Sau cuộc đàm phán kéo dài 6 giờ tại thành phố Sochi ngày 22-10 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí một thỏa thuận, trong đó bảo đảm Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria sẽ rút khỏi khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30km, đồng thời hai nước sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung tại khu vực rộng 10km trong “vùng an toàn” mà Ankara muốn thiết lập ở khu vực miền Bắc Syria.

Đáng chú ý, thỏa thuận này ra đời chỉ vài giờ trước thời hạn chót mà Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ tái khởi động chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria.

Rõ ràng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút gần như toàn bộ binh sĩ của nước này khỏi Syria, bỏ lại sau lưng những đồng minh người Kurd, chẳng khác gì một món quà lớn cho ông Vladimir Putin. Với thỏa thuận đạt được ngày 22-10 vừa qua, Moscow gần như đã thay thế Washington để định hình những nước đi tiếp theo trên bàn cờ chiến lược Syria, qua đó tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình như một nhân tố chủ chốt, một thế lực có tiếng nói quyết định đối với cục diện tại Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung. Giờ đây, Nga-đồng minh lớn nhất của Syria-dường như là bên duy nhất có thể trực tiếp ngồi vào bàn đàm phán với tất cả các bên liên quan ở Syria.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận ấy cũng được coi là một thắng lợi. Trước hết là Ankara đã hoàn thành mục tiêu của chiến dịch mang tên “Mùa xuân Hòa bình” mà nước này phát động từ ngày 9-10 vừa qua. Dưới sự hậu thuẫn của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Syria, từ đó rộng đường tính toán để giải quyết hàng loạt mối lo như khủng bố, mâu thuẫn sắc tộc và hồi hương người tị nạn tại khu vực biên giới giữa nước này với Syria…

Bên cạnh đó, sự thoái lui của người Mỹ cùng với sự xuất hiện của đồng minh Nga khiến chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể nghĩ tới cơ hội thống nhất toàn bộ lãnh thổ sau nhiều năm nội chiến.

Trong khi đó, bất chấp sự phản đối của Quốc hội Mỹ đối với quyết định rút quân khỏi Syria cũng như những ý kiến lo ngại rằng vị thế mà nước Mỹ xây dựng suốt nhiều năm qua tại Trung Đông đang dần đi về mốc số 0, Tổng thống Donald Trump vẫn hài lòng nói rằng, mình đã đưa ra hướng tiếp cận đúng đắn. Có lẽ là bởi, cố gắng giải quyết triệt để vấn đề Syria không còn là dấu sao lớn trong cuốn cẩm nang đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại và tái đắc cử nhiệm kỳ hai của người đứng đầu xứ sở cờ hoa.

Thế nhưng, phải thừa nhận rằng, nhìn bề ngoài, các bên liên quan tới tình hình Syria hiện nay như Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đang cùng chiến tuyến, song giữa họ vẫn tồn tại những khác biệt, đặc biệt là lợi ích quốc gia cốt lõi, khi cùng bàn về bất cứ quyết định nào trong thời gian tới.

Vậy nên, vẫn còn quá sớm để nói rằng “thay tướng thì sẽ đổi vận” và thế cục ở Syria đã ngã ngũ bằng cái mà người ta gọi là “thỏa thuận lịch sử”.

VŨ HÙNG