anh có thể rời khỏi “ngôi nhà chung” châu Âu một cách trật tự vào ngày 31-10 tới như lịch trình đã định. Với việc hoãn bỏ phiếu thỏa thuận trên, Quốc hội Anh đã khiến Thủ tướng Boris Johnson phải xin EU trì hoãn cuộc chia tay với liên minh này. Nhưng xem ra điều đó không dễ làm thay đổi lập trường của ông Boris Johnson, người lâu nay một lòng kiên định muốn đưa nước Anh sớm thoát khỏi “mớ bòng bong” mang tên Brexit vào ngày 31-10 dù có thỏa thuận hay không.
LÂM ANH